パタハラ (Patahara) – Sự xúc phạm nhắm vào những người bố, ngay cả phái mạnh cũng là nạn nhân

Nhật Bản là quốc gia rất kỳ lạ. Nếu thích nghi và sống sót, bạn sẽ được hưởng tất cả những dịch vụ tiện lợi không đâu sánh bằng. Thế nhưng cũng có trường hợp, nền văn hóa của quốc gia “văn minh” này lại dồn người khác đến bước đường cùng – đáng buồn thay, đó không phải số ít.

Ảnh Japan Subculture Research Center

Bắt nạt – Vấn đề đã không còn xa lạ ở Nhật Bản. Không chỉ tin tức hay các văn bản học thuật, tệ nạn xã hội này còn được khắc hoạ trong các tác phẩm nghệ thuật, phim ảnh, âm nhạc, tranh minh họa về xứ sở hoa Anh Đào. Từ bắt nạt học đường, bắt nạt tại công ty, lạm dụng tình dục,… đối tượng của nạn bắt nạt là những người yếu thế, cô đơn, có hoàn cảnh khác biệt với xã hội và không có khả năng bảo vệ mình.

Nói đến phái yếu bạn nghĩ đến những đối tượng như trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi, người khuyết tật,… tuy nhiên kể cả phái mạnh cũng không thoát khỏi nguy cơ trở thành nạn nhân của bắt nạt. Bạn đã từng nghe đến cụm từ パタハラ (Patahara)? Đó là từ viết tắt của Paternity harassment (nôm na là tình trạng bắt nạt, phân biệt đối xử với những ông bố).

Ảnh 弁護士費用保険の教科書

Đó là trải nghiệm của một ông bố người Canada, Glen Wood.

“Tôi yêu nước Nhật và tôi cũng yêu công việc của mình. Tôi cảm thấy cả hai thứ đó đã phản bội lại tôi kể từ khi tôi có con”.

Lần đầu tiên Wood đề cập đến vấn đề nghỉ phép sau có con, nói với cấp trên, yêu cầu này của anh đã bị gạt đi. Anh đã chờ thật lâu để lá đơn của mình được chấp thuận.

“Rõ ràng họ đã chẳng ngó ngàng gì đến nguyện vọng của tôi”.

Mãi đến tháng 12 khi Wood nộp giấy tờ kiểm tra DNA chứng tỏ đứa con là con ruột của mình, anh mới được nghỉ phép.

Nhưng câu chuyện vẫn chưa kết thúc…

Ảnh Yahoo!ニュース – Yahoo! JAPAN

Đến tháng 3 khi Wood trở lại làm việc, anh bàng hoàng nhận ra tên của mình đã bị loại khỏi các cuộc họp, phỏng vấn tuyển dụng và những chuyến du lịch công ty. Tuy không bị bắt nạt về thể chất, nhưng những hành động vô lý của cấp trên và đồng nghiệp khiến Wood hoàn toàn suy sụp về mặt tinh thần.

“Họ hành xử như thế những cô cậu học sinh cấp 3 giận dỗi lẫn nhau. Họ không nói chuyện với tôi, thậm chí chẳng thèm nhìn tôi, họ loại tôi khỏi các cuộc họp”.

Sau đó Wood hoàn toàn suy sụp và mất 6 tháng nghỉ phép để khắc phục các vấn đề về suy nhược tinh thần. Đến khi trở lại, Wood bị cắt giảm lương và bị dồn vào thế phải xin nghỉ việc mà không được nhận bất kỳ khoản trợ cấp nào, “đó gần như là sa thải” – Wood chia sẻ.

Ảnh Yahoo!ニュース – Yahoo! JAPAN

Việc Wood quyết định làm gắt sự việc lần này vì anh đã chứng kiến rất nhiều trường hợp tương tự trong doanh nghiệp Nhật Bản, từ những bà mẹ đến các ông bố. “Đây không phải là vấn đề của một người ngoại quốc không hiểu được văn hóa kinh doanh ở đây, tôi chỉ đơn thuần làm đúng theo luật”.

Khi luật pháp được tô hồng quá mức so với sự thật

Vấn đề càng tồi tệ hơn khi chính luật pháp Nhật Bản đang “đao to búa lớn” về việc thay đổi, như thể họ nhận thức được vấn đề và đang tìm mọi cách để giải quyết. Thực tế cho thấy theo luật Nhật Bản, nhân viên có con (cả nam và nữ) có thể nghỉ phép với thời hạn lên đến 1 năm và Chính phủ Nhật Bản gần đây cũng tuyên bố rằng sẽ tăng tỷ lệ nam giới nghỉ phép vì lý do con cái lên 13% vào năm 2020.

Ảnh 株式会社ネクスト・ワークスタイル

Nhưng có vẻ thực tế không được tốt đẹp như những lời tuyên bố bên ngoài. Rõ ràng Wood đã làm đúng luật, nhưng cái anh nhận được không tuyệt vời như vậy.

Nền kinh tế Nhật Bản chủ yếu được vận hành bởi những doanh nghiệp gia đình, và đó là những doanh nghiệp lớn có nhiều cổ phần. “Tuy nhiên, các doanh nghiệp khổng lồ lâu đời này cho rằng họ có thể vận hành tốt mà không cần tuân thủ luật pháp” – Wood thêm vào.

“Tôi cho rằng nếu các công ty coi trọng nhân quyền và pháp luật, cần có một cuộc kiểm tra. Có con và được tiếp tục làm việc, không phải đó là quyền con người cơ bản, không phân biệt quốc tịch và vùng lãnh thổ sao?”

Không chỉ riêng gì hình thức Patahara này, Nhật Bản còn phải đối diện với cơ số các hara khác như -hara (quấy rối thông qua mạng xã hội – Social Media), Aka-hara (Academic Harassment – lạm dụng tình dục giữa giảng viên và sinh viên trong khuôn viên đại học), Pawa-hara (Power Harassment – quấy rối, áp đặt quyền lực giữa cấp trên và cấp dưới, người nắm nhiều quyền lực hơn),…

Ảnh hack*blossom

Những vấn đề này có lẽ không chỉ tồn tại trong xã hội Nhật Bản mà ngay cả trong xã hội Việt Nam, chỉ có điều số vụ việc được đưa ra ánh sáng vẫn còn hạn chế khiến chúng ta chưa nhận thức được tầm nghiêm trọng của vấn đề. Tuy nhiên, không đề cập không có nghĩa là không tồn tại, đừng để bất kỳ bàn tay quyền lực nào che mắt, lừa gạt, cản trở chúng ta tiếp cận với sự thật.

Hãy thật tỉnh táo và dũng cảm chống trả nếu bạn hoặc người quen của bạn là nạn nhân của nạn bắt nạt !

 

Sacchan
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: