Những nhân vật sẽ xuất hiện trên tờ tiền giấy mới của Nhật Bản – Họ là ai?

Gần đây Nhật Bản vừa tuyên bố sẽ thay đổi thiết kế tiền giấy. Dự kiến đến năm 2024 mới phát hành, nhưng nước Nhật đã quyết định được những tên tuổi sẽ xuất hiện trên tờ tiền giấy mới. Hãy cùng xem qua đó là những nhân vật nào và có thành tựu ra sao nhé.

Người sẽ xuất hiện trên tờ 1000 Yên là ngài Kitasato Shibasaburou (北里柴三郎).

Ảnh https://nikkan-spa.jp/1565661?cx_clicks_art_mdl=4_title

Ông là người sáng lập của Đại học Kitasato và Hiệp hội Y khoa Nhật Bản. Là một nhà nghiên cứu vi trùng học, ông nổi danh với công trình nghiên cứu khám phá căn bệnh dịch hạch tại Hồng kông năm 1894 – cùng lúc với Alexandre Yersin.

Đạt được những thành công vượt trội trong sự nghiệp nhưng quan niệm sống của ông lại vô cùng đơn giản.

終始一貫 (Shuushiikkan) – kiên định

Quán triệt tư tưởng, thái độ, trước sau như một. Chính nhờ bám chắc lý thuyết cơ bản, sau mỗi lần thất bại đều quay lại vạch xuất phát, không nản lòng trước thất bại mà Kitasato có thể đạt được những thành tựu to lớn.

Đây cũng là đức tính đại diện cho sự nghiêm túc và thái độ quyết tâm của người Nhật trong công việc.

Trên tờ 5000 Yên là bà Tsuda Umeko (津田梅子)

Ảnh https://nikkan-spa.jp/1565661?cx_clicks_art_mdl=4_title

Trong một xã hội Nhật Bản vẫn còn nặng tư tưởng trọng nam khinh nữ, có thể nói Tsuda là người phụ nữ tiên phong trong lĩnh vực giáo dục, nhà sáng lập của Đại học Tsuda danh giá.

Bà đã thể hiện tiếng nói mạnh mẽ của nữ quyền thông qua danh ngôn nổi tiếng sau

“Ai cũng phải tự mình đối mặt với con đường đời riêng biệt của chính mình. Mỗi người sẽ có những vấn đề và khó khăn riêng”

Danh ngôn này vẫn thường các bạn trẻ Nhật Bản chia sẻ trên mạng xã hội, như một kim chỉ nam định hướng cuộc đời. Ngày nay con người cần phải suy nghĩ và học cách cảm nhận độc lập, vì giá trị sống của mỗi người đều khác nhau. Cả niềm vui và nỗi buồn cũng không giống nhau. Ngày nay, đi kèm với sự phát triển của Internet là sự chia sẻ cộng đồng, do đó tính cá nhân phần nào bị hạn chế. Đặc biệt trong một xã hội sống tập thể như Nhật Bản, dấu ấn cá nhân và sự độc lập cần được đề cao hơn nữa. Đó chính là lý do câu nói của bà Tsuda phù hợp và định hướng tốt tính cách con người trong thời đại mới.

Trên tờ 10,000 Yên là ngài Shibusawa Eiichi (渋沢栄一)

Ảnh https://nikkan-spa.jp/1565661/2

Đây là nhân vật góp công lớn trong việc thành lập rất nhiều công ty và ngân hàng ở Nhật, đồng thời là người đã xây dựng nên Sở giao dịch chứng khoán Tokyo.

Shibusawa Eiichi là người có ảnh hưởng lớn, góp phần thay đổi diện mạo nền kinh tế nước Nhật để đưa Nhật Bản trở thành một cường quốc kinh tế như ngày nay.

Ông có một câu nói mà các bạn trẻ nên ghi nhớ

“Dù có cần cù học hành đến thế nào, cũng sẽ có những thứ không thể hoàn thành suôn sẻ được. Đó là vì thời cơ chưa đến. Lúc ấy nhất định không được nản lòng, phải kiên nhẫn và động viên bản thân hơn nữa”

Có một thuật ngữ trong Phật giáo là 啐啄同時 (sottaku douji), dịch nôm na là thời cơ chín muồi. Khi chim non đủ trưởng thành để thoát khỏi vỏ trứng, đồng thời từ bên ngoài chim mẹ sẽ tác động lực lên vỏ để vỏ trứng vỡ ra dễ dàng hơn. Có nghĩa là bạn luôn phải chờ đúng thời điểm để có thể chuyển giao sang một giai đoạn mới.

Dù phát minh của bạn có sáng tạo đến đâu, xuất sắc đến thế nào mà không phù hợp với thời đại cũng coi như vô nghĩa.

Ví dụ, Apple đã hoàn thiện Ipad trước khi cho ra mắt Iphone. Thế nhưng việc sản xuất đã bị hoãn lại, bởi vì các nhà phát triển kinh doanh của Apple nhận định rằng Ipad phải được ra đời sau Iphone. Đó là một bước đi đúng đắn.

Vào thời điểm Iphone ra đời, có nhiều người mong muốn sử dụng màn hình lớn hơn, khi đó nhu cầu dùng Ipad mới xuất hiện. Chuyện gì xảy ra nếu Apple vẫn kiên quyết cho ra mắt Ipad trước? Rất có thể sản phẩm này sẽ bị so sánh với máy tính cá nhân, một loại máy tính kỳ cục không có bàn phím.

Sản phẩm chỉ có thể trở thành cú “hit” khi ra đời đúng vào lúc ai cũng cần đến. Đó chính là khái niệm về thời cơ mà Shibusawa đã nhắc đến.

Ngoài ra nhắc đến Shibusawa, người ta còn nhớ đến một câu nói kinh điển khác.

“Tất cả mọi người đều cần có tính độc lập. Tinh thần độc lập kết hợp với sự cảm thông với người khác, đó chính là cốt lõi của cuộc đời”

Ngày nay rất nhiều người có xu hướng làm việc độc lập, cụ thể là các Freelancer và Youtuber. Dù rằng làm việc ở công ty vẫn chiếm ưu thế nhưng xu hướng tìm việc của những người trẻ trên thế giới đang hướng đến những công việc hoạt động độc lập. Tuy vậy, bạn không thể nào chỉ làm những công việc của mình mà không nghĩ đến người khác. Hợp tác luôn đi kèm với phát triển, đó là lý do trong độc lập vẫn cần có tương hỗ. Thông điệp này như một lời cảnh tỉnh trước suy nghĩ cá nhân của một số bạn trẻ thời hiện đại.

Tất cả những người sẽ xuất hiện trên tờ tiền giấy mới của Nhật Bản, bên cạnh là những danh nhân có đóng góp to lớn cho xã hội, còn là những người mang theo tư tưởng cấp tiến phù hợp với thời đại mới. Đây là những người sẽ góp phần định hướng suy nghĩ, cách sống của các bạn trẻ ngày nay, cùng định hình con đường phát triển tiến bộ, văn minh cho đất nước Nhật Bản.

 

Kengo Abe
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: