Dập lửa bằng cách phá nhà, giết luôn thủ phạm phóng hoả – Dân Tokyo ngày xưa không hề “im lặng” như bây giờ
Từ xưa đến nay, người Nhật vẫn trung thành với việc chọn gỗ làm vật liệu chính trong xây nhà. Nhà gỗ đem lại cảm giác chắc chắn, sang trọng, thoáng vào mùa hè và ấm áp vào mùa đông.
Tuy nhiên với đặc điểm thời tiết mùa đông khô hanh ở Nhật, hoả hoạn thường xuyên xảy ra. Trận cháy lan từ nhà này sang nhà khác, vì gỗ bắt lửa rất nhanh, kèm với gió to, việc dập tắt là vô cùng khó khăn, hay thậm chí “vô phương”.
Dưới đây là bản đồ Tokyo thời Edo.
Ảnh http://www.d-laboweb.jp/special/sp517/
Ngày xưa, người dân Edo xây đường bộ dựa trên hệ thống kênh đào quy mô lớn. Bên cạnh việc cung cấp nguồn nước cho người dân, hệ thống này còn có tác dụng phòng tránh sự lây lan của đám cháy khi có hoả hoạn xảy ra.
Những khu vực màu xanh lá cây trong hình đại diện cho rừng, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hạn chế tốc độ cháy.
Chuyện gì xảy ra khi có hoả hoạn?
Đầu tiên, những 火消し (Hikeshi) – người chữa cháy phải có mặt kịp thời.
Ảnh http://bosai-girl.com/2017/05/03/hikeshispirits_kyoto/
Nghề chữa cháy thời Edo là một nghề rất cao quý và được đánh giá cao. Hiện nay các nhân viên chữa cháy sử dụng nước và khí khô để dập lửa. Tuy nhiên vào thời Edo, đa số các đám cháy đều bùng lên rất nhanh, không chỉ căn nhà bị cháy mà lây lan nhanh sang những căn nhà lân cận.
Ảnh https://mag.japaaan.com/archives/61255
Cách làm việc của lực lượng chữa cháy thời Edo như sau. Đầu tiên, họ chia thành nhiều Team, cử ra một Leader gọi là “まとい“ (matoi). Sau đó, Team sẽ leo lên căn nhà mục tiêu, chờ chỉ thị của Matoi và phá sập căn nhà.
Đúng vậy, bạn không đọc nhầm đâu.
Dù không phải nhà bạn là nguyên nhân gây cháy, đội cứu hoả thà hy sinh nhà bạn còn hơn để cho toàn Edo sáng rực rỡ. Nguyên tắc “giết nhầm hơn bỏ sót” này vậy mà lại khiến cho người dân Edo yên tâm hơn rất nhiều vì nhà hàng xóm có cháy thì nhà mình vẫn bình yên.
Nhân đây, đứng đầu danh sách nghề mà học sinh tiểu học Nhật Bản muốn làm nhất hiện nay là Youtuber, trong khi thời Edo, đa số các em nhỏ đều muốn trở thành thợ chữa cháy, vì nghề này rất ngầu.
Không những thế, có hẳn một sự kiện hoành tráng dành riêng cho lực lượng phòng cháy chữa cháy Nhật Bản gọi là 出初め式 (Dezome shiki). Trong sự kiện, những người lính cứu hoả sẽ biểu diễn giữ thăng bằng trên thang tre. Đây là sự kiện nằm trong chuỗi lễ hội chào đón năm mới, cầu mong một năm yên bình may mắn của người Nhật. Sự kiện này cũng là cách ra quân đầy độc đáo của lính cứu hoả Nhật.
Ảnh https://ja.wikipedia.org/wiki/出初式
Có thể ngành cứu hoả trong thời đại hiện nay bị nhấm chìm bởi hàng loạt các nghề nghiệp khác, tuy nhiên đây là công việc nguy hiểm và vô cùng quan trọng mà người Nhật dành sự quan tâm đặc biệt. Bởi lẽ họ thấu hiểu được những nguy hiểm và thương vong khi hoả hoạn xảy ra. Thời ấy, cứ 2-3 năm một lần lại có hoả hoạn trên diện rộng. Trận lớn nhất đã khiến cho 107,000 người tử vong.
Ngoài ra, Nhật Bản cũng rất khắc khe trong việc xử lý hành vi phóng hoả. Thời Edo có một lực lượng gọi là 火付盗賊改め (Hitsuke touzoku aratame) chuyên xử lý những kẻ cướp bóc phóng hoả. Đội này không chỉ được giao nhiệm vụ bắt giữ, mà thậm chí có thể cắt tay hoặc giết luôn thủ phạm.
Ngoài ra, do đặc điểm hay cháy cũng như tính khí “nóng như lửa” của người Edo thời ấy mà có câu
火事とけんかは江戸の華
(Kaji to kenka wa Edo no hana)
Cháy và đánh nhau là hoa của Edo.
Cả hoả hoạn hay đánh nhau đều gây ra những vụ ồn ào, náo loạn. Đây là cách nói châm biếm vào sự giàu năng lượng của dân Edo thời ấy.
Có lẽ người Tokyo ngày xưa không hề im lặng như bây giờ nhỉ?
Kengo Abe