Bất ngờ: Hơn 180,000 học sinh Nhật bỏ học năm 2016 – Bắt nạt không phải là nguyên nhân chính, vậy thì do đâu?

Trái với những dấu son chói lọi trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, giáo dục Nhật Bản thường xuyên đứng trước những tranh cãi về phương pháp dạy học cũng như những tồn đọng lẩn khuất sau một nền giáo dục tiên tiến. Bắt nạt, tự kỷ, bạo lực học đường…là những mặt tối được phơi bày nhiều nhất khi nhắc đến giáo dục Nhật Bản. Nói thế không hẳn là những quốc gia khác không tồn tại những mặt tiêu cực này, thế nhưng chúng lại đặc biệt nhiều và ngày càng có dấu hiệu tăng cao tại xứ sở Mặt Trời mọc. Một trong số ít được đề cập là nạn Bỏ học (Futoukou-不登校).

Ảnh: irasutoya.com

Chuyện gì đang xảy ra?

Trong 12 năm trở lại đây, số lượng học sinh bỏ học ở cả 3 cấp diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Thể hiện cụ thể dưới biểu đồ sau, nhiều nhất là đối tượng học sinh cấp 2 ( 103,247 em – năm 2016). Tiếp đó là học sinh cấp 3 (48,579 em – năm 2016) và tiểu học (31,151 em – năm 2016). Trong khi ở học sinh khối cấp 3, tỷ lệ bỏ học có xu hướng giảm dần kể từ năm 2013, tuy nhiên 2 cấp nhỏ hơn lại tăng mạnh từ cùng kỳ năm đó.

Xét về khu vực thường xảy ra tình trạng bỏ học, ta có bảng thống kê từ Bộ giáo dục và đào tạo Nhật Bản Mext như sau:

Bảng tổng hợp phần trăm số học sinh cấp 1 và 2 bỏ học theo từng tỉnh thành trên cả nước Nhật.

Bảng tổng hợp phần trăm số học sinh cấp 3 bỏ học theo từng tỉnh thành trên cả nước Nhật.

*Ví dụ cách xem: tỉnh Shiga: có 1,000 học sinh thì 12,7 học sinh cấp 1, 2 bỏ học, nghĩa là 12,7 em trong số đó bỏ học.

Màu sắc càng đậm chứng tỏ số học sinh rơi vào tình trạng này càng nhiều.

Bất kể là thành phố lớn như Tokyo hay nhiều vùng hẻo lánh ở Hokkaido, tình trạng bất cập này đang bao trùm lên cả nước Nhật.

Tại sao chúng phải làm vậy?

Vậy điều gì đã khiến các em học sinh phải từ bỏ việc học, dang dở cuộc đời của mình? Câu trả lời nằm trong bảng sau:

Bất ngờ rằng, “Bắt nạt thông thường” chỉ xảy ra với 692 trường hợp và thấp nhất so với những lý do còn lại.

Lý do chủ yếu lại đến từ môi trường sống và sinh hoạt, cũng chính là gia đình của các em ( 46,004 em). Nếu như ở Việt Nam, nhắc đến hoàn cảnh gia đình, ta có thể liên tưởng tới kinh tế khó khăn, không đủ tiền ăn học nên đứa trẻ phải bỏ học và bôn ba kiếm tiền. Thế nhưng, đây có lẽ là trường hợp hy hữu khi xét về gia cảnh của một đứa trẻ sống tại Nhật. Gia đình tan vỡ, không hoà thuận, ly hôn… có rất nhiều lý do liên quan đến môi trường sống của trẻ và ảnh hưởng trực tiếp từ bố mẹ. Vì vậy nếu không hành xử đúng mực thì trẻ rất dễ rơi vào cảm giác hụt hẫng, bế tắc…

 

Tiếp đến là nguyên nhân do:

  • Bạn bè tẩy chay (33,799 em)
  • học hành không suôn sẻ (26,340 em)
  • không hoà hợp (26,267 em)
  • Xích mích với giáo viên (3,653 em)
  • Bất an về tương lai (5,517 em)
  • Không thích ứng với câu lạc bộ mình sinh hoạt (3,074)
  • Quy định trường học (4,912 em)
  • Không thích ứng được với việc đổi trường, chuyển cấp hay lên lớp cao hơn ( 8,171 em)

Nếu các bạn để ý, dù gia đình là yếu tố tác động hầu hết đến các em. Thế nhưng trong số 10 nguyên nhân đó, có đến 9 lý do liên quan trực tiếp đến trường học khiến phần lớn học sinh chịu các áp lực tâm lý nặng nề khiến chúng bỏ học. Và triệu chứng rõ nhất sau chấn động đó là Hikikomori (tự nhốt mình trong phòng không gặp bất kỳ ai trong thời gian dài), như mọi người đã biết.

Nhà trường, xã hội, gia đình đang làm gì để tiếp sức cho các em?

Để giải quyết tình trạng hiện nay, nhà trường, gia đình và xã hội đang chung tay mở ra những con đường nhằm đưa các em trở lại cuộc sống.

Những buổi nói chuyện tại trung tâm giáo dục, trung tâm phúc lợi xã hội hay sinh hoạt tại nhà văn hoá sẽ giúp con đường hoà nhập của các em trở nên dễ dàng.

Và một trong số đó, có một trường học dành cho đối tượng học sinh dở dang việc học đang được cộng đồng chú ý – trường trung học Hoshiga Nagoya. Điểm thú vị của nơi đây là mô hình dạy và học vô cùng khác biệt với một ngôi trường trung học bình thường.

Tại Hoshiga Nagoya, hiện có chưa đến 100 học sinh theo học, tất cả đều đã bỏ học giữa chừng tại trường cũ. Trường bắt đầu từ 9:30, trễ hơn nhiều trường khác để tránh trường hợp các em không thể dậy sớm. Giáo viên phân chia đứng ở nhà ga gần trường và dọc đường, tươi cười chào buổi sáng. Phụ huynh cũng theo đến tận trường nhằm đảm bảo các em đến trường như thường lệ.

Ảnh: irasutoya.com

Giờ học bắt đầu mà không hề có chuông báo vì nhiều em sẽ cảm thấy bất an với âm thanh này. Không dùng đến sách giáo khoa, các em còn được chọn môn học cho mình và làm bài vào tờ giấy in do giáo viên phát. Thầy cô sẽ đến tận bàn giảng dạy cho từng em. Mỗi lớp thỉnh thoàng có 3,4 giáo viên ngồi giảng dạy cũng không có gì lạ. Hơn nữa, các em còn được mang truyện tranh, máy Game, điện thoại đến trường và chơi vào giờ nhất định.

Tất cả chỉ để kéo các em ra khỏi “tổ” của mình và đến trường. Và không chỉ dũng cảm bước đến trường, các em phải học cách kết bạn và tự tin hơn trong giao tiếp, để sau này dù có rời trường, các em cũng có thể trở thành một con người có ích cho xã hội.

Ví như trường hợp của em Reina năm 2 trung học. Ngày ngày mẹ em phải theo em đến ga tàu vì sợ em bỏ trốn. Đến tận lớp, em cũng chỉ ngồi ngoài hành lang vì sợ cảm giác vào lớp học. Vì tôn trọng cảm xúc của học sinh nên giáo viên ở đây không bao giờ la rầy mà ân cần ra giảng lại bài học bị khuất vì lối ra vào một lần nữa cho em. Có ngày em bỏ lên phòng y tế thì thầy giáo môn toán cũng đến phòng để chỉ dạy.

Nhiều em theo học ở đây cho biết mình trở nên vui vẻ, có nhiều bạn hơn và cảm thấy có nơi dành cho mình hơn so với trước đây.

Thiết nghĩ, mô hình giáo dục thú vị nhưng đầy tính nhân văn của trường Hoshiga Nagoya nên được nhân rộng trên cả nước để góp phần giảm thiểu tình trạng Futoukou nói riêng và Hikikomori trong cộng đồng học sinh nói chung. Nếu không thì, không mất đến 50 năm tình trạng thiếu lao động và sụt giảm dân số sẽ nhanh chóng kéo cường quốc thứ 3 Nhật Bản tụt dốc mất thôi.

Chee (tổng hợp)

Nữ nhiếp ảnh gia người Việt Maika Elan được vinh danh trên tạp chí nổi tiếng nước ngoài với bộ ảnh Hikikomori

Xoay quanh tranh cãi về trường học ở tỉnh Fukuoka cho học sinh nuôi gà sau đó mổ thịt ăn

Cuộc thi sắc đẹp trường học – mảnh đất phát triển màu mỡ hay ngòi nổ cho nạn bắt nạt học đường?

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: