Quy trình chuẩn mực khi đến thăm nhà người Nhật, tránh bị xem là “vô lễ không cố ý”
Các bạn đang ở Nhật có từng được bạn Nhật của mình mời đến chơi nhà chưa? Dưới đây là một số quy tắc gợi ý cho bạn khi đến chơi nhà người Nhật. Nắm được các quy tắc này, bạn sẽ tránh được một số tình huống “dở khóc dở cười” và còn ghi điểm trong mắt người Nhật đấy.
1. Cúi chào
Nghi thức cúi chào trong tiếng Nhật được gọi là ojigi (おじぎ). Văn hóa Nhật Bản đặc biệt nhấn mạnh sự tôn trọng, và chào hỏi là một trong những cách cơ bản nhất để thể hiện sự tôn trọng với người khác. Vì thế đừng quên cúi chào trước khi bước vào nhà nhé.
Nếu bạn vẫn chưa biết cúi chào sao cho đúng:
Kiểu chào Eshaku (会釈, えしゃく)
Cúi chào 15 độ là cách thường dùng giữa những người quen biết trong trường hợp cảm ơn một cách lịch sự.
Kiểu chào Keirei (敬礼, けいれい)
Cúi chào 30 độ thường được sử dụng trong kinh doanh, chào khách hàng tiềm năng, đối tác,.. hoặc để tỏ lòng tôn kính với người có địa vị cao hơn.
Kiểu chào Saikeirei (最敬礼, さいけいれい).
Đây là kiểu chào trang trọng nhất. Saikeirei được dùng để chào người có chức vụ rất quan trọng, người trong Hoàng tộc, hoặc để bày tỏ sự ân hận, hối lỗi.
Dozega (土下座, どげざ)
Chỉ sử dụng kiểu này khi bạn gây ra lỗi lầm cực kỳ nghiêm trọng. Tất nhiên không ai muốn phải sử dụng đến kiểu này rồi.
2. Nói lời chào hỏi
Khi đến thăm nhà người Nhật, đừng quên sử dụng những câu chào hỏi thông thường nhưng vô cùng cần thiết. Nhớ là sử dụng cho đúng ngữ cảnh nhé.
Ohayou Gozaimasu (おはようございます) —–> Chào buổi sáng
Konnichiwa (こんにちは) —–> Xin chào
Konbanwa (こんばんは) —–> Chào buổi tối.
3. Khi bước vào trong, đừng quên nói “Ojamashimasu”
Câu này có nghĩa đen là “Xin lỗi vì đã làm phiền”.
4. Để giày của bạn tại Genkan.
Ảnh Niseko Projects
Bạn không được phép đi giày vào nhà của người Nhật. Thế nhưng ranh giới giữa bên trong và bên ngoài không phải ngay cổng chính mà là khu vực giữa cổng chính và phòng khách, gọi là Genkan. Bạn có thể dễ dàng nhận ra do cách thiết kế nội thất khác nhau giữa hai khu vực giao nhau bởi Genkan
Đừng dẫm lên Genkan sau khi tháo giày ra. Hãy ngồi xuống, tháo giày và đặt ngay ngắn vào vị trí định sẵn trong nhà trước khi bước vào trong.
5. Đảm bảo vớ của bạn sạch sẽ
Chủ nhà sẽ cung cấp dép đi trong nhà cho khách. Nếu bạn mang vớ, hãy chọn những đôi có hoa văn lịch sự, sạch sẽ, tránh tình trạng tháo cả vớ và đi chân đất vào nhà. Bạn có thể dùng dép xẹp để đi đến các nơi khác trong nhà, trừ trên chiếu Tatami và nhà vệ sinh (có dép riêng cho nhà vệ sinh).
6. Vào phòng của gia chủ, đừng quên nói “Shitsureishimasu” (失礼します /しつれいします)
Đây là một câu xin phép thông thường khi bước vào không gian riêng tư của ai đó.
7. Ngồi đúng cách
Nếu đã quen với văn hóa Nhật, chắc bạn cũng biết Seiza là kiểu ngồi lịch sự trên chiếu Tatami. Để ngồi kiểu Seiza, quỳ gối trên sàn và đặt trọng lực cơ thể vào đầu ngón chân, sau đó hạ trọng tâm xuống, bàn chân thẳng, ép xuống sàn.
Nếu chưa quen, ngồi kiểu Seiza có thể gây tê chân. Người Nhật đã học ngồi kiểu này từ còn bé và có quá trình luyện tập lâu dài. Người chủ cũng có thể thông cảm nếu bạn không thể ngồi Seiza trong thời gian dài.
8. Phong thái ăn uống chuẩn mực
Trước khi ăn, nói
Itadakimasu (いただきます) đây là câu nói thể hiện sự tôn trọng với thức ăn.
Sau khi ăn xong, nói
Gochisousamadeshita (ごちそうさまでした) – Cảm ơn vì đã chuẩn bị bữa ăn !
9. Rời khỏi phòng người khác, nói “Shitsureishimashita” (失礼しました /しつれいしました)
10. Lúc ra về nhớ nói “Ojamashimashita” (おじゃましました)
Chỉ cần làm đúng theo các bước trên, bạn đã giữ được hình ảnh vẹn nguyên không tì vết trong mắt người Nhật. Những điều này chỉ cần ý tứ một chút là làm được, cũng đâu khó khăn lắm, đúng không các bạn !
Tham khảo: livejapan.com
Sacchan
Manga nổi tiếng Hoa hồng Véc-Xây bị đạo nhái trắng trợn trên cuốn hướng dẫn quy tắc ứng xử
Bốn quy tắc vàng để có một tình yêu bền lâu
[Bạn có biết] Quy tắc tiếng Nhật không được thừa nhận, không phải của người Nhật nhưng ai cũng dùng