Nghe kể chuyện “lên voi xuống chó” của những cây dù đi mưa bằng nhựa trong suốt nổi tiếng Nhật Bản

Những chiếc dù trong suốt là hình ảnh ngập tràn đường phố Nhật Bản khi cơn mưa rơi xuống. Chúng được gọi là biniiru-gasa (ビニール傘), chỉ tốn của bạn 500 Yên nhưng vô cùng tiện lợi, nó có thể bảo vệ bạn khỏi những cơn mưa bất chợt của thời tiết Nhật Bản. Những cây dù này được sử dụng rất phổ biến với giá cực kỳ rẻ đến mức nhiều người Nhật sử dụng như hàng dùng 1 lần (giống với áo mưa tiện lợi).

Ảnh ラクマ

Các biniiru-gasa có giá trị thẩm mỹ vì thiết kế trong suốt của nó khiến cơn mưa trông thơ mộng hơn rất nhiều. Bạn có thể ngắm mưa rơi qua đỉnh đầu mà không lo bị ướt. Người Nhật đã cải tiến thiết kế của những cây dù tiện lợi này thành một số dù có khả năng nở hoa khi gặp nước.

Hôm nay hãy cùng JAPO tìm hiểu sâu hơn về lịch sử ra đời của những chiếc dù này nhé.

Lịch sử đầy biến động

Lúc ban đầu, đây không phải là hàng hóa đại trà ai cũng có thể mua. Những chiếc dù tiện lợi này từng là mặt hàng thời trang cao cấp.

Câu chuyện bắt đầu vào năm 1949 (Showa 24), khi Mitsuo Sudou (須藤三男), chủ nhân thứ 9 của một cửa tiệm bán dù gia truyền “Dakeda Chou-gorou Shouten (武田長五郎商店) trở về từ một vụ giao thương với Siberia. Đó là khoảng 4 năm từ sau khi Chiến tranh thế giới kết thúc, thị trường dù bị thâu tóm bởi những nhà sản xuất lớn và Sudou phải đấu tranh rất nhiều để mở lại cửa hàng.

Ảnh NAVER まとめ

Chính vì vậy, Sudou quyết định tìm kiếm thiết kế mới để cho ra những sản phẩm độc đáo hơn. Anh bị thu hút bởi chiếc khăn trải bàn mà người Mỹ đã mang vào Nhật trong chiến tranh. Hầu hết những chiếc dù thời đó được làm từ cotton, dễ bị phai màu và ố khi gặp nước. Thình lình, một ý tưởng lóe lên trong đầu Sudou “Nếu mình làm dù từ miếng nhựa không thấm nước thì sao?”

Vấn đề bây giờ là làm sao gắn miếng nhựa ấy với thân dù. Nếu khâu vào, nước mưa sẽ chảy xuống từ lỗ khâu. Sau đó Sudou phát hiện ra nhựa có thể được làm khít với nhiệt độ cao. Từ đó, Sudou quyết định lập ra một nhà máy và mua các máy móc cần thiết để sản xuất dù nhựa. Vào năm 1953, anh bắt đầu thử nghiệm bán bọc dù bằng nhựa và giành được nhiều thành công.

Ảnh RadiChubu-ラジチューブ

Tuy nhiên vào cuối những năm 50, thời đại của vải Nylon ập đến, người ta không còn gặp vấn đề với việc dù bị phai màu hay ố nữa. Người mua bọc dù bằng nhựa của Sudou từ đó cũng thưa dần. Không từ bỏ, Sudou vẫn quyết tâm làm ra được một chiếc dù bằng nhựa.

Chiếc dù nhựa đầu tiên được ra mắt vào năm 1958, không hoàn toàn trong suốt mà có màu trắng sữa. Các cửa hàng bán dù vải thông thường không muốn nhận bán dù nhựa do đó Sudou phải đem hàng đến các cửa tiệm ở khu Ginza (銀座).

Vị cứu tinh của Sudou đến rất bất ngờ. Một thương nhân người Mỹ đến Nhật để tham dự Tokyo Olympic đã phát hiện ra và yêu cầu Sudou bán dù nhựa tại New York.

Ảnh DHgate.com

New York là nơi có lượng mưa vào mùa đông rất lớn, người dân ưa chuộng những cây dù như lồng chim, có thể bao trùm toàn bộ vai của họ. Đồng thời, họ cũng thích chất liệu trong suốt vì khi che dù họ vẫn có thể nhìn rõ đường đi. Để hoàn thiện sản phẩm của mình, Sudou tìm ra chất liệu nhựa đặc biệt, không bị mềm hay cứng do nhiệt độ. Vào năm 1965, chiếc dù nhựa hiện tại chúng ta vẫn sử dụng ra đời và thu hút sự quan tâm của rất nhiều người dân New York.

Đến cuối những năm 60, chiếc dù nhựa đi mưa trở thành hiện tượng thời trang của Nhật. Chiếc dù trở thành mặt hàng ưa chuộng không thể thiếu ở khu Ginza, thậm chí được đề xuất mua làm quà lưu niệm cho người thân khi đi du lịch.

Các nhà sản xuất Nhật Bản bắt đầu nhảy vào lĩnh vực dù nhựa đầy tiềm năng này, được biết có khoảng 50 công ty quyết định sản xuất dù nhựa thời đó. Giá của nó rơi vào khoảng từ 1800-2800 Yên (cao hơn nhiều so với hiện tại). Một hiệp hội dù nhựa đã được thành lập, dù rằng hiện nay đã không còn tồn tại nữa.

Giá cả bắt đầu giảm dần

Ảnh AliExpress.com

Công nghệ sản xuất dù nhựa rò rỉ sang Đài Loan, nơi đặt nhà máy lắp ráp chính của dù trước khi nhập sang Mỹ (vì ở đây không áp thuế lên sản phẩm). Việc xuất khẩu sang Mỹ đều được chuyển lại cho bên Đài Loan, vào những năm 80, Đài Loan thậm chí còn xuất khẩu dù nhựa ngược lại Nhật Bản. Trong vòng 10 năm nhiều cơ sở sản xuất dù nhựa ở Nhật đã biến mất.

Toàn bộ quy trình sản xuất không thể tự động hóa do đó hạ thấp chi phí nhân công chính là cách nhanh nhất để hạ giá thành sản phẩm. Mặt khác, những cây dù trong suốt không theo bất kỳ trào lưu nào, do đó không cần lo lắng về số lượng hàng tồn. Chính vì vậy, sự khác biệt về chi phí sản xuất ảnh hưởng trực tiếp đến sự khác biệt về giá. Đặc điểm này khiến cho địa điểm cung cấp sản xuất bị dịch chuyển.

Sudou đã từng lên tiếng về vấn đề này

“Tôi đã muốn làm ra một chất liệu chống nước hoàn hảo. Thế nhưng quả là xấu hổ khi hóa ra dù nhựa lại đang trở thành biểu tượng của hàng hóa dùng 1 lần”.

Dần dần, nguồn cung dù dịch từ Đài Loan sang Trung Quốc với giá thậm chí còn thấp hơn (100 Yên).

Hiện tại chỉ còn 1 cơ sở sản xuất dù nhựa ở Nhật Bản, White Rose, trước đây là “Dakeda Chou-gorou Shouten (武田長五郎商店)”. Tại đây họ đang cố gắng thiết kế những mẫu dù nhựa mới.

Ảnh Japan for Sustainability

Nói thêm, “SHIBUKASA” là dịch vụ thuê dù bắt đầu ở Shibuya vào năm 2007. Tất cả dù được đặt tại các Konbini (cửa hàng tiện lợi) hoặc trên các trục đường. Bạn có thể mượn miễn phí, thế nhưng nếu bạn trả lại, tiệm sẽ đưa cho bạn phiếu giảm giá 50 yên cho hệ thống cửa hàng có sử dụng dịch vụ tương tự. Dịch vụ này cũng được tìm thấy ở sân bay Kansai, thành phố Hiroshima và Kanazawa.

Dường như dù nhựa từ một tượng đài thời trang đã trở thành biểu tượng mới cho văn hóa chia sẻ rất đặc trưng tại xứ Anh Đào.

Chỉ tiếc là đôi khi số phận của chúng quá hẩm hiu, bị vứt bỏ không thương tiếc, hoặc chất đống tại bãi rác khi cơn mưa đi qua.

 

 

M.E.O
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: