Arigata Meiwaku – Khi việc tốt trở thành gánh nặng “mang ơn”
“Đọc không khí”, kỹ năng mà bất kỳ ai sống ở Nhật, hay làm việc trong môi trường Nhật Bản đều cần có.
Đó là khả năng nhìn nhận, đánh giá tình huống từ đó đưa ra cách ứng xử phù hợp, đúng ý người khác kể cả khi họ không trực tiếp nói ra.
Tuy nhiên kỹ năng này không chỉ làm khó người nước ngoài mà cả người Nhật cũng gặp không ít trường hợp éo le vì không thể đọc được không khí. Cho dù bạn có tự hào bản thân là người kỹ tính, quan tâm người khác đến thế nào, điều đó không có nghĩa rằng ở Nhật, bạn không có vài hành động bị cho là vụng về và không hiểu chuyện.
Hãy cùng đọc câu chuyện của một thầy giáo ngoại quốc tại một trường học ở Nhật Bản, qua lời kể của thầy.
Đó là vào một ngày thi tại trường cấp 3 nơi tôi dạy học, và tất cả giáo viên bị cấm rời khỏi khuôn viên trường. Đây là quy tắc bắt buộc để tránh bị lộ đề thi ra bên ngoài cho các tổ chức, cá nhân khác.
Ảnh いらすとや
Trường có cung cấp dịch vụ giao Bento (cơm hộp) với giá 600 Yên. Kỳ thi bao gồm hai ngày, coi thi và chấm điểm. Để tiết kiệm, tôi quyết định mua một phần cho ngày thi và mang theo cơm nhà vào ngày chấm điểm, nhưng một giáo viên khác đã bí mật trả tiền cho phần Bento của tôi. Khi tôi lấy Bento và định trả tiền, người đó thông báo với tôi như vậy. Được thôi, cảm ơn nhiều.
Ngày chấm điểm
Trời đổ mưa khá to. Vào giờ cơm, tôi phát hiện đã quên cả ô lẫn cơm trưa định mang theo ở nhà. Ở Mỹ, khi mọi người đặt cơm bên ngoài, đôi khi sẽ có phần cơm dư do một số người đã đặt nhưng không dùng đến. Vì vậy có thể nhiều người sẽ hỏi “Có ai dư phần ăn không?”, câu trả lời rất có thể là “Không, mọi người có đủ hết rồi”. Và hết chuyện.
Còn đây là những gì sẽ xảy ra khi bạn chỉ đơn giản hỏi xem có dư phần ăn nào không khi ở Nhật.
Rắc rối kỳ lạ
Tôi hỏi người giám sát của mình “Hôm nay tôi không có Bento đúng không?”.
Cô ấy đứng dậy ngay lập tức và nói “Anh bảo tôi anh không cần Bento cơ mà”
“Tôi biết mà, tôi chỉ xác nhận lại thôi”
“Anh có muốn dùng Bento không?”
” Không không, tôi chỉ xem thôi. Tại vì tôi nhìn vào giấy đăng ký và không thấy tên mình nên hơi bối rối”.
“Nhưng anh bảo hôm nay không cần Bento cơ mà”
Để tôi giải thích đoạn này một chút. Đầu tiên, người Nhật có văn hoá đưa ra gợi ý cho tất cả mọi thứ. Khi tôi hỏi “Hôm nay tôi không có Bento đúng không?”, thay vì nghĩ rằng đó chỉ là câu hỏi xác nhận, họ mặc định ý của tôi là mong muốn một hộp Bento. Ngay cả khi sau đó tôi có bảo là chỉ muốn xác nhận lại thì điều đó chỉ càng ám chỉ thêm rằng tôi thật sự hy vọng có Bento mà thôi.
Khi tôi hỏi như vậy, tôi chỉ muốn chắc chắn rằng có vận may nào đó người đồng nghiệp tốt bụng trả tiền cho phần Bento của tôi đã trả tiền luôn cho phần cơm vào ngày chấm điểm mà tôi vốn không đặt không. Chỉ vậy thôi.
Thế nhưng thay vì trả lời “Không, anh không đặt Bento”, người giám sát trả lời bằng câu nói kinh điển của cô ấy “Anh chờ một lát”. Cô ta đi tới xác nhận lại với người chịu trách nhiệm đặt và phân phát Bento.
Cô này đến văn phòng trung tâm và quay lại với danh sách đặt cơm. Rõ ràng, như chúng ta ai cũng biết, tôi đặt cơm ngày 1 và không đặt cơm ngày 2.
Cuối cùng, cả hai thống nhất “Vậy là đúng rồi, anh không đặt cơm mà”.
“Tôi biết, được rồi, cảm ơn rất nhiều”
Nhưng câu chuyện chưa kết thúc…
Ảnh ガールズちゃんねる
“Nhưng có phần cơm dư đấy” – Cô ấy hỏi tôi có muốn dùng phần này không. Dĩ nhiên tôi bảo “có” vì tôi cũng chỉ nghĩ đơn giản thôi mà.
Nhưng cô ấy lại nói “Nhưng anh bảo muốn dùng cơm ở cửa hàng tiện lợi cơ mà” – cô ấy nói. Vâng, trước đó tôi có nói là nếu không có phần cơm dư tôi sẽ đi mua cơm ở cửa hàng tiện lợi.
“Tôi định thế, nhưng trời đang mưa, vì thế nếu có phần cơm dư, tôi sẽ dùng luôn”
“Anh chờ một chút”.
Người giám sát và cô thư ký văn phòng nhìn qua danh sách những người đặt cơm, sau đó đến nói điều gì đó với một giáo viên đang ngồi ở bàn gần đó. Giáo viên này đến chỗ tôi và mời tôi dùng hộp cơm mang từ nhà của anh ấy.
Người giám sát nói với tôi “Anh dùng cái này đi”
Tôi giật mình “Không không không, tôi không muốn ăn cơm của ai đâu. Nếu thế để tôi ra cửa hàng tiện lợi mua cơm”
Cả ba lại nói cái gì đó bằng tiếng Nhật, và họ lại nói với tôi “Chờ một chút”.
Cô ấy xem lại tờ danh sách lần thứ 3.
“Tôi rất xin lỗi, nhưng không có dư hộp cơm nào cả”.
“Không sao cả, tôi sẽ mua cơm ở cửa hàng tiện lợi mà”.
“Anh có đặt cơm không?”
“Không, tôi chỉ bối rối thôi. Vì hôm qua thầy Tanagawa trả tiền cơm cho tôi, tôi chỉ không biết là tôi đặt cơm của mình vào hôm qua hay hôm nay thôi mà”
“Ủa, thầy Tanagawa trả tiền cơm cho thầy sao”
“Vâng, ngày hôm qua”
…..
Tóm lại, tôi đi tới cửa hàng tiện lợi trong trường, mua một cái sandwich.
Khi trở lại trường, thầy Tanagawa rủ tôi ăn trưa cùng anh ấy.
“Anh không nên nói với những giáo viên khác tôi trả tiền cơm cho anh. Tôi sẽ gặp rắc rối đấy”
“Ồ, tôi xin lỗi, tôi không biết”
“Không sao, tôi rất xin lỗi đã khiến anh phải bối rối”
“Không, tôi có bối rối gì đâu. Tôi chỉ hỏi xem có phần cơm dư không thôi mà. Tôi rất biết ơn anh đã trả tiền cho tôi”
“Không không, đó là vinh hạnh của tôi. Tôi đã gây ra nhiều rắc rối cho các giáo viên khác, và cả anh nữa”.
Anh Tanagawa nói thêm
“Sao anh từ chối nhận cơm từ thầy ấy” – Anh liếc khéo về phía giáo viên đã mời tôi phần cơm anh ấy mang từ nhà.
“Tôi không muốn cướp phần ăn của anh ấy”
“Nhưng như vậy là thô lỗ đấy. Anh ấy là giáo viên cũ, tốt bụng và nhiều kinh nghiệm. Nếu anh từ chối, điều đó có phần xúc phạm. Anh không theo kịp câu chuyện, ĐÚNG KHÔNG”
Anh ấy nhấn mạnh câu cuối cùng. Tôi chả hiểu gì cả, đáp “Vâng, tôi không hiểu”.
“Chờ một lát” – Lại là cái câu kinh điển ấy.
Thầy Tanagawa đến gặp giáo viên kia sau đó quay lại “Thôi không sao, tôi đã bảo với anh ấy rằng anh không hiểu”.
Ảnh スケッチブックス
Arigata Meiwaku
Người Nhật xây dựng một mạng lưới các quy tắc ứng xử tử tế với người khác, điều đó thật tuyệt, bạn cảm thấy như được quan tâm. Nhưng đôi khi điều này lại quá sức. Người phương Tây như tôi ít muốn chịu ơn một ai, nhưng ở Nhật, sẽ thật thô lỗ nếu bạn từ chối lòng tốt từ người khác.
Cũng giống như trong một buổi Enkai, người Nhật có tục lệ rót đồ uống cho những người xung quanh. Đừng bao giờ từ chối nếu ai đó rót đồ uống cho bạn. Bạn phải hiểu rằng buổi tiệc uống này là một ẩn dụ cho hợp đồng xã hội ở Nhật Bản. Bạn đồng ý cho người khác mời uống, ngầm hiểu rằng bạn sẽ phải rót lại cho người đó. Những món quà, những sự giúp đỡ bạn nhận được kéo bạn vào mạng lưới xã hội chung, nơi mà mọi người cư xử hệt như nhau, có cho có nhận.
Thế nhưng đôi khi điều này đe doạ sự độc lập của bạn, khiến bạn bị mang ơn một cách bị động, như thể bị mắc bẫy vậy.
Khi bạn nhận một ân huệ, bạn sẽ cảm thấy vô cùng khó xử nếu lần sau người đó nhờ bạn giúp đỡ điều gì đó mà bạn có thể không muốn giúp hoặc không đủ khả năng giúp. Ở Nhật, bạn dễ dàng bắt gặp những hành động tốt bụng nhưng lại đi quá xa và bắt đầu khiến người được giúp đỡ cảm thấy lo lắng hơn là biết ơn. Hành động này được gọi là “Arigata meiwaku”, một sự tử tế không mong muốn, thường được thực hiện trước để nhờ vả ai đó về sau.
Sự tử tế của người Nhật đôi khi khiến bạn cảm động, nhưng trong vài trường hợp nó có thể gây cho bạn khá nhiều rắc rối. Đó là một biện pháp tâm lý khá hiệu quả đấy chứ, nhưng hãy biết “đọc không khí” một chút để tránh những rắc rối không đáng có nhé.
Tham khảo This Japanese Life
Sacchan