Bảo tàng đáng sợ, trưng bày da người thật nhằm tôn vinh vẻ đẹp hình xăm
Xăm là một trải nghiệm đau đớn. Chỉ vài hình xăm nhỏ thôi cũng khiến nhiều người mới phải e ngại. Vì thế để có được một bộ bodysuit hình xăm như các Yakuza Nhật Bản không những vừa đau lại còn vừa tốn tiền. Các nhà khoa học Nhật Bản cho rằng đó sẽ là một sự lãng phí nếu để chúng bị phân huỷ sau khi chủ nhân chết đi.
Tại Bảo tàng bệnh học Y khoa thuộc Đại học Tokyo có một bộ sưu tập những kiệt tác hình xăm trên da người thật. Rất nhiều trong số đó đã được hiến cho bảo tàng từ những người xăm toàn thân sau khi qua đời. Fukushi là một nhà bệnh lý học, người có đam mê với nghệ thuật xăm hình Nhật Bản từ năm 1926, chịu trách nhiệm chính trong việc bắt đầu bộ sưu tập kỳ lạ này.
Ông cũng chính là người lột lớp da có hình xăm trên xác người hiến và đưa vào quy trình bảo quản. Đam mê của Fukushi dành cho công việc nhiệt huyết đến nỗi ông sẵn sàng trả tiền cho một người xăm kín thân thể với điều kiện họ phải cống hiến làn da đầy tính nghệ thuật ấy cho ông sau khi chết. Hiện tại có khoảng 105 bộ da (không phải tất cả đều được xăm) trưng bày tại bảo tàng.
Fukushi sử dụng hai phương pháp bảo quản đó là bảo quản khô và bảo quản ướt. Bạn có thể bỏ qua phần này nếu thần kinh yếu.
Cơ thể người hiến sẽ được lột da, lọc sạch mô và dây thần kinh, sau đó kéo dãn ra và phơi khô. Phần da sau đó co lại, nhăn nheo, lúc này có thể sử dụng một số chất hoá học để phục hồi tại phần rìa của bộ da. Với phương pháp ướt, làm tương tự nhưng ngâm bộ da trong glycerin hoặc formalin alcohol.
Mặc dù đây là một chủ đề hấp dẫn đối với nhiều người, nhưng việc triển lãm công khai da người tất nhiên gây ra rất nhiều tranh cãi. Bảo tàng ở Tokyo không phải là nơi duy nhất trưng bày hình xăm trên da người. Điều này dẫn đến nhiều nghi ngờ về tính hợp pháp của các bộ da được trưng bày. Liệu chúng có đến từ xác của người tự nguyện hiến tặng, liệu quy trình có tuân thủ các bước, đảm bảo tính khoa học và nhân văn?
Nhưng tất nhiên vẫn có rất nhiều người đam mê với bộ môn nghệ thuật này và sẵn sàng hiến xác cho hoạt động trưng bày thay vì để làn da độc đáo ấy bị phân huỷ dưới nhiều lớp đất sau khi qua đời.
Tham khảo Tattoodo