Không phải vì liên tưởng đến Yakuza, đây mới chính là nguyên nhân người Nhật có ác cảm với hình xăm
Tôi thấy giới trẻ Việt Nam có rất nhiều người thích xăm hình. Giới trẻ Nhật Bản cũng vậy, tuy nhiên vì Nhật là quốc gia có ấn tượng không mấy tốt đẹp về những hình xăm nên muốn xăm cũng phải cân nhắc nhiều hơn.
Nhiều ý kiến cho rằng người Nhật có ác cảm với hình xăm vì chúng làm họ liên tưởng đến Yakuza (tổ chức Mafia Nhật), thế nhưng đó cũng chỉ là một phần câu chuyện mà thôi.
Hình xăm trong tiếng Nhật là 入れ墨 (Irezumi) đã tồn tại rất lâu trong lịch sử nước Nhật, mang ý nghĩa đánh dấu tội phạm. Dưới đây tôi xin giải thích ý nghĩa những hình xăm đầu tiên ở Nhật Bản.
Ảnh http://karapaia.com/archives/52238294.html
Khi mới vào tù, người tù sẽ phải xăm số tù trên cánh tay.
Ảnh http://karapaia.com/archives/52238294.html
Mục đích của những hình xăm này không chỉ để dễ quản lý, mà còn cố tình xăm ở những chỗ không thể che giấu như trên trán để phân biệt tù nhân với những người còn lại. Sau này dù có được ân xá, cái vết của quá khứ lầm lỗi sẽ mãi mãi nằm lại trên cơ thể họ.
Hình xăm được quy định thành dạng ký hiệu, tuỳ vào từng địa phương khác nhau. Thế nhưng ký hiệu nhục nhã nhất chính là biểu tượng Chikuzen.
Với lần phạm tội đầu tiên, họ sẽ xăm một đường ngang chữ nhất lên trán, thế nhưng nếu tiếp tục phạm tội 3 lần, hình xăm trên trán sẽ có hình dạng như 犬 (Inu) – con chó. Ý nghĩa của hình phạt này là những người dù đã được giáo dục nhiều lần vẫn tiếp tục lặp lại sai lầm chẳng khác gì con chó ngu ngốc, không xứng đáng được đối xử như con người.
Những tù nhân có hình xăm chủ yếu phạm lỗi nhỏ như trộm cắp hoặc cờ bạc, không bao gồm tử tù. Ngoại trừ hình thức xăm, những tù nhân còn phải chịu các hình phạt khác như bị đánh từ 50 đến 100 roi đối với nam, tống giam vào ngục từ 50 đến 100 ngày đối với nữ.
Bên cạnh đánh dấu tù nhân, xăm hình còn là biện pháp ngăn chặn những thành phần nguy hiểm từ khu vực này xâm nhập vào khu vực khác.
Những hình phạt thời xa xưa ở Nhật rất khắc nghiệt, do đó nếu phạm tội đến lần thứ 3, khả năng cao tù nhân đó sẽ bị tử hình. Chính vì vậy những người bị xăm chữ Inu lên trán như đã đề cập ở trên chỉ phạm những lỗi nhỏ nhưng có tính chất lặp lại, chứ không phải tội lớn. Dù vậy việc bị xăm vẫn là một nỗi ô nhục không bao giờ có thể xoá bỏ và họ sẽ bị người đời cười chê suốt phần đời còn lại.
Chính bởi gắn liền với những ý nghĩa không mấy tốt đẹp trong lịch sử, đến bây giờ hình xăm vẫn chưa được nhìn nhận một cách tích cực trên xứ xở hoa Anh Đào, đặc biệt với những người lớn tuổi.
Kengo Abe
Mèo, hình xăm và văn hóa Nhật Bản – Bạn kết hợp 3 yếu tố này như thế nào?