[Topic tranh luận] Thảo luận về những điều bạn … không thích về Nhật Bản và người Nhật
Đa phần các độc giả của JAPO là những người yêu mến văn hóa Nhật Bản, đúng không nhỉ? Bạn cảm thấy Nhật Bản là một quốc gia hiện đại, tân tiến, hoặc kỳ lạ đến mức thú vị. Hay đơn giản hơn, bạn cảm thấy nhiều sự tương đồng giữa chính tâm hồn bạn với đặc điểm tính cách của những con người Nhật trầm lặng luôn chịu áp lực cao từ xã hội.
Ảnh TeePublic
Dù thế nào đi nữa, có thích chắc chắn cũng có cái không thích. Hôm nay hãy cùng bàn ngược một chút, về những điều mà bạn không thích (hoặc cảm thấy ái ngại) về văn hóa Nhật Bản cũng như con người của quốc gia này.
Đó cũng là câu hỏi được đặt ra trên QUORA . Topic nhận được sự quan tâm của rất nhiều người.
Ảnh ocarina0ftimelord.deviantart.com
Câu trả lời của Z. Saxon
Dưới đây là một số điểm tôi không thích về Nhật Bản. Đa số là vì chúng rất bực mình và bất tiện, tuy nhiên phải nói trước là điều tôi thích về đất nước này vẫn nhiều hơn.
- Người đi đường đâm vào bạn và không bao giờ nói “xin lỗi”. Một số đâm vào bạn vì vô tình khi đi trên những vỉa hè đông đúc hoặc trong những ga tàu đầy người, nhưng một số không thế
- Ví dụ, người ta sẽ đẩy bạn ra từ phía sau để chen lên mà không hề tỏ ra chút tội lỗi, thậm chí không nói câu cơ bản như “Xin lỗi, cho phép tôi đi qua” (hay Sumimasen hay Shitsurei shimasu)
- Chỉ một số cụ bà lớn tuổi làm vậy mà thôi. Không chỉ với người nước ngoài không thôi, người Nhật cũng làm thế với chính họ. Nếu bạn hành xử như vậy tại Mỹ, bạn sẽ bị chửi, hoặc thậm chí bị đánh. Điều này thật sự rất bực mình, nhưng lại rất hay xảy ra.
Ảnh Caradisiac
- (câu trả lời Update vào tháng 8 năm 2017) Trai Nhật không ga lăng chút xíu nào luôn. Họ không giữ cửa cho phụ nữ. Đàn ông để vợ xách hành lý cho họ. Chỗ ngồi dành cho người lớn tuổi trên tàu toàn các cô cậu thanh niên 20 tuổi (giả vờ ngủ). Họ không nhường nhịn nhau đâu, thậm chí đua với người khác để có quyền đi trước (bất chấp giới tính, tuổi tác). Thế nhưng tài xế ở Nhật là ngoại lệ. Tất nhiên cũng có một số tài xế thô lỗ, nhưng hầu như đều nhường đường cho xe khác, chờ người đi bộ qua đường và luôn bật đèn pha khi đi qua giao lộ. Có lẽ vì họ ý thức được sự nguy hiểm khi tham gia giao thông.
- Những căn hộ bé như lỗ mũi trong khi giá thuê cao như trên trời.
- Giá tiền điện thật khủng khiếp.
- Không gói đồ ăn dư từ nhà hàng. Ăn hoặc bỏ.
- (câu trả lời Update vào tháng 8 năm 2017) Chả bao giờ tìm ra được địa chỉ. Đoán xem, địa chỉ ở Nhật không bao gồm tên đường. Bạn sẽ không chỉ tìm đường và số nhà là ra được địa chỉ đâu. Không có GPS là coi như “lạc nhau có phải đến muôn đời” ngay. Chưa kể đến có rất nhiều tòa nhà có cùng địa chỉ. Địa chỉ nhà tôi giống y hệt địa chỉ nhà hàng xóm của tôi, và cả hàng xóm của họ, vì chúng tôi ở chung một tòa nhà.
- Không có nhiều cơ hội để gặp gỡ những người mà bạn không làm việc cùng (Vì chính họ cũng không có thời gian cho bạn, phần lớn thời gian dành cho công việc. Ngay cả thời gian rảnh cũng dành để nói chuyện, giao tiếp với đồng nghiệp).
Ảnh Freelancer
- Người Nhật rất dễ xấu hổ và sẽ không bắt chuyện với người lạ (cả bằng tiếng Anh lẫn tiếng Nhật), ngoại trừ trong trường hợp bạn chủ động hỏi họ đường khi bị lạc.
- Người Nhật “thảo mai”. Họ sẽ không nói cho bạn nghe cái họ nghĩ mà thường chỉ nói những điều bạn muốn nghe. Họ cũng hiếm khi mời bạn về nhà hoặc giới thiệu bạn với bạn bè hoặc gia đình họ. Có lẽ một phần vì nhà nhỏ và bừa, nhưng chủ yếu vì người Nhật khó đạt đến mức độ thân thiết như vậy với người nước ngoài.
- Quan liêu và ám ảnh bởi chuyện tuân thủ luật lệ (kể cả những điều khá vô lý mà chính người Nhật còn không chấp nhận được).
Một số điều dưới đây nghiêm trọng và mang tính xã hội cao hơn.
- Môi trường làm việc khủng khiếp. Mô hình công sở của người Nhật theo kiểu sếp được phép la mắng cấp dưới, ngay cả trước mặt người khác. Rất ít văn phòng có không gian riêng, chúng được thiết kế theo từng ngăn được sắp xếp dựa trên chức vụ trong một căn phòng lớn,
- Không có sự đảm bảo trong việc chống lại nạn bắt nạn, phân biệt. Bạn có khả năng mất việc nếu đột ngột dính vào những vấn đề cá nhân khác thậm chí không liên quan đến công việc (ví dụ mang thai, ly hôn,…)
- Chính sách trả lương thường dựa trên kinh nghiệm, tuổi nghề (theo đúng nghĩa đen) chứ không dựa trên cống hiến.
- Khó tìm việc nếu bạn đã lớn tuổi. Đã có việc thì rất ít khả năng chuyển việc mới.
Câu trả lời từ Elliott Chen
- Quy tắc quá mức: Tôi từng thuê một chiếc xe đạp và gây ra tai nạn nhỏ. Chiếc xe kia không bị hư hại gì, chỉ có chiếc xe đạp bị mất một miếng nhựa trên thân xe. Mặc cho tôi hối lỗi như thế nào, cảnh sát và công ty cho thuê cũng không cho tôi tiếp tục thuê chiếc xe nữa, mặc dù tôi đang trên đường về quê. Vậy là tôi phải dừng chuyến đi giữa chừng, đóng gói chiếc xe đạp, đón Shinkansen từ Shikoku về lại Yokahama và tốn cả đống tiền.
- Một đất nước mà người ta sống không cần trò chuyện: Người Nhật luôn tìm cách tránh bắt chuyện với người lạ, Tôi đã từng tìm cách nói chuyện với người ngồi cạnh mình trên Shinkansen, và nhận lại được vài câu trả lời “chưng hửng” như kiểu bảo tôi cứ im lặng là tốt nhất. Tôi hiểu rằng đây là nền văn hóa coi trọng sự riêng tư thế nhưng tôi chưa từng thấy ở nơi nào mà bắt chuyện với người bản xứ lại khó như vậy.
- Làm việc quá mức: Văn hóa doanh nghiệp ngày nào đó sẽ hủy hoại Nhật Bản. Đây là một đất nước quá xinh đẹp, quá hiện đại, chỉ có 1 vấn đề, họ không cho người dân có thời gian để tận hưởng những điều đó.
Ảnh wikiHow
Câu trả lời từ Eric Barnes
Tôi ghét cụm từ “Shouganai” – Hết cách.
Có những chuyện tôi chấp nhận đó là một tình huống “Shouganai”, ví dụ như vấn đề thời tiết, tai nạn,… thế nhưng có những lúc họ lại quá lạm dụng cụm từ này.
– Tôi đi làm ngày mai nên tôi không thể đến tiệc của bạn được. Shouganai.
– Tôi ngủ quên trong khi đọc quyển sách này. Shouganai
Đa phần những “Shouganai” tôi thấy khó chịu đều rơi vào trường hợp họ lấy đó làm cái cớ để trì hoãn, hoặc tránh làm điều gì đó, thậm chí theo đuổi giấc mơ của họ.
Tôi sẽ đưa ra đây một số ví dụ
– Takeshi ghét công việc này. Công ty cũng ghét anh ta vì vậy đã “đá” anh khỏi team Sale và chuyển anh đến team Sale Support. Nhìn chung chẳng có việc gì cho Takeshi làm vì thế công ty đã ép anh phải đi gặp bác sĩ tâm lý. Sếp của Takeshi khẳng định rằng Takeshi bị bệnh tâm lý. Họ chỉ đơn giản muốn Takeshi tự nghỉ việc.
Thật ra Takeshi biết 4 ngoại ngữ và cực kỳ thông minh, anh ta có thể bỏ việc và kiếm việc mới tốt hơn. Nhưng thay vào đó, anh ta ở lại sau nhiều năm bởi vì “Shouganai, đó là công ty của tôi”. Không, Takeshi, hãy nghỉ đi, tại sao lại phải chịu đựng chỉ vì cái từ “Shouganai” ấy chứ.
– Rie 42 tuổi, xinh đẹp, đã ly hôn và con của cô hiện nay cũng đủ lớn rồi. Cô lúc nào cũng cảm thấy cô đơn. Cô làm việc rất nhiều và đa phần đồng nghiệp của cô đều lớn tuổi hơn. Cô tâm sự rằng cô không thể gặp gỡ đàn ông vì “Shouganai, tôi chỉ có thể chịu đựng sự cô đơn này”. Không phải, cô thật sự có thể thử gặp ai đó, sắp xếp thời gian hẹn hò, tìm hiểu người khác. Đó là lựa chọn của cô, không phải yếu tố khách quan đâu.
– Michiko ước mơ được sống ở Mỹ. Cô đã đến Mỹ rất nhiều lần nhưng chưa thực sự định cư ở đó. Cô nói tiếng Anh rất khá, cô cũng tiết kiệm tiền và thậm chí đã đăng ký lấy thẻ xanh, nhưng bị từ chối. Kết cục, cô tự an ủi mình “Shouganai, tôi sẽ tiếp tục sống ở Nhật”. Không, Michiko ạ, sao cô không thử thêm một lần nữa. Cô có thể xin việc tại một công ty Mỹ, để họ giúp cô các vấn đề liên quan đến Visa. Cô thậm chí có thể cưới người đã có thẻ xanh (người Mỹ hoặc không), và cô có thể sống ở Mỹ.
“Shouganai” như một câu cửa miệng của người Nhật, và thật ra nó không giống như việc chấp nhận thực tế như họ nói, mà họ chỉ muốn kiếm cớ mà thôi.
Những ý kiến trên đều mang tính cá nhân, và do người nước ngoài từng sống ở Nhật đưa ra. Với tư cách là một du học sinh, thực tập sinh, hay một người yêu thích và tìm hiểu về văn hóa Nhật, bạn nghĩ sao về những câu trả lời này?
Sacchan