Đội quân cảm tử Kamikaze – nghẹn ngào những cảm xúc vào giờ phút cuối cùng, gửi gắm trong lá thư vĩnh biệt gửi người thân
Kamikaze (Thần Phong) là đội cảm tử Nhật Bản trong thế chiến thứ II. Nhiệm vụ của họ là lao máy bay của mình về phía địch với mục đích cảm tử. Lối chiến đấu “tự sát tập thể” này rất nổi tiếng, gắn liền với tên tuổi của Kamikaze.
Ảnh Ozy
Các phi công trong đội quân cảm tử đa phần là những người trẻ tuổi, những người còn cả tương lai sáng lạng phía trước. Khác với hình ảnh hùng dũng, hô to từ “Banzai” (Vạn tuế) trước khi lao thẳng vào kẻ thù, đằng sau họ là gia đình, là những người họ thương yêu. Liệu có phải vì quốc gia cần mà họ sẵn sàng hy sinh? Có phải lựa chọn ra đi ấy hoàn toàn tự nguyện?
Chúng ta hãy cùng đọc những lá thư cuối cùng của các phi công trẻ tuổi gửi cho gia đình, để xem vào giây phút có thể gọi là cuối cùng của cuộc đời, những luyến tiếc sau cùng của họ là gì.
Bức thư từ một người lính Fukuoka, thuộc Đội Tấn công đặc biệt Kamikaze Fugoku, hy sinh gần đảo Luzon vào ngày 13 tháng 11 năm 1944
Gửi người anh trai đáng kính của em,
Một lần nữa, em lại nhận được lệnh ra trận, lần này có lẽ em sẽ không về nữa. Em không cảm thấy một chút hối tiếc nào. Em đã quen với việc kết bạn với cái chết, cửa ngõ cuối cùng mà con người phải đối mặt. Tất cả những gì em phải làm là thực hiện tốt nhiệm vụ mà em đã được đào tạo để không làm thất vọng tổ tiên. Điều làm em xấu hổ chính là em đã sống 27 năm cuộc đời mà không làm được gì cho mẹ và anh.
Em đành phải để lại tất cả cho anh và ra đi thực hiện những nghĩa vụ mà vì thế em được sinh ra. Em sẽ thực hiện nhiệm vụ như một người đàn ông đích thực.
Hãy chăm sóc tốt cho mẹ, và cả cho bản thân mình vào mùa đông sắp đến nhé.
Yoshitaro
(Những thanh niên được chọn vào đội cảm tử Kamikaze đa phần là con thứ, vì người con cả có nhiệm vụ phụng dưỡng cha mẹ và chăm sóc bàn thờ tổ tiên, theo đúng truyền thống của người Nhật).
Bức thư của đội trưởng Furukawa Takao người Saga gửi vợ. Anh hy sinh gần bờ biển Kagoshima vào ngày 21 tháng 4 năm 1945 ở tuổi 25.
Gần đây, vào những phút giây bình tĩnh nhất, anh cảm nhận được mọi suy nghĩ của mình đều hướng về em và đứa con sắp chào đời của chúng ta. Hãy giữ gìn sức khỏe nhé.
Khi anh đến căn cứ ở Kyuushu, có một sự thay đổi đột ngột trong kế hoạch, tất cả bọn anh đều phải tham gia vào đội tấn công đặc biệt. Bọn anh có thể xuất phát bất kỳ lúc nào. Hằng ngày, mỗi khi chờ đợi đến đợt tấn công đầu tiên, và cuối cùng của mình, anh đọc lại lá thư em đã viết và ngắm nhìn những bức ảnh em gửi cho anh.
Ngạc nhiên thật, trái tim anh hoàn toàn bình lặng như thể có một anh khác, một người vô cùng bình thản đang nhìn vào anh bây giờ từ phía bên kia cửa sổ.
Nhưng những mệnh lệnh, dù là theo chiều hướng tốt hay xấu, lại tiếp tục thay đổi. Anh sẽ lại được bổ nhiệm vào một đội khác với những nhiệm vụ khác. Bọn anh sẽ bay hai chuyến tới Okinawa, đợt đầu đã hoàn thành, không có tai nạn xảy ra, và anh cũng chẳng làm được gì vinh quang để được gọi là người hùng.
Ngài Hagiwara đã đến thăm đội của anh hôm kia. Ông ấy có hỏi về em đấy. Đáng buồn thay, ông ấy đã hy sinh ngay cái ngày mà ông trở về.
Bây giờ, không như bất cứ lúc nào, sự thoáng qua của cuộc sống con người làm anh kinh ngạc, nhưng anh buộc phải trở nên mạnh mẽ hơn. Em cũng vậy, hãy mạnh mẽ, hãy chờ anh. Anh sẽ quay lại và không thất bại. Cho đến khi con chúng ta chào đời trong an toàn, anh không có ý định chết dễ dàng vậy đâu.
Ảnh lexpress.fr
Bức thư của đội trưởng Adachi Takuya, người Hyogo, gửi cho bố mẹ (Thuộc đội Tấn công đặc biệt Kamikaze No.i Seikita). Anh hy sinh trong khu vực Okinawa vào ngày 28 tháng 4 năm 1945, ở tuổi 23.
Bố mẹ đáng kính của con,
Con hiểu được bố mẹ đã phải khó khăn như thế nào để có thể đến thăm con. Nhìn thấy mái đầu rối bù và hốc mắt sâu hóm ấy, con chỉ muốn được quỳ xuống để tạ lỗi với bố mẹ. Những nếp nhăn trên vầng trán chính là bằng chứng rõ ràng nhất cho những nỗi đau bố mẹ đã bỏ ra để nuôi con khôn lớn. Từ ngữ không thể nào diễn tả được cảm xúc của con lúc này, và con hiểu những lời con sẽ nói đây chỉ là một phần rất nhỏ những điều con muốn nói.
Dù rằng thời gian ở bên nhau không nhiều, con có thể thấy trong ánh nhìn của bố mẹ những lời muốn gửi gắm với con nhưng không thể thốt thành lời.
Khi mẹ nắm lấy tay con bên trong đôi bàn tay sưng tấy của mình, con cảm nhận được sự bình yên, không giống với bất cứ cảm giác nào con từng có kể từ khi gia nhập quân đội. Cảm giác ấy, như trở lại là một đứa trẻ, được ủ ấm trong tình yêu thương của mẹ.
Con đắm chìm trong vẻ đẹp đến từ sự tận tụy của mẹ, đến mức ước được chết đi, được ngủ vĩnh viễn trong thế giới ngập tràn tình yêu của mẹ. Con không thể cầm được nước mắt khi ăn những miếng Sushi mẹ chuẩn bị cho con, như thể được lấp đầy bằng yêu thương trong khuôn miệng. Dù cho con ăn rất ít, đó là bữa ăn ngon nhất con từng được ăn trong cuộc đời này.
Mẹ đáng kính, dù rằng con không thể tiếp nối hết tất cả yêu thương từ mẹ, con đã nhận của mẹ rất nhiều sự thông minh. Và bố, những lời im lặng như khắc sâu vào trái tim con. Chỉ cần vậy thôi, con có thể tiếp tục chiến đấu. Cho dù con có chết, con cũng sẽ trở thành một linh hồn bình yên.
Chiến tranh là bài kiểm tra khắc nghiệt dành cho những cảm xúc đẹp đẽ. Nếu cái chết của con nghĩa là trả lại cho thế giới này tình yêu, cớ gì con phải sợ hãi. Chẳng còn gì phải hối tiếc ngoài việc tự động viên mình bước đi và hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Vào lúc 16 giờ, cuộc gặp kết thúc. Nhìn bố mẹ bước ra sau cánh cổng, con cũng chỉ biết lặng lẽ vẫy chào.
Ảnh The Japan Times
Lá thư Trung úy Kishi Fumikazu gửi cho gia đình. Anh hy sinh ở Philippines vào ngày 24 tháng 10 năm 1944, ở tuổi 22.
Gửi bố, mẹ, anh, chị,
Mùa thu đã kết thúc. Sân nhà mình chắc đã tràn ngập tiếng kêu côn trùng, cũng giống như mọi lần trong năm, vào đúng thời điểm này. Trong con lại ngập tràn những kỷ niệm, về những năm chúng ta được ở bên nhau, trò chuyện với nhau. Chắc rằng mọi người ai cũng đang rất lo lắng cho con đúng không.
Cái lần con về thăm nhà hôm tháng 5, chị gái đã nói với con rằng “Kể từ khi mày gia nhập quân đội, mẹ đã đặt đồ ăn trước ảnh của mày. Bà bỏ uống trà, và mỗi lần đến Chùa đều cầu nguyện cho mày đấy”. Con đã rất cảm động, và tiếc nuối vì đã không thể nói lời cảm ơn mẹ. Mẹ đã thật sự suy sụp vào đêm tiệc chia tay con nhập ngũ. Mẹ đã vất vả chuẩn bị cho con lên đường, thậm chí đêm hôm trước còn mất ngủ.
Trên lá cờ của con, mẹ viết “Mẹ sẽ hạnh phúc, chờ con trở về”. Bất cứ khi nào có thể, con đều nhìn vào những chữ cái này để tiếp thêm dũng khí. Chiến trận ngày càng căng thẳng, con không thể đảm bảo rằng có thể trở về an toàn được mẹ ạ. Hình ảnh những đứa trẻ nghèo đói cùng dòng người hát vang giữa biển cờ đang vẫy gọi để tiễn chúng con lên đường đã khắc sâu vào tâm trí của con. Con đặt niềm tin mãnh liệt vào sự nhân từ của Hoàng đế và bố mẹ của chúng con. Mẹ ngày càng yếu đi, anh và chị, xin hãy chăm sóc bà thật tốt, thay cả phần của em nhé.
Xin hãy thứ lỗi cho sự bất hiếu của con, con luôn cầu nguyện cho mọi người đều khỏe mạnh bình an. Con đã gửi 3 album hình kỷ niệm cho anh và chị, xin đừng lo lắng về con. Khi mọi người nghe tin con đã chết, xin hãy hạnh phúc cho con, vì con đã hoàn thành sứ mệnh của mình.
Vĩnh biệt.
Tham khảo cavemancircus.com
Sachiko