Bí ẩn đằng sau tỷ lệ cưỡng bức thấp tại Nhật Bản

Số liệu mới nhất vào năm 2016 cho thấy Nhật Bản ghi nhận tố cáo 989 vụ cưỡng bức, tương đương tỷ lệ 1,5/100.000 phụ nữ, thấp hơn rất nhiều so với 114.730 vụ ở Mỹ, tương đương 41/100.000 phụ nữ.

Nhật Bản là một quốc gia nổi tiếng văn minh, nhưng điều trớ trêu là có rất nhiều vụ quấy rối tình dục diễn ra ở nước này mà không được giải quyết triệt để.

Bộ luật về quấy rối tình dục của nước này chưa hề được thay đổi từ năm 1907 và những quy định hiện không còn phù hợp với các vụ án ngày nay. Nhiều nhà vận động xã hội đang kỳ vọng chính phủ Nhật sẽ nâng mức tù cho tội quấy rối tình dục từ 3 lên 5 năm cũng như không công khai danh tính của nguyên đơn nhằm bảo vệ những phụ nữ tố cáo.

Hiện nay, luật pháp Nhật chỉ chấp nhận hành vi quấy rối tình dục khi có bằng chứng cho thấy quan hệ giao cấu hoặc hành động cưỡng bức. Tuy vậy, những trường hợp quấy rối tình dục ngày nay có thể diễn ra phức tạp hơn rất nhiều.


Quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp

Nhật Bản tự hào là quốc gia có tỷ lệ tội phạm thấp, kể cả trong mảng tội phạm tình dục. Số liệu chính thức của chính phủ năm 2014 cho thấy chỉ có 1/15 số phụ nữ tại đây báo cáo cảnh sát họ bị cưỡng bức, thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ 1/5 tại Mỹ.

Mặc dù vậy, quan điểm về quấy rối tình dục của Nhật Bản lại khá hạn hẹp so với Mỹ. Cảnh sát nước này vẫn chỉ giới hạn trong việc coi các hành vi cưỡng bức là phạm tội trong khi bỏ qua những vụ mà nạn nhân bị say xỉn hay mất ý thức.

Năm 2017, vụ việc của cô Shiori Ito đã làm chấn động Nhật Bản khi người phụ nữ này xuất bản cuốn sách liên quan đến việc bản thân bị cưỡng bức. Sau khi kết thúc công việc thực tập, cô Ito đã đi ăn mừng cùng đồng nghiệp rồi say xỉn và mất ý thức trong nhà vệ sinh của nhà hàng.

Sáng hôm sau, cô phát hiện đang nằm trong khách sạn với một cấp trên, ông Noriyuki Yamaguchi, Giám đốc Tokyo Broadcasting System chi nhánh New York và là người viết tiểu sử cho Thủ tướng Nhật Shinzo Abe.

Mặc dù đã báo cảnh sát nhưng ông Yamaguchi từ chối mọi cáo buộc và phía công tố dừng vụ án chỉ sau 2 tháng điều tra. Điều kỳ lạ là cảnh sát đã xem camera an ninh khách sạn và lấy lời khai tài xế lái xe taxi chở 2 người, tất cả đều cho thấy cô Ito đã bất tỉnh. Thậm chí phía công tố đã nói với cô Ito rằng họ sẽ bắt giữ ông Yamaguchi, thế rồi mọi chuyện bất ngờ bị đình chỉ.


Khách sạn nơi cô Shiori Ito tố cáo mình bị cưỡng bức

Câu chuyện của cô Ito chỉ là một trong số rất nhiều vụ việc chìm vào quên lãng tại Nhật. Cũng năm 2017, cảnh sát ở Yokohama đã đóng ngừng điều tra vụ án 6 sinh viên cưỡng bức 1 nữ sinh sau khi ép cô này uống say, một động thái gây ngạc nhiên cho các nhà hoạt động xã hội.

Thậm chí ngay cả khi bị buộc tội, những bị cáo quấy rối tình dục cũng chịu án phạt khá thấp. Số liệu chính thức cho thấy chỉ 1/10 bị cáo tội này phải ngồi tù, còn lại chỉ phải nộp phạt.

Khi nữ giới mất niềm tin

Theo khảo sát của Văn phòng Nội các, khoảng 2/3 số phụ nữ từng bị quấy rối tình dục cho biết họ chưa từng nói điều này với bất kỳ ai, kể cả với gia đình. Khoảng gần 4% người được hỏi cho biết họ đã từng trình báo cảnh sát trước đó. Con số này rất thấp so với Mỹ khi khoảng 1/3 số vụ cưỡng bức được trình báo với cảnh sát.

Trong khi đó, Trung tâm chống quấy rối tình dục Tokyo (SARCT) cho biết những nạn nhân gọi đường dây nóng đến đây thường từ chối báo cảnh sát bởi họ cho rằng các nhân viên an ninh sẽ không tin câu chuyện.


Cô Shiori Ito

Nguyên nhân chính của tình trạng này là văn hóa Nhật cho rằng các cô gái phải tự thấy xấu hổ khi để bản thân rơi vào hoàn cảnh dễ bị lợi dụng như vậy. Những phụ nữ bị cưỡng bức thường tự trách bản thân vì đã để mình rơi vào hoàn cảnh như vậy hơn là hướng đến việc đòi lại công bằng cũng như trừng trị kẻ ác. Tồi tệ hơn, nhiều cảnh sát cũng có chiều hướng suy nghĩ tương tự và hệ quả là nhiều vụ quấy rối tình dục bị bỏ dở, khiến người tố cáo càng mất niềm tin hơn.

Số liệu mới nhất vào năm 2016 cho thấy Nhật Bản ghi nhận tố cáo 989 vụ cưỡng bức, tương đương tỷ lệ 1,5/100.000 phụ nữ, thấp hơn rất nhiều so với 114.730 vụ ở Mỹ, tương đương 41/100.000 phụ nữ.

Văn hóa Nhật về quấy rối tình dục đã khiến rất nhiều phụ nữ nước ngoài sống tại đây cảm thấy khủng hoảng. Năm 2002, người mẹ 3 con Catherine Jane Fisher đến từ Australia đã bị đánh thuốc mê và cưỡng bức bên ngoài căn cứ quân sự Yokosuda Naval Base bởi một lính Mỹ.

Theo tường thuật của cô Fisher, cảnh sát đã lấy lời khai của cô trong suốt 12 tiếng để rồi yêu cầu quay trở lại hiện trường kiếm bằng chứng thay vì khám nghiệm ngay trên người cô. Tại hiện trường, những nhân viên cảnh sát cười cợt để cô Fisher diễn lại khung cảnh bị cưỡng bức và chỉ đồng ý cho cô đến bệnh viện xét nghiệm vào sáng hôm sau. Thậm chí, phía cảnh sát còn không thèm làm xét nghiệm cưỡng bức (SAK) để thu thập ADN làm bằng chứng.


Cô Catherine Jane Fisher

Cô Fisher cũng gọi điện đến trung tâm phòng chống cưỡng bức nhưng chỉ nhận được tiếng máy trả lời tự động do trung tâm này chỉ làm việc vài tiếng mỗi tuần.

Cuối cùng khi đưa được vụ việc ra tòa, cô Fisher dành chiến thắng và vị quân nhân kia phải bồi thường 3 triệu Yên. Tuy vậy, tòa án Nhật lại không có thẩm quyền với binh lính Mỹ khi căn cứ hải quân nước này cho vị quân nhân kia rời khỏi Nhật và cô Fisher chẳng nhận được khoản bồi thường nào.

Theo Cafebiz

Nam diễn viên trẻ cưỡng bức phục vụ phòng hơn 40 tuổi

Thanh niên Nhật cắt của quý đối thủ vì hiểu nhầm vợ bị cưỡng bức?

Sự thật phía sau bức ảnh: chú Diệc ngắm hoa Anh Đào rơi

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: