Xoay quanh tranh cãi về trường học ở tỉnh Fukuoka cho học sinh nuôi gà sau đó mổ thịt ăn

Sinh mệnh – Theo bạn, từ đó có nghĩa là gì?

Theo tôi, sinh mệnh hiểu nôm na là những vật có sự sống, bao gồm cả con người.

Nhằm giúp học sinh hiểu được sâu sắc và khắc ghi ý nghĩa của hai chữ thiêng liêng ấy vào tim, trường học Nhật Bản đã tổ chức nhiều giờ học xoay quanh chủ đề sinh mệnh. Thậm chí, sách đạo đức từ tiểu học đến trung học tại Nhật cũng dùng cả một chương để luận bàn vấn đề này. Ngoài ra, Ikimono gakari là chức danh đặc biệt ở trường tiểu học dành cho những em phụ trách nuôi con vật của lớp như gà, chim, thỏ… Thêm vào đó học sinh còn trồng hoa và các rau củ đơn giản để trải nghiệm bài học một cách thiết thực nhất.

Ảnh: http://www.doubutsu-no-kuni.net/?p=3688

Hai ví dụ điển hình về giờ học đặc biệt dưới đây vẫn còn gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng về tính thiết thực của nó…Đi vào từng câu chuyện để xem điều gì làm dấy lên những tranh cãi ấy nhé!

Đến trường cùng lợn – Buta ga ita kyoshitsu 

Đây là tựa đề bộ phim đã từng trở thành đề tài bàn tán trong ngành giáo dục và cả giới học sinh lúc bấy giờ. Xây dựng trên câu chuyện có thật, bộ phim kể về 26 em học sinh tiểu học cùng nuôi một chú heo trên sân trường. Cho đến khi chú heo lớn, các em phải tự mình quyết định sẽ đưa heo vào lò mổ hay nuôi đến khi nó già và chết.

Thoạt đầu, khi thầy giáo mới đưa P-chan (tên chú heo) về với lời hứa khi nào chú lớn, cả lớp sẽ cùng nhau ăn. Thế rồi ai cũng hào hứng và không chút ngần ngại gật đầu. Chủ yếu là vì món thịt heo mà thầy giáo đề cập.

Thế nhưng, ngày qua ngày, đến khi P-chan cùng bọn trẻ chơi đùa, đi dạo và thỉnh thoảng “vượt rào” đến lớp thăm các cô cậu chủ nhỏ thì sợi dây gắn kết của 26 con người cùng chú heo đã khăng khít hơn tự lúc nào không biết.

Tuy nhiên, cái gì đến sẽ đến, bọn trẻ sắp tốt nghiệp tiểu học và chú heo cũng đủ lớn để đến tuổi “vào lò”.

Thế là cả lớp và thầy giáo họp bàn với nhau xem sẽ làm gì với P-chan.

Ăn hay không ăn ?

Câu hỏi dấy lên trong đầu 26 thành viên. Nếu ngày đầu gặp P-chan, cả lớp đều thống nhất câu trả lời là ăn. Thì đến giờ phút đó, chỉ còn lại 1 nửa đồng tình, nửa còn lại phản đối. Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là nếu không ăn thì ai sẽ là người chăm sóc P-chan, trong khi cả lớp đều sắp nhập học ở trường mới, giao lại cho các em lớp dưới hay nhờ đến cô chú trong vùng….

Ảnh: https://ameblo.jp/hide-smile/entry-10797985010.html

Nhìn quang cảnh các em nhỏ đứng dậy nói lên suy nghĩ của mình, những câu hỏi và ý kiến tưởng chừng ngây thơ nhưng vô cùng sắc bén khiến tôi không khỏi suy nghĩ và đắn đo. Liệu nếu là tôi trong trường hợp đó sẽ quyết định như thế nào?

“Ai là người quyết định việc lấy đi mạng sống của một ai đó vậy ?”

Câu hỏi ấy cứ đau đáu mãi trong tôi. Đúng vậy, ai đã quyết định heo, bò, gà… là những sinh vật được phép ăn, và con người thì có quyền ăn chúng?

Với những bạn chưa xem, tôi thành thật khuyên bạn nên một lần trải mình và cảm nhận. Còn kết phim, xin nhường lại cho đạo diễn bộ phim “bật mí”…

Lớp học đặc biệt tại trường trung học nông -lâm tỉnh Fukuoka

Ngôi trường nằm tại một vùng thôn quê tỉnh Fukuoka, nơi có một lớp học đặc biệt được thầy Manabe Kouji dẫn dắt.

Ngoài giờ học trồng rau, làm vườn, các em còn tham gia giờ học kéo dài 3 tháng, đó là giờ học về sinh mệnh. Tại đây, các em sẽ nuôi những chú gà con, quan sát, chăm sóc chúng trưởng thành để rồi… tự tay giết thịt và ăn chúng.

Các em vui sướng nhìn đàn gà mình ấp ủ sinh ra 

Ảnh: https://youtu.be/509DuVWL66g

Thoạt nghe, có vẻ như đây là một giờ học vô đạo đức và kinh dị. Thế nhưng nó chứa đựng những thông điệp giáo dục sâu sắc.

Trước thực trạng tỷ lệ học sinh tự sát vì bị chính bạn cùng lớp vùi dập, xa lánh, chơi xấu sau lưng…Hay còn phổ biến với cái tên Bắt nạt, nhiều trường học đã nghĩ ra nhiều phương án cũng như biện pháp đối phó. Và đó là lý do lớp học sinh mệnh ra đời.

Từ việc quan sát sự ra đời thần kỳ của từng chú gà được mình ấp ủ khi còn trong trứng, rồi cổ vũ chúng mạnh mẽ sinh tồn, chăm bẵm từng chút một, quan sát chúng lớn lên… Vậy mà, đau đớn hơn khi chứng kiến chúng bị cắt cổ, vặt lông trước mặt mình rồi ăn ngay sau đó.

Nếu bạn quan tâm, hãy nhấp vào Link dưới để xem toàn bộ quá trình trải qua 3 tháng của lớp học

(chỉ có tiếng Nhật)

Ảnh: https://youtu.be/509DuVWL66g

Việc bạn bắt nạt một ai đó cũng vậy. Gia đình bạn trân trọng bạn thì gia đình người mà bạn bắt nạt cũng yêu thương người đó như thế, cùng một đẳng cấp, địa vị hay dễ hiểu nhất là một con người thì chẳng ai có quyền làm tổn thương người khác cả.

Nhìn những chú gà nỗ lực hết mình để ra khỏi vỏ trứng mà xem, một sinh linh ra đời gặp muôn vàn trắc trở, vậy mà lại dễ dàng bị dồn đến đường cùng đến nỗi phải tự sát. Kẻ đi bắt nạt chỉ nghĩ rằng người bị hại yếu đuối thua cuộc nên tự kết thúc cuộc đời, chứ chẳng mảy may hiểu rằng chính chúng là kẻ gián tiếp lấy đi sự sống của đối phương…

Thêm vào đó, chính nỗi đau lúc nhìn thầy giáo cắt cổ chú gà, sẽ giúp các học sinh hiểu được giá trị của câu nói “Itadakimasu” (bắt buộc nói trước khi ăn đối với người Nhật). Bạn cho đó là tàn độc nhưng không có người làm những công việc đó thì bạn sẽ chẳng ăn để được sống đến bây giờ. Vì vậy trân trọng nguồn thức ăn cũng là trân trọng sự sống, đó là ý nghĩa sau cùng của lớp học sinh mệnh.

“Kỷ niệm không vui cũng được, miễn là chúng nhớ và mang theo trên cả đường đời” – Lời thầy giáo Kouji chia sẻ trước những tranh cãi về giờ học được cho là tàn nhẫn này.

※Bài học mà trẻ nhận được sau các giờ học sinh mệnh tại trường: 

– Sự chào đời của mỗi một sinh linh là phép màu của tạo hoá. Vì không phải ai trong số chúng đều có thể ra đời như mong muốn. Vậy nên, hãy trân trọng cuộc sống của bạn, và cả người khác nữa.

– Trước khi bạn quyết định kết thúc cuộc đời của một ai đó hoặc một con vật nào đó, hãy nghĩ về việc chính bạn đã sinh ra như thế nào, bạn có cuộc sống thì người khác cũng vậy. Không ai có quyền định đoạt sự sống chết của một ai cả.

-Thức ăn mà bạn ăn hằng ngày, cá thịt, tôm, trứng… chúng đều đã từng có một sinh mệnh, vì vậy, khi ăn hãy nghĩ đến giá trị của chúng mà nâng niu, trân quý.

Ảnh: http://www.doubutsu-no-kuni.net/?p=3688

Tất cả những bài học trên đây, đều nhằm hướng đến mục đích xoá bỏ tệ nạn bắt nạt đã phủ bóng đen lên học đường Nhật Bản bấy lâu nay.

So với bất kỳ loại của cải nào, sinh mệnh là điều mỗi con người đều cố gắng níu giữ lúc gần đất xa trời. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu rõ giá trị đó, người lừa lọc người, tiêm thuốc vào thực phẩm, gây tai nạn giao thông, chồng cắt cổ vợ, con chém cha, giết người cướp của…Vì lợi ích của bản thân mà xem nhẹ sinh mệnh của người khác.

Phải chăng nền giáo dục Việt Nam đương thời nên khắt khe hơn trong vấn đề giáo dục đạo đức mà trọng tâm là giá trị của SINH MỆNH cũng như Nhật Bản đang cố gắng đẩy lùi vấn nạn bắt nạt bằng nhiều cách vậy.

Chee 

3 lý do tại sao người dân tỉnh Aomori được xem là đoản mệnh nhất Nhật Bản

Sức mạnh ngôn từ-Những trích dẫn kinh điển từ Manga, Anime có thể thay đổi vận mệnh của bạn

Cô gái nào được mệnh danh là xinh nhất Nhật Bản?

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: