Từ Hà Nội tới Tokyo: Câu chuyện chàng nghệ sĩ đưa nghệ thuật xăm Việt tới Nhật Bản

Khi ở Việt Nam, nhiều người vẫn chưa có cái nhìn đúng về nghệ thuật xăm hình thì chàng trai Nguyễn Thành Trung đã đưa những mũi kim, tác phẩm của mình vượt ngoài ranh giới đất nước để tới với thị trường Nhật Bản vốn được coi là khá thu mình trước văn hóa ngoại lai du nhập.

Đã có từng một thế hệ các bậc phụ huynh, coi việc xăm mình của con cái là điều không đúng đắn, “chẳng ra đâu vào đâu” thậm chí là a dua, đua đòi. Tuy nhiên, khi xã hội đã cởi mở với cái nhìn thoáng hơn, xăm mình thực sự đã trở thành một môn nghệ thuật. Khẳng định mình trong giới nghệ sĩ xăm mình Việt Nam đã khó nhưng có một chàng trai Hà Nội đã đưa câu chuyện nghề của mình tới tận nước Nhật Bản xa xôi, sang trang mới cho câu chuyện nghệ thuật và đam mê của mình.

Tôi có cơ hội gặp anh Trung trong một dịp anh trở về Hà Nội. Với những người còn xa lạ với nghệ thuật xăm hình, nhìn anh Trung trong khoảnh khắc đầu thực sự khiến tôi hơi “sợ”. Nhưng cuộc trò chuyện cứ diễn ra, tự nhiên và thoải mái, những mảng sáng tối trong con đường nghệ thuật gian nan của anh cũng dần được hé mở.

Trung Hannya với gần 10 năm trong nghề xăm tại Việt Nam và Nhật Bản

Nghệ thuật xăm tại Việt Nam: Đam mê không dễ dàng

Những lời trò chuyện đầu tiên đưa tôi quay lại năm 2008, khi anh Trung kết hôn với cuộc sống khá vất vả khi công việc chính của anh là lao động chân tay. 10 năm trước, khi mới 21 tuổi, xăm hình vẫn còn là điều xa lạ với anh Trung. Một năm sau, anh bắt đầu tiếp xúc với nghệ thuật xăm mình từ một cửa hàng nhỏ của anh vợ. Từ đó, cái duyên với nghề, mà đến giờ anh Trung có thể gọi là nghiệp, đã bén khiến anh thôi thúc, tò mò tìm hiểu về tattoo. Từ một con số 0 tròn trĩnh, anh bắt đầu tìm đường mà đi với con đường khó khăn này.

Lúc đó, anh Trung phải giấu gia đình, vừa đi làm vừa tranh thủ đến tiệm của anh trai vợ học nghề. Vì không có nhiều thời gian học lại thêm không có điều kiện trang bị đồ dùng máy xăm nên việc học gặp rất nhiều khó khăn. Sau một thời gian, anh Trung quyết định bỏ công việc của gia đình và theo đuổi đam mê sở thích của mình – chấp nhận rằng mọi thứ sẽ không êm đềm như trước.

Con đường đến với nghệ thuật xăm của anh Trung Hannya chưa bao giờ dễ dàng

Nhưng một khi đã nghiêm túc với nghề và dành nhiều thời gian cho nó, những nỗ lực sẽ được đền đáp xứng đáng. Sau 8 năm theo đuổi đam mê, anh đã có chỗ đứng trong giới tattoo của Hanoi nói riêng và Việt Nam nói chung. Chuỗi cửa hàng “Hannya Tattoo” tại Hanoi và lọt vào top 10 cửa hàng xăm uy tín và chất lượng và Thành Trung cũng nhận được sự đánh giá cao trong cộng đồng xăm tại Việt Nam. Số giải thưởng anh nhận được cũng khiến người ta nể phục, từ giải “hình xăm đẹp nhất ngày” trong triển lãm Vietnam Tattoo Convention 2016, giải ba thể loại Asian style Black & Grey tai cuộc thi xăm quốc tế được tổ chức tại Hà Nội năm 2016 hay giải nhất cuộc thi Vietnam style 2018. Tất cả đã phần nào khẳng định thành công của Trung Hannya.

Chông chênh trên đất nước Nhật Bản

Chỉ cần nhìn tên nghệ danh của anh Trung, người ta đã đoán ra được tình yêu của chàng trai này với đất nước và văn hóa Nhật Bản: Trung Hannya. Hannya trong tiếng Nhật là tên một loại mặt nạ yêu quái trong nghệ thuật kịch Nô của đất nước mặt trời mọc.

Nhưng tình yêu với văn hóa là một chuyện, còn để đi được tới Nhật Bản lại là một vấn đề cần nhiều thời gian và công sức hơn cả. Anh Trung Hannya chia sẻ rằng một dịp, anh cùng một người bạn đang làm việc tại Nhật Bản có trao đổi về đất nước, con người cũng như những nét văn hoá của Nhật Bản. Buổi trò chuyện đã khiến anh nhận ra tình yêu của mình dành cho đất nước này ngày càng dữ dội nên Trung Hannya quyết định mang tattoo Việt Nam đến đất nước hoa anh đào với tiệm studio đầu tiên tại thủ đô Tokyo.

Trung Hannya hy vọng sẽ thay đổi cách nhìn của mọi người về nghề xăm

“Với một người Việt như tôi không biết tiếng Anh, không biết tiếng Nhật cũng không hiểu gì nhiều về nền văn hóa Nhật; lần đầu tiên khi tôi bước chân đến đất nước này, tôi có suy nghĩ rằng nền văn hóa xăm tại Nhật rất phát triển và ai cũng có hình xăm. Tuy nhiên, tôi thực sự bị sốc khi biết điều ngược lại. Được coi là đất nước có văn hoá xăm hình nổi tiếng thế giới nhưng người dân Nhật Bản lại rất kỳ thị hình xăm. Tôi cũng thấy rất làm lạ nên bắt đầu tìm hiểu tại sao người Nhật lại có ác cảm với việc xăm hình như vậy; và quan trọng hơn là làm sao có thể đưa những kỹ nghệ học được tại Việt Nam tới đây”, anh Trung Hannya chia sẻ.

Quan trọng hơn, theo sau ngày đầu tiên đó là thời gian Trung Hannya không ngừng hoài nghi về bản thân và mục đích của mình. Anh không tới Nhật vì tiền khi mà ở Việt Nam, anh có thể kiếm nhiều không kém từ các cửa hàng của mình, thậm chí còn hơn vậy. Ở Việt Nam, anh còn có vợ con và luôn cảm thấy hạnh phúc. Nhưng sâu thẳm trong suy nghĩ của mình, Trung Hannya ấp ủ một niềm tin mãnh liệt hơn, dù nhiều người có coi đó là sáo rỗng: Anh muốn góp một phần nhỏ trong việc thay đổi cái nhìn định kiến của người Nhật về văn hóa xăm hình.

Với nhiều người Nhật Bản, nỗi kỳ thị xăm hình của họ xuất phát từ chính nỗi sợ hãi những Yakuza – thế giới ngầm khét tiếng tại xứ sở mặt trời mọc. Chính vì vậy, một số người dân cho rằng Yakuza đều có hình xăm và những ai có hình xăm thì đều là… tội phạm! Thậm chí, một số nơi còn không cho phép những người có hình xăm được vào; từ phòng tập thể hình, bể bơi cho tới suối nước nóng. Qua dần năm tháng, nó đã ăn sâu vào tâm thức của người dân Nhật Bản về một thứ xấu xa tội lỗi.

Khi xăm mình luôn gắn với xã hội đen ở Nhật Bản, có lẽ đã tới lúc cần có những người như Trung Hannya để nghệ thuật xăm thoát ra khỏi cái bóng đen của kỳ thị, của tầng lớp thấp trong xã hội. Và những người thợ xăm cũng làm các công việc chân chính, xứng đáng được mọi người tôn trọng.

“Thế giới luôn có muôn mặt và xăm hình cũng vậy. Đó là nghệ thuật, là bức tranh được tô vẽ bằng tâm hồn và trí óc của những người nghệ sĩ và tôi yêu điều đó”, lời bộc bạch của Trung Hannya khiến người ta dần trút bỏ quan điểm sai lầm về thế giới xăm mình.

Đưa nghệ thuật xăm Việt Nam ra thế giới

Thay đổi định kiến về xăm hình tại Nhật Bản là điều mà Trung Hannya muốn làm khi đặt chân tới đây. Nhưng còn trước đó, lý do vì sao người nghệ sĩ trẻ này lại có mong muốn đưa nghệ thuật xăm Việt vươn ra nước ngoài?

“Có một điều làm tôi nhớ đến lý do tại sao tôi muốn mạng tattoo Việt Nam ra thế giới. Cách đây rất lâu rồi, khoảng năm 2011 khi tôi bắt mới bắt đầu làm nghề một thời gian. Khi đó ở Việt Nam không có đủ máy móc, kim, mực… bán đại trà như bây giờ. Mua được 1 món đồ gì đó hay mua 1 chai mực nào đó rất khó phải gửi từ Mỹ hay Ý mới có. Tôi và một người bạn có gọi điện và gửi thư cho một nhà cung cấp bên Mỹ và nói rằng chúng tôi muốn mua một số chai mực màu và mực đen. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không quên câu trả lời mình nhận được: “Việt Nam chúng mày cũng có thợ xăm à, Việt Nam chúng mày cũng biết xăm cơ à, tao nghĩ không có cơ”.

Vì điều đó, tôi quyết tâm nỗ lực đưa văn hoá những hình xăm của tôi đi khắp thế giới hay những cuộc thi để cho mọi người thấy rằng không chỉ biết xăm những hình ảnh vốn nghệ thuật hay trừu tượng, tôi còn thể hiện những cảnh đẹp địa danh của Việt Nam qua những hình xăm trong những cuộc thi mà tôi từng tham gia”.

Địa chỉ cửa hàng xăm của Trung Hannya tại Hà Nội và Nhật Bản

Ước mơ của Trung Hannya ngày nào giờ đã thành hiện thực; không chỉ sở hữu cửa hàng xăm tại Nhật Bản với lượng khác khác đông, các studio xăm của anh tại Hà Nội cũng đón rất nhiều khách từ nước ngoài. Tuy nhiên, điều mà người ta ngưỡng mộ anh nhất không phải ở những con số như vậy mà là cách anh góp sức cùng nhiều nghệ sĩ xăm hình khác khẳng định vị thế của nghệ thuật xăm tại Việt Nam: Một giá trị, một thành quả tinh thần lớn hơn rất nhiều so với vài con số đong đếm được.

Theo Kênh14

Cuộc tranh cãi về hình xăm vẫn chưa dừng lại ở Nhật Bản

Giải mã ý nghĩa của 7 hình xăm phổ biến ở Nhật

Nói không với hình xăm – Người Nhật chuyển sang vẽ tranh 3D trên cơ thể sống động như thật

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: