Tại sao nhiều người trẻ châu Á đổ xô đến Trung Quốc, Nhật để du học?
Đối với những người trẻ châu Á đầy tham vọng, việc đến Mỹ học từng là một lựa chọn tất nhiên. Họ vượt qua biển Thái Bình Dương để tìm kiếm cơ hội học tập với bằng cấp tốt và thử giành lấy “giấc mơ Mỹ”.
Thế nhưng xu thế đó giờ đây đã thay đổi, những sinh viên khu vực châu Á đang đưa ra quyết định đầy táo bạo: Họ muốn sống gần nhà.
Để hiểu được tại sao, hãy bắt đầu với xếp hạng đại học thế giới từ Times Higher Education. Lần đầu tiên có 3 trường châu Á được xếp vào top 30 cùng với nhiều trường khác cũng đã vào được top 100.
Ngày một nhiều trường đại học châu Á đang đưa ra chương trình có bằng cấp được công nhận quốc tế, thường được dạy bằng tiếng Anh ở mức học phí dễ chịu hơn nhiều so với trường tại các nước nói tiếng Anh.
Thực tế này giúp mang đến thêm lựa chọn cho những sinh viên muốn theo học ở nước ngoài nhưng có khả năng tài chính hạn chế hoặc ngại không muốn đi quá xa gia đình. Còn đối với một số người, khi không đến Mỹ học, họ không phải chịu đựng sự kỳ thị của nước Mỹ thời Tổng thống Donald Trump. Bạo lực súng đạn tràn lan và chính sách chống nhập cư của Tổng thống là hai lý do thông thường khiến cho nhiều người không còn muốn đến Mỹ.
“Sinh viên thế giới giờ có nhiều lựa chọn để đi học nước ngoài chứ không chỉ đơn thuần còn là Mỹ hay Anh”, giáo sư dự khuyết ngành giáo dục tại đại học Georgetown (Mỹ), bà Stephanie Kim nhận xét. Bà nhấn mạnh xu thế này cho thấy tính linh động ngày một tăng lên và những trung tâm giáo dục mới đang trỗi dậy.
Sinh viên 24 tuổi người Việt Nam, anh Nguyen Huu Duoc, bắt đầu theo học hệ tiến sỹ ngành cơ khí điện tử tại đại học Nanyang vào năm 2016. Theo anh, Singapore phát triển hơn nhiều nước ở Đông Nam Á, Singapore gần Việt Nam, chính vì vậy anh có thể dễ dàng thăm cha mẹ, và cha mẹ anh muốn anh về thăm nhà vài lần mỗi năm.
Còn sinh viên người Singapore, cô Leo Sylvia Han Yun, trong khi đó lại chọn đến học ở Tokyo Institute of Technology. Sinh viên này có một người em bị điếc bẩm sinh, chính vì vậy cô đã chọn tập trung vào ngành công nghệ sinh học với hy vọng sẽ có thể mang đến liệu pháp trị bệnh tốt cho trẻ em.
Trong trường hợp của mình, cô cho biết cô rất quan tâm đến vấn đề an ninh. Trường hợp hai kỹ sư IT Ấn Độ bị giết tại Kansas, Mỹ vào đầu năm 2017 hay vụ việc tại trụ sở Youtube ngày 3/4 khiến nhiều sinh viên quốc tế ngại ngần khi cân nhắc đến Mỹ.
Số liệu về sự dịch chuyển của sinh viên trong khu vực châu Á cho thấy thay đổi rõ ràng kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nắm quyền. Trung Quốc và Nhật trở thành hai điểm đến được lựa chọn nhiều hơn của sinh viên châu Á.
Từ năm 2014 đến năm 2016, số lượng sinh viên từ các nước châu Á đến Nhật tăng 36% lên 173.303 người, cùng khoảng thời gian trên, số lượng sinh viên châu Á đến Trung Quốc học tăng 18% lên 264.976 người, theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế cũng như Bộ Giáo dục Nhật.
Những cuộc tranh cãi không ngớt về nhập cư ở Mỹ khiến ngày một nhiều sinh viên nước ngoài cân nhắc lại. Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tuyên bố sẽ xem xét lại chương trình visa H-1B (chế độ visa giúp cho các doanh nghiệp tuyển dụng được người lao động nước ngoài trình độ cao).
Theo quan điểm của Tổng thống Trump, sẽ chẳng có người lao động nước nào cạnh tranh được với người Mỹ khi tất cả cùng đứng chung trong một sân chơi công bằng. Không ít các nhóm kinh doanh đã lo ngại về khả năng chính sách của Tổng thống Trump sẽ khiến nước Mỹ “khép cửa” với nhân tài người nước ngoài.
Nhiều sinh viên nước ngoài không khỏi đặt câu hỏi tại sao họ lại phải chấp nhận những sự không chắc chắn về triển vọng việc làm, chấp nhận chi phí đi học cao hay gánh nặng những khoản vay học phí vô cùng nặng nề.
Theo: bizlive.vn
Đi tìm nguyên nhân của những vụ bạo hành và đói nghèo ở trẻ em Nhật
Trào lưu kéo cả gia đình đi du học vẫn chưa hạ nhiệt ở Nhật Bản
[HOT] Hội thảo du học trường cao đẳng và trường nghề HIROSHIMA 2018