Anh Đào ở đâu cũng có, vậy sao ở Nhật hoa Anh Đào lại trở thành đặc trưng văn hoá?

Dù quốc hoa của nước Nhật là hoa Cúc, thế nhưng loài hoa làm nên hình ảnh đặc trưng của đất nước này lại là hoa Anh Đào.

Những cánh hoa Anh Đào bay lất phất không thể thiếu trong phim ảnh, Anime, âm nhạc và rất nhiều chất liệu nghệ thuật khác của Nhật Bản. Thế nhưng bạn có biết rằng nguồn gốc của hoa Anh Đào lại từ dãy Himalaya thuộc địa phận Trung Quốc.

Vào dịp Tết Việt Nam, tôi đã có dịp đến Nepal, nơi có đỉnh Everest “nóc nhà thế giới” thuộc dãy Himalaya. Hoa Anh Đào cũng nở rộ ở khu vực này. Thế nhưng có thể dễ dàng nhận ra sự khác biệt so với hoa Anh Đào ở Nhật Bản.

Hoa Anh Đào ở Nepal xuất phát từ cây mọc tự nhiên trên núi. Hoa này thường có màu hồng đậm hoặc nhạt, khác với hoa ở Nhật chủ yếu màu trắng, chỉ có một ít màu hồng nhạt. Ngoài ra, cây Anh Đào ở Nhật rất ít lá, vì thế vào mùa hoa, bạn chỉ thấy những tán hoa trắng điểm hồng bung nở trên cây rất đẹp. Giống hoa này được gọi là Yoshino Cherry, là phát minh của nước Nhật sau đó xuất khẩu sang các quốc gia khác.

Yoshino Cherry được người Nhật lai tạo nhân giống từ khoảng 200 đến 300 năm về trước, thời ấy chưa có những công cụ sinh học tiên tiến như bây giờ. Yoshino Cherry tuy rất đẹp nhưng lại có một nhược điểm đó là không cho ra nhiều hạt.

Chu trình sinh sản của hoa Anh Đào loại thường là từ hoa, ra quả. Nhờ động vật ăn quả thải ra hạt để phát tán hạt giống sang những cây lân cận. Tuy nhiên, Yoshino Cherry lại không sống thành cụm. Dù có thể kết hợp với cây Anh Đào giống khác, tuy nhiên lại làm mất đi sự thuần chủng.

Từ thời đó, người Nhật đã nghĩ ra cách chiết cành (clone) – phương pháp rất phổ biến hiện nay nhằm nhân giống cho Yoshino Cherry. Tất cả các Yoshino Cherry hiện nay, tại Nhật hoặc được xuất khẩu, tặng biếu cho các quốc gia khác đều là sản phẩm chiết cành.

Chiết cành được thực hiện như sau, cắt đi một nhánh từ cây chính và trồng riêng biệt để nó phát triển thành một cá thể khác. Ngoài ra cũng có thể ghép cành bằng cách nối đoạn nhánh vừa chiết vào thân một cây khác.

Chiết, ghép cành là một thủ thuật sinh học rất phổ biến ngày nay. Thế nhưng thật bất ngờ rằng 200, 300 năm trước, người Nhật đã biết cách sử dụng phương pháp này.

Tuy vậy vẫn có rất nhiều nghi vấn liên quan đến sự sinh sản của Yoshino Cherry mà ngay cả công nghệ khám nghiệm DNA cũng không thể giải thích triệt để.

Ngoài hạn chế về sinh sản, Yoshino Cherry còn đề kháng yếu với dịch bệnh và có tuổi thọ ngắn. Thế nhưng người Nhật xưa đã tìm được cách khắc phục.

Thật vui vì ngày nay có thể thấy giống Yoshino Cherry này ở khắp nơi trên nước Nhật, và trên toàn thế giới. Dù nguồn gốc của hoa Anh Đào không bắt nguồn từ Nhật, người Nhật vẫn rất tự hào vì những nỗ lực khắc phục và phát triển giống cây Anh Đào của riêng họ.

 

Kengo Abe
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: