Chân dung võ sư Vovinam Việt Võ Đạo người Nhật đầu tiên

Trong nhiều thập niên qua đất nước và con người Nhật Bản đã liên tục tạo được những ấn tượng trên bình diện quốc tế trong nhiều lãnh vực kể cả văn hóa, nghệ thuật, kỹ thuật, và võ học. Riêng về võ học, các võ phái lừng danh như Không Thủ Đạo (Karate), Hiệp khí đạo (Aikido), Nhu Đạo (Judo), Nhu Thuật (Jiujitsu)… đều xuất phát từ Nhật Bản. Từ đất nước giàu truyền thống võ học này các môn phái võ thuật đã lan tỏa đến hầu hết các quốc gia trên thế giới. Ngôi vị võ thuật Nhật Bản trên trường quốc tế tính về số lượng cũng như tầm phổ quát khó có quốc gia nào có thể sánh bằng.

Vì thế để giới thiệu một môn võ mới đến Nhật Bản là một chuyện gần như không tưởng, chẳng khác nào chở củi về rừng. Thế nhưng môn phái Vovinam Việt Võ Đạo đã đến trên đất Phù Tang và đang có những bước phát triển rất đáng khích lệ. Không từ một tác động bên ngoài nào, mà Vovinam Việt Võ Đạo được giới thiệu đến Nhật Bản do chính những ngôi sao của đất Phù Tang.

Tình tiết câu chuyện này khá thú vị vì nó có cả những yếu tố cơ duyên, thiện chí, và tài năng của con người.

Nhân vật chính trong câu chuyện là một con người đặc biệt. Nói đến võ sĩ đô vật Fugofugo Yumeji thì không ít người dân Nhật không biết đến. Cái tên sân khấu lòng thòng và trang phục dị thường của ông khiến người ta phải chú ý. Tóc để chỏm nhộm vàng, có đuôi sam đen dài, râu rễ tre lồm xồm cũng nhuộm vàng…

Đã vậy, ngoại hình kềnh càng của ông trông thật đáng gờm. Tên tuổi và hình ảnh của võ sĩ này đã từng được nhắc đến nhiều trên báo chí ở Nhật và đặc biệt trong giới hâm mộ môn đô vật chuyên nghiệp (professional wrestling).

Thực ra cái tên Fugofugo Yumeji (富豪富豪夢路) có nghĩa là Phú hộ phú hộ Mộng lộ, tức là theo đuổi giấc mơ trở nên giàu sang quyền quý. Đó chỉ là tên “nghề nghiệp” mà thôi và cũng không ngoài mục đích tiêu khiển nhằm lôi cuốn sự chú ý của khán giả yêu chuộng môn đô vật chuyên nghiệp nặng phần trình diễn này.

Thực ra, tên thật của ông là Fujisaki Tadahiro, nhưng hầu hết mọi người đã quen gọi ông bằng cái tên ngắn gọn và thân thiết “Fugo” tức “Phú hộ”. Tôi được hân hạnh làm quen với Võ sư Fugo qua mạng Internet; và sau vài lần trao đổi tôi khám phá ra rằng ông là một con người không hề hời hợt như hình ảnh phô diễn bên ngoài, mà ngược lại ông là người rất tài hoa, có chiều sâu, và đặc biệt là loại người hành động, dám nghĩ dám làm.

Tốt nghiệp từ đại học Kyushu Sangyo University ông Fugo theo chuyên ngành thiết kế đồ họa (graphic design). Là một họa sĩ vẽ tranh và thiết kế biểu đồ chuyên nghiệp, ông Fugo đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật và thương mại đầy sáng tạo. Không những thế, trong lãnh vực phim trường ông đã từng đóng vai phụ trong 8 bộ phim phát hành tại Nhật.

Nhưng trong quảng đời 44 năm, thì hơn 35 năm ông đã gắn bó với võ nghiệp và nó cũng chính là niềm đam mê mãnh liệt nhất luôn thôi thúc ông. Lúc thiếu thời ông theo học bộ môn Karate và đạt tới huyền đai nhị đẳng, nhưng ông chuyển qua môn đô vật chuyên nghiệp đã hơn 20 năm qua cho đến thời điểm này. Tên tuổi và hình ảnh của ông xuất hiện thường xuyên trong các giải đấu trình chiếu trên TV. Ông thường xuyên tham gia các trận đấu lưu diễn khắp nơi trên nước Nhật cũng như các nước như Úc Đại Lợi, Hawaii Hoa Kỳ, Thái Lan, Nepal, và Việt Nam. Có thể nói phong thái sống của ông Fugo rất đa dạng và đặc biệt. Qua một cuộc trao đổi, ông thố lộ nhân sinh quan của mình rằng, “Sống trên đời này phải có những nét đặc thù, nếu không thì cuộc đời thật vô vị”.

Vài mẫu thiết kế và tranh do ông Fugo sáng tác

Chính môn đô vật đã tạo cơ duyên đưa đẩy ông Fugo đến với Vovinam, một khám phá mới đã thu hút ông một cách mãnh liệt. Nhân dịp đến Việt Nam tham dự một trận đấu đô vật chuyên nghiệp tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 7, 2011.

Trong thời gian lưu lại nơi đây, do ngẫu hứng ông mua vé đi xem một chương trình võ thuật, thể loại sinh hoạt mà ông rất ưa thích, cũng vừa để giết thời gian trống trải. Sự kiện mà ông vô tình tham dự chính là giải Vô địch Vovinam Việt Võ Đạo Thế Giới lần thứ 2. Ông không ngờ sự kiện ấy đã mở ra trong cuộc đời võ nghiệp của ông một bước ngoặt.

Trước khi đặt chân đến Việt Nam, ông chưa từng nghe qua và không hề hay biết về sự hiện hữu của môn phái Vovinam Việt Võ Đạo, nhưng dường như ông đã bị thôi miên bởi những điều đang diễn ra trước mắt. Hình ảnh môn sinh Vovinam Việt Võ Đạo đến từ nhiều quốc gia trên thế giới thi thố các kỹ thuật Vovinam và ông vừa ngạc nhiên vừa thích thú khi chứng kiến tận mắt những võ sĩ Vovinam có khả năng phóng tung lên cao tấn công đòn chân thật phi thường và ngoạn mục. Khâm phục đòn thế độc đáo của Vovinam, ngay sáng hôm sau, ông đi tìm lớp Vovinam để xin theo học.

Thầy Đồng Tiến Đạt, người khai đạo cho Võ sư Fugo

Qua sự giới thiệu, ông được gặp trực tiếp Võ sư Nguyễn Văn Chiếu và được hướng dẫn đến tập tại một võ đường trong khuôn viên trường trung học nằm cạnh rạp hát Galaxy Cinema ở Quận 1. Ông nhớ lại những ngày đầu tập luyện ở võ đường này, tất cả môn sinh đều rất trẻ và các em nhìn ngoại hình của ông với những cặp mắt tò mò khiến ông luôn có cảm giác lạc đàn, nhưng ông không hề nao núng hay nản chí.

Cố nán lại Việt Nam thêm một thời gian nữa, ông kiên trì tiếp thu và được khai đạo bởi thầy Đồng Tiến Đạt, một huấn luyện viên cao cấp. Tuy trẻ hơn ông khá nhiều, nhưng võ sư Fugo tỏ lòng kính nể thầy Tiến Đạt vì tính tình hiền hòa nhã nhặn, một phong cách tương phản với hình ảnh thông thường của những võ sư cương ngạnh. Thầy Tiến Đạt đã chấp nhận ông vô điều kiện và đối xử rất tử tế. Ông còn nhớ mẹ của thầy Đạt đã tự tay nấu cho ông ăn những món ăn Việt Nam ngon tuyệt vời thật khó quên.

Sau đó ông phải trở lại Tokyo theo chương trình sinh hoạt đã được định sẳn, nhưng hành trình Vovinam của ông thực sự mới chỉ mới bắt đầu. Tháng 10 cùng năm ấy (2011), ông trở lại Việt Nam cùng 2 người học trò là Watanabe Noris và Soichiro Ogawa. Với một ý tưởng kiên định, Võ sư Fugo quyết tâm hấp thụ tinh hoa của môn võ mới, ông thố lộ rằng: “tôi mong muốn được học và đưa Vovinam Việt Võ Đạo về Nhật Bản”. Thế là ròng rã gần 3 tháng suốt mùa Xuân, ông đã lưu lại Việt Nam để thực hiện một mục đích duy nhất: tập luyện và tiếp thu kỹ thuật Vovinam. Lần này vẫn được thầy Tiến Đạt hướng dẫn, ngoài ra ông còn được tập thêm với nhiều võ sư trẻ suất sắc khác. Võ sư Fugo tâm sự rằng, “tôi đã tập Karate từ bé và theo đuổi môn đô vật nhiều năm, nên tôi hiểu rất rõ kỹ thuật đấm, đá, nhào lộn”.

Tuy nhiên, trong số những kỹ thuật Vovinam mà ông hết sức khâm phục là khả năng phóng lên cao, tấn công, và đáp xuống nhẹ nhàng uyển chuyển. Võ sư Fugo trầm trồ bảo rằng: “Ước chi Karate có những đòn ‘bump’ bay bổng tấn công từ trên cao như thế, và, ước chi võ sĩ đô vật có thể triển khai đường cước nhuần nhuyễn như thế”. Ông ta phân tích thêm, “Một trong những nét độc đáo của Vovinam là sự phối hợp bộ tay phía trên và bộ chân phía dưới để tạo ra lực tổng hợp cực mạnh”, và ông cho rằng, “tôi cảm thấy kỹ thuật Vovinam được sắp đặt một cách tinh vi và có hệ thống”.

Ngoài ra, Võ sư Fugo còn cho rằng Vovinam có tinh thần trẻ trung và thân thiện. Đòn thế của Vovinam lã lướt như “break dance” vậy, không khuôn phép quá đáng. Tình cảm thầy trò và đồng môn rất thân thiện như trong gia đình, không quá nghiêm ngặt. Trong các màn biểu diễn cũng có khi hài hước mua vui, không thuần túy chỉ thắng thua. Ông cho rằng yếu tố trẻ trung và phong cách thoáng đạt này rất cần thiết trong cuộc sống.

Võ sư Fugo tập luyện kỹ thuật Vovinam

Sau gần 3 tháng trui luyện miệt mài dưới sự hướng dẫn của nhiều thầy giỏi ở Việt Nam, Võ sư Nguyễn Văn Chiếu xác nhận ông Fugo đã hội đủ điều kiện xứng đáng với trình độ Chuẩn Hồng Đai. Với đẳng cấp mới, ông có thể bắt đầu xây dựng và truyền đạt khi về nước. Sau khi trở về, Võ sư Fugo liền bắt tay vào việc xây dựng thế hệ môn sinh đầu tiên tại Nhật.

Tháng 3, 2013, Võ sư Fugo trở lại Việt Nam một lần nữa để tiếp tục tập huấn trong 10 ngày. Tháp tùng ông trong chuyến đi lần này là ông Watanabe Noris và ông Nichiryu Kambe. Đặc biệt, ông Kambe là một cộng sự viên thân tín của Võ sư Fugo trong võ nghiệp. Từng là huyền đai nhị đẳng của môn phái Nhu Đạo (Judo), và cũng là một võ sĩ đô vật, ông Kambe không hề xa lạ với võ thuật. Bản chất là một cư sĩ phật giáo, ông Kambe lúc nào cũng giữ tác phong trầm tĩnh.

Ông Nichiryu Kambe

Nhiều đồng nghiệp trong giới đô vật chuyên nghiệp nhiệt tình ủng hộ Võ sư Fugo theo đuổi kế hoạch phát triển Vovinam trên đất Nhật, nhưng ông không hề xem nhẹ mức độ khó khăn trước mặt. Ông thừa nhận rằng, “Ở Nhật hiện tại không mấy ai biết đến Vovinam; và họ cho rằng Vovinam là Vovinam, không phải Karate, và cũng không phải Judo.” Võ sư Fugo chỉ khiêm tốn khuyên họ rằng, “Tập Vovinam đi rồi sẽ hiểu. Đừng chỉ đứng xem – phải tập!”

Trong chiều hướng giới thiệu Vovinam đến với người dân Nhật, tạp chí Karate Full Contact, một tờ báo nguyệt san võ thuật nỗi tiếng có lượng độc giả rất đông đảo, đã trịnh trọng đăng liền 2 bài phóng sự trong 2 kỳ phát hành, trình bày hình ảnh Võ sư Fugo trên trang bìa cùng với phân tích kỹ thuật khá chu đáo. Một số báo chí khác cũng đã bắt đầu giúp bạn đọc làm quen với môn phái Vovinam. Lòng quyết tâm và đam mê của Võ sư Fugo dường như đang từ từ chiếm lĩnh lòng tin của một số người và trong số những môn sinh mới của ông có cả những người đã từng học các môn võ thuần túy Nhật Bản.

Chỉ sau vài tháng khởi động phong trào, ông bộc bạch rằng hiện nay giữa Tokyo có 2 lớp Vovinam chính thức và hai lớp mới bắt đầu sinh hoạt với tổng cộng khoảng 50 môn sinh; và 20 trong số đó tập luyện thường xuyên. Võ sư Fugo có kế hoạch mở thêm nhiều lớp Vovinam nữa và ông sẽ tiếp tục là sứ giả truyền bá môn võ tuyệt vời này đến khắp nơi trên nước Nhật. Ông tin rằng với thời gian, người dân Nhật sẽ đón nhận Vovinam cởi mở hơn một khi họ đã làm quen với những giá trị võ học và sức khỏe mà môn võ thuật Việt Nam này có thể mang lại cho chính bản thân họ.


Sinh hoạt Vovinam tại Tokyo, Nhật Bản

Bây giờ, nơi đây những bộ võ phục màu trùng dương xuất hiện ngày càng đông đảo và hiên ngang. Vovinam Việt Võ Đạo đã có mặt trên xứ Phù Tang, một điều từng hiện hữu trong ước mơ xa xôi nay đã trở thành sự thật. Cơ duyên trong đời thật khó lường. Nếu trong chuyến lưu diễn đô vật tại Việt Nam Võ sư Fugo không ngẫu hứng đi xem giải vô địch Vovinam thì câu chuyện Vovinam Nhật Bản đã không thể bắt đầu. Thực chất, câu chuyện Vovinam Nhật Bản được cấu thành bởi một duyên ngộ, một ước vọng chung của tất cả đồng môn, và một con người tài hoa, đầy thiện chí với một quan điểm phóng khoáng, dám nghĩ dám làm như ông “Phú hộ”. Sự kiện rất tình cờ và hy hữu này chắc chắn đang góp phần viết nên những trang sử Vovinam Việt Võ Đạo.

Báo chí Nhật đăng tin Vovinam

Phù hiệu và hình ảnh Vovinam

Võ sư Fugo tham gia giải Vovinam Việt Võ Đạo Á châu

Theo Hoài Nam/Thời sự Vovinam-Việt Võ Đạo

Judo- Nhu đạo Nhật Bản

Aikido và những điều bạn chưa biết

Có thể bạn chưa biết: Người Việt là võ sĩ Karate số 1 thế giới !?

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: