Tờ giấy ‘chết chóc’ cướp đi sinh mạng của hơn 140.000 người tại Hiroshima cách đây 73 năm
Mảnh giấy vàng in mệnh lệnh ném quả bom “Littte Boy” xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản cướp đi sinh mạng 140.000 người trong thảm họa nhân tạo khủng khiếp bậc nhất của nhân loại.
Vào ngày này cách đây 3 năm – 6/8/2015 bảo tàng Chiến tranh Thế giới thứ II ở Boston, Mỹ trưng bày các tờ mệnh lệnh ném bom nguyên tử xuống 2 thành phố của Nhật Bản.
Cách đó 70 năm, 1 trong 2 mảnh giấy này được truyền đến tay thiếu úy Jacob Beser trước khi ông cùng phi hành đoàn lên chiếc Enola Gay thực hiện nhiệm vụ được cấp trên giao phó.
Tờ mệnh lệnh chỉ thị ném bom vào thành phố Hiroshima.
Có thể thấy trong mảnh giấy được trưng bày, quyết định ném bom được đưa ra vào ngày 5/8/1945, quả bom được thả không được đề cập tên mà ghi chú bằng chữ “special” (đặc biệt). Phần còn lại của tờ lệnh là các hoạt động mà thành viên phi hành đoàn trên các phi đội máy bay tham gia ném bom phải tuân thủ, từ việc cầu nguyện, rời giường, ăn uống, họp bàn trước khi lên máy bay làm nhiệm vụ.
Ngày 6/8/1945 chiếc B-29 Enola Gay của phi đoàn 509, cơ trưởng Đại tá Paul Tibbets, xuất phát từ North Field – căn cứ không quân trên đảo Tinian ở tây Thái Bình Dương, cách Nhật Bản khoảng 6 giờ bay.
Chiếc B-29 mang tên Enola Gay và phi hành đoàn – những người thả quả bom nguyên tử “Little Boy” xuống Hiroshima 6/8/1945. (Ảnh: Wiki)
Lúc 8h15 (giờ Hiroshima), chiếc Enola Gay thả quả bom nguyên tử “Little Boy” trên bầu trời trung tâm Hiroshima. Quả bom nổ cách mặt đất khoảng 600 m với đương lượng nổ 13 kiloton, ngay lập tức giết chết ít nhất 90.000 người và gần 60.000 người thiệt mạng trong nhiều năm sau đó vì chấn thương và di chứng phóng xạ.
Ba ngày sau, thiếu uý Beser nhận được mảnh giấy có nội dung tương tự và nhiệm vụ cho vụ tấn công nguyên tử thứ hai gần tương tự nhiệm vụ ở Hiroshima. Giống như như tờ mệnh lệnh được đưa tới trước đó 3 ngày, quả bom lần này cũng không được nêu tên mà ghi chú là “đặc biệt”.
Tờ mệnh lệnh chỉ thị ném bom vào thành phố Nagasaki.
Sáng 9/8/1945, pháo đài bay B-29 Bock’s Car, cơ trưởng Thiếu tá Charles W. Sweeney mang quả bom nguyên tử “Fat Man” với mục tiêu số một là Kokura, mục tiêu số hai là Nagasaki. Sau khi bay tới Kokura bầu trời bị che phủ nhiều mây, ngăn cản tầm nhìn, Thiếu tá Sweeney quyết định bay về mục tiêu thứ hai – Nagasaki.
11h01 quả bom “Fat Man”, mang lõi khoảng 6,4 kg Plutonium 239 được thả xuống Thung lũng công nghiệp của thành phố Nagasaki. 43 giây sau, nó nổ ở 469 mét cách mặt đất, ở giữa xưởng thép và vũ khí của Misubishi ở xưởng thủy lôi của Misubishi-Urakami. Vụ nổ có đương lượng 21 kiloton ngay lập tức giết chết ít nhất 70.000 người, khoảng 60.000 người bị thương.
Nhiều năm sau khi hoàn thành nhiệm vụ, trung úy Beser, người duy nhất nằm trong cả 2 tổ bay của 2 vụ ném bom gặp Kenneth Rendell, người sáng lập ra Bảo tàng Chiến tranh Thế giới thứ II tại Boston, Mỹ và trao cho ông 2 tờ mệnh lệnh này.
“Những tài liệu này là chìa khoá mở ra những gì đã xảy ra trong một loạt các sự kiện làm thay đổi thế giới mãi mãi”, Rendell nói với tờ Time.
Nguồn: Time
Theo Song Hy/ VTC.vn
“Lộ diện” những bức ảnh của Hiroshima và Nagasaki thịnh vượng trước ngày nổ bom nguyên tử
Những đứa bé được”hồi sinh”:Hiroshima 13 năm sau trận thả bom nguyên tử