Cầm tiền lên đối chiếu ngay – những Fact thú vị liên quan đến Yên Nhật (phần 2)
Trong phần 2 này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những điều thú vị liên quan đến đồng tiền Yên.
F#1
Tốn hơn 1 yên để sản xuất đồng 1 yên
Chi phí sản xuất tiền yên không được công khai vì giá kim loại dao động. Với thị trường nhôm hiện tại, phải tốn từ 2-3 yên để sản xuất một đồng 1 yên.
Cũng cùng một cách tính, tốn 7 yên để chế tạo đồng 5 yên, 10 yên để chế tạo đồng 10 yên, 20 yên cho đồng 50 yên, 5 yên cho đồng 100 yên và khoảng 30 yên cho đồng 500 yên.
F#2
Có thể làm sạch tiền Yên bằng đồng sử dụng phương pháp ngâm vào giấm ăn hoặc nước tương. Tiền xu sau một thời gian sử dụng sẽ bị tối màu và xỉn. Với những loại làm bằng đồng như 5 yên và 10 yên, bạn có thể ngâm chúng vào dung dịch giấm ăn hoặc nước tương. Tính axit của dung dịch có tác dụng loại bỏ bụi bẩn. Sau khi thử nghiệm cho thấy nước tương đem lại hiệu quả cao hơn.
Cách này không đảm bảo khi thực hiện trên những đồng xu khác vì nguyên liệu sử dụng khác nhau.
F#3
Chỉ có thể sử dụng tối đa hai mươi xu cùng mệnh giá trong một lần.
Theo luật, không có hạn chế đối với số lượng tiền giấy được sử dụng 1 lần. Tuy nhiên lại có quy định dành cho tiền xu. Bạn chỉ có thể dùng 20 xu cùng mệnh giá trong 1 lần. Chủ cửa hàng có quyền từ chối nhận xu thứ 21 cùng mệnh giá từ bạn.
F#4
Tại sao chỉ có đồng 5 yên và 50 yên là có lỗ ở trên?
Cả hai đồng xu đều có 1 cái lỗ ở trung tâm, tuy nhiên ý nghĩa lại hoàn toàn khác nhau. Trong trường hợp đồng 5 yên, thiết kế này giúp tiết kiệm chi phí sản xuất. Đồng 5 yên được phát hành vào năm 1949, ngay sau chiến tranh. Đây là thời điểm nước Nhật ở trong giai đoạn đẩy nhanh quy trình tái kiến thiết đất nước, vì thế việc cắt giảm chi phí là vô cùng cần thiết.
Đối với đồng 50 yên, việc thêm cái lỗ vào nhằm mục đích phân biệt với đồng 100 yên, vì cả hai đồng xu có cùng chất liệu và màu sắc.
F#5
Tiền xu và tiền giấy không được sản xuất tại cùng một nơi.
Tiền giấy được phát hành bởi Ngân hàng Nhật Bản và được in tại Cục In quốc gia ở Toranomon, Tokyo. Các tờ tiền này được chính thức gọi là tiền giấy ngân hàng vì chúng được in bởi Ngân hàng Nhật Bản chứ không phải bởi chính phủ.
Mặt khác, tiền xu được phát hành bởi chính phủ Nhật Bản và được sản xuất tại xưởng đúc tiền. Xưởng chính nằm ở Osaka, ngoài ra còn có 2 cơ sở ở Tokyo và Hiroshima.
Kết
Khi đi du lịch, chúng ta thường chỉ sử dụng tiền mà không tìm hiểu sâu về tiền tệ của các quốc gia. Tuy nhiên, những kiến thức chi tiết này giúp bạn hiểu thêm về văn hoá và bối cảnh lịch sử của một quốc gia. Nếu đang có tiền Nhật trên tay, hãy lấy ra đối chiếu thử nhé !
(hết)
Tham khảo Livejapan
Sacchan