[Ý kiến của bạn] Vụ kiện hy hữu – Kiện đài truyền hình NHK làm tổn thương tinh thần vì ‘lạm dụng’ tiếng Anh

Ai cũng biết người Nhật có niềm tự hào dân tộc rất cao. Với lý do đó, phần lớn dân Nhật Bản không coi trọng việc học tiếng Anh, dù đây được xem là ngôn ngữ toàn cầu.

Thế nhưng nếu bạn biết được vụ kiện hy hữu này trong lịch sử đài truyền hình NHK, bạn mới thấy tính phức tạp trong việc du nhập một ngoại ngữ vào văn hóa Nhật Bản.

Một người đàn ông ở Gifu đã khởi kiện NHK cho những tổn hại tinh thần ông ta phải chịu khi nghe quá nhiều từ mượn tiếng nước ngoài trong một bảng tin phát sóng.

Người đàn ông ấy tên là Hoji Takahashi, thời điểm đó 71 tuổi, đòi bồi thường số tiền lên đến 1.4 triệu Yên.

Ảnh Teachers

Lý do luật sư bên nguyên Mutsuo Miyata đưa ra là thân chủ lo ngại rằng Nhật Bản đang bị Mỹ hóa quá nhiều. Khi theo dõi bảng tin của NHK, dù là tin tức thời sự hay giải trí, ông không thể hiểu được những từ mượn như “risuku” (risk) – nguy cơ, “toraburu” (trouble) – rắc rối, hay “shisutemu” (system) – hệ thống. Thậm chí từ mượn còn được dùng ngay trong tiêu đề chương trình, ví dụ BS Konsheruju” (“BS Concierge” – BS chăm sóc khách hàng).

Mặc dù các từ mượn tiếng Anh khi ấy đã được chấp nhận, thế nhưng Takahashi viết trong đơn khiếu nại rằng điều đó khiến cho ông bị áp lực, từ đó cáo buộc NHK vô trách nhiệm khi từ chối sử dụng ngôn ngữ bản địa.

Miyata còn chia sẻ thêm với tờ Japan Times “Trong xu hướng xã hội Nhật Bản đang bị Mỹ hóa, Takahashi tin rằng NHK, cũng như những cơ quan truyền thông quốc gia không nên đi theo xu hướng ấy mà phải kiên định với việc ưu tiên sử dụng tiếng Nhật, điều mà ông cho rằng là con đường lâu dài để bảo vệ nền văn hóa Nhật Bản”.

Ảnh オレ的ゲーム速報@刃

Miyata còn cho biết Takahashi dẫn đầu một tổ chức có tên Nihongo wo taisetsu ni suru kai (Hội đề cao tiếng Nhật), tuy nhiên hoạt động của tổ chức còn riêng lẻ và anh Miyata là thành viên duy nhất được công nhận.

Takahashi không đơn độc trong cuộc chiến của chính ông, rất nhiều người lớn tuổi Nhật Bản không thể hiểu được hết những từ mượn. (Nhật Bản là quốc gia có dân số già). Thế nhưng thực tế cho thấy Chính phủ Nhật Bản cũng phải chịu đựng trong suốt 10 năm trời để chống lại sự ảnh hưởng của tiếng Anh – Mỹ trong Thế chiến thứ 2. Vì thế vụ kiện nổ ra gây khá nhiều tranh cãi, người bác bỏ hoàn toàn , cho rằng đó là bảo thủ, cực đoan, người hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Takahashi.

Ảnh Tofugu (minh họa)

Thế nhưng dù bạn đứng về phía nào, bạn cũng phải chấp nhận một vấn đề mà vụ kiện trên đặt ra, đặc biệt đối với những người dịch thuật và truyền đạt thông tin đa quốc gia (như trường hợp của đài truyền hình NHK ở trên)

Liệu trong tình huống nào, chúng ta nên sử dụng một từ theo cách gọi được số đông chấp nhận hay từ được định nghĩa một cách chính thống?

Ví dụ

– Trong tiếng Malta, từ đúng cho phi trường (Airpot) là ‘mitjar’, nhưng mọi người lại quen dùng ‘arjuport’.

– Trong tiếng Swahili, dù Cà chua là ‘nyanya’,  tương cà chua vẫn là ‘tomato’, trong khi đó nếu dịch một cách chính xác phải gọi là ‘kechapu ya nyanya’.

Nói đâu xa, trong làm việc, người Việt Nam thỉnh thoảng vẫn xen vào những từ tiếng Anh như “proposal” thay vì bản đề nghị kinh doanh, hay “deadline” thay vì hạn chót.

Bạn có biết màu cam trong tiếng Nhật ngoài từ mượn オレンジ色 (Orenji iro) còn một từ khác thuần Nhật là だいだいいろ – 「橙色」(daidaiiro).

Ảnh SoraNews24

Vậy người học ngôn ngữ như chúng ta nên học như thế nào đây? Đặc biệt khi trong giao tiếp hằng ngày chúng ta không chỉ trò chuyện với những người trong cùng một thế hệ?

Một số người Việt cảm thấy khó chịu khi nói chuyện với những người có thói quen chen tiếng Anh vào quá nhiều trong đoạn hội thoại, trường hợp này cũng tương tự như vụ kiện của ông Hoji Takahashi (không hoàn toàn giống vì NHK là kênh truyền hình quốc gia mang tính chính thống, thay vì trong tình huống trò chuyện thường ngày). Một số người khác nâng quan điểm cho rằng như vậy là “sính ngoại”, là “làm mất sự trong sáng của tiếng Việt”. Bạn có thấy được sự tương đồng nào giữa hai trường hợp không?

Riêng quan điểm của người viết, việc sử dụng tiếng Anh vào đoạn hội thoại tiếng Việt (hay Nhật) chưa hẳn là xấu. Vì khi kinh tế hội nhập đồng thời rất nhiều công việc mới, khái niệm mới cũng được du nhập vào, khó tránh khỏi bị ảnh hưởng, hoặc sử dụng luôn từ nước ngoài để chỉ thuật ngữ mới đó (Ví dụ hiện nay ta có nghề Account – nghề làm nhiệm vụ liên lạc, kết nối giữa công ty Agency và khách hàng Client, chưa có từ tiếng Việt chính xác để giải thích). Thế nhưng trong một số các văn bản pháp luật, hành chính, đòi hỏi độ chính xác thuật ngữ gắn liền với văn hóa đặc thù của quốc gia thì nên sử dụng từ gốc tiếng Việt.

Bạn nghĩ gì về vụ kiện của ông Hoji Takahashi, bạn cho rằng đó là hành động bảo vệ tiếng Nhật hay chẳng qua ngụy biện cho sự bảo thủ?

ALMOND NGUYEN

Chương trình dạy tiếng Anh bá đạo nhất Nhật Bản là đây chứ đâu

Ước muốn dang dở của nữ du học sinh tử vong ở nước ngoài

Vì sao người Nhật vẫn chưa thể thích nghi khi sinh sống ở nước ngoài?

 

 

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: