Áp lực từ sự quy chụp “bọn trẻ bây giờ…” của người lớn và cuộc chiến thế hệ phức tạp ở Nhật
Đã một vài năm trôi qua kể từ khi thế hệ các bạn trẻ sinh ra trong khoảng 1988 đến 1996 bắt đầu gia nhập xã hội (tốt nghiệp và làm việc tại môi trường công ty). Trong bối cảnh ấy, rất nhiều người lớn vô cùng quan ngại khi nhận thấy tình trạng bê bối và không có chí tiến thủ ở lớp nhân viên mới này. Ví dụ, trả lời Mail trễ, không chủ động làm việc nếu không có chỉ thị, nói chuyện không lễ nghĩa với cấp trên,…
Những người lớn gọi chung giới trẻ là ゆとり世代 (Yutori jidai) – Thời đại không áp lực hay thời đại dư thừa.
Ảnh エイ出版社
Tuy nhiên, cũng có ý kiến bênh vực giới trẻ và cho rằng những người đi trước đã quá khắt khe, lấy quan niệm người xưa áp lên thời nay. Vậy ai đúng ai sai?
Đa phần người lớn thất vọng về lứa trẻ bây giờ là vì thói đổ thừa.
Đối diện với một sai lầm lúc nào cũng có phần lỗi của người khác, mọi người xung quanh từ đồng nghiệp đến sếp luôn có từ một điểm đến nhiều điểm khiến giới trẻ không vừa lòng.
Phản pháo lại vấn đề này, giới trẻ cũng có tiếng nói riêng của họ. Họ cho rằng người lớn không có quyền đánh giá giới trẻ là hay đổ thừa và thiếu trách nhiệm vì chính người lớn mới là những người thiếu trách nhiệm và thích đổ thừa. Cụ thể như sau:
Ảnh bokete
Thời hậu chiến, để nhanh chóng khắc phục nền kinh tế, giáo dục Nhật Bản đề cao tính cạnh tranh.
“Nếu không phải là số 1, bạn chẳng là gì cả”. Mỗi đứa trẻ được định hướng suy nghĩ như vậy và lao vào đời với tư tưởng đây là cuộc chiến mà chỉ được thắng, không được bại. Phải nói nền giáo dục lúc ấy vô cùng khắc nghiệt hay còn gọi là “giáo dục nhồi nhét”. Nếu cá nhân nào không có tính cạnh tranh, ngay lập tức bị quy chụp là có vấn đề. Tuy nhiên cũng nhờ sự hà khắc này mà kinh tế Nhật Bản được hồi phục và phát triển với tốc độ chóng mặt.
Ảnh アイデア共有ブログ
Tuy nhiên, sau khi đất nước phục hồi và phát triển, nhận thấy những áp lực nặng nề đến từ nền giáo dục cạnh tranh, Chính phủ bắt đầu thay đổi. Những sự thay đổi không đột ngột mà được chuẩn bị trong thời gian dài. Từ thay đổi nội dung sách giáo khoa đến giảm số lượng tiết học. Nhưng quan trọng nhất chính là những thay đổi trong suy nghĩ của học sinh. Thay vì tập trung giành lấy vị trí thứ 1 trong mọi lĩnh vực, các em sẽ được dạy cách tôn trọng sự đa dạng và thế mạnh của từng cá nhân. Do đó tính cạnh tranh trong mỗi học sinh sẽ giảm dần đi.
Vậy mà mỗi lần các em không đạt được vị trí thứ 1, người lớn lại phán xét người trẻ không có chí tiến thủ.
Ảnh tenyobi.com
Không một người lớn nào nhận thấy rằng chính cải cách giáo dục những người thế hệ trước đặt ra và áp đặt lên giới trẻ là nguyên nhân khiến giới trẻ trở nên như vậy? Đến đây trách nhiệm nên thuộc về ai?
Vậy thì thay vì đổ tội ngược cho người lớn, sao giới trẻ không cố gắng chứng tỏ bản thân?
Không phải ngẫu nhiên mà người trẻ Nhật Bản ngày nay tỏ ra bức xúc đến vậy. Đó là vì có quá nhiều những phán xét, áp lực từ phía người lớn đổ lên họ.
Bắt đầu với cụm từ “Bọn trẻ bây giờ…”
“Bọn trẻ bây giờ thật sung sướng”. Đó không phải là lỗi của giới trẻ nếu họ sống đầy đủ sung túc hơn thời đại của những người đi trước. Thời đại phát triển đòi hỏi nhu cầu sống của con người phải cao hơn trước. Bên cạnh đó, thời đại nào cũng có những vấn đề riêng của nó. Giới trẻ ngày nay ăn sung mặc sướng nhưng áp lực tinh thần lại vô cùng nặng nề, đã có người lớn nào nghĩ đến và cố thấu hiểu?
Ảnh 埼玉県上尾市のお米専門店
“Bọn trẻ bây giờ thật vô dụng”, rất nhiều tựa đề, chương trình thực tế trên TV và Internet sử dụng cách giật tít như vậy. Vấn đề là nội dung phiến diện của những chương trình này được người lớn tham khảo một cách triệt để, và họ cứ thế kết luận mà không một chút cân nhắc về thế hệ trẻ. Thay vì đó, sao không quan sát và trò chuyện với những người trẻ để hiểu thêm về họ.
Dù đúng là có những cá nhân thiếu động lực, vô trách nhiệm trong giới trẻ Nhật Bản, nhưng chỉ bởi những cá nhân ấy mà dễ dàng quy chụp thành “thế hệ thiếu động lực” hay “thế hệ vô trách nhiệm”, không phải quá bất công cho những người đang cố gắng sao?
Ảnh AbemaTIMES
Một luận điểm nữa mà giới trẻ Nhật đưa ra đó là thay vì đứng ngoài mà phán xét, xin hãy thảo luận và giúp đỡ chúng tôi bằng kinh nghiệm của người đi trước. Dù gì thì “bọn trẻ bây giờ” cũng do người lớn sinh ra.
Qua vấn đề trên, dễ thấy lỗ hỏng thế hệ không phải vấn đề của riêng quốc gia nào. Thế nhưng ở Nhật, sự thiếu đồng cảm và nỗ lực thấu hiểu lẫn nhau đã bị đẩy lên một mức độ mới khiến mâu thuẫn này càng thêm phức tạp.
Tham khảo MADAMERIRI
M.E.O
Người Nhật nhập cư rút khỏi vùng đất màu mỡ Thượng Hải vì không chịu nổi chính sách Black Mirror
Những điều kiện cần phải có khi du học sinh muốn định cư tại Nhật