Câu chuyện người phụ nữ 7 khuôn mặt – chạy trốn suốt 15 năm, suýt tí nữa thoát tội

Trong “Tiếng lòng chua chát của kẻ thất bại”, tác giả Sakai Junko đã đưa ra một phép ẩn dụ như sau

Ảnh アマゾン

負け犬生活を長く続けた人が結婚した時、幸福というよりは安堵の表情に包まれているのも、「これで長い逃亡生活が終わった」という福田和子的心情が湧き上がってくるからなのでしょう。

Khi một người phụ nữ đã sống cuộc đời thất bại của mình trong thời gian dài kết hôn, hơn cả hạnh phúc là cảm giác nhẹ nhõm. Cô cảm thấy thoải mái giống hệt như Fukuda Kazuko vì “Cuối cùng thì cuộc đời trốn chạy này cũng kết thúc”.

Ai là Fukuda Kazuko và phép ẩn dụ này có ý nghĩa gì?

Bắt đầu từ vụ sát hại của nữ tiếp viên tại Matsuyama (松山ホステス殺害事件)

Ảnh NAVER まとめ

Vào năm 1982, tại thành phố Matsuyama ở tỉnh Aichi, Fukuda Kazuko, một người vợ, người mẹ 31 tuổi làm công việc hostess (nhân viên nữ tiếp khách) tại một quán rượu địa phương đã siết cổ đồng nghiệp đến chết tại nhà riêng. Cảnh sát và các công tố viên cho rằng Fukuda giết hại nữ hostess kiếm được nhiều tiền nhất trong hộp đêm với ý định chiếm đoạt tài sản, nhằm trả khoản nợ 100,000 Yên mỗi tháng của y. Vụ sát hại được tính toán kỹ lưỡng và vô cùng tàn nhẫn. Cũng giống như những kẻ phạm tội khác, Fukuda không muốn vào tù. Thế nhưng lý do của cô ta lại có phần khá đặc biệt.

Nỗi ám ảnh từ nhà tù Matsuyama (松山刑務所事件)

Vụ án trên không phải lần vi phạm pháp luật đầu tiên của Fukuda Kazuko. Từ khi còn bé, tương lai của Fukuda đã không có gì sáng sủa, mẹ của cô sử dụng chính căn hộ nơi gia đình sinh sống để mở một nhà thố. Năm 18 tuổi (1966), Fukuda cùng người đàn ông sống cùng cô lập kế hoạch cướp nhà của chủ tịch Cơ quan thuế Nhật Bản. Họ bị bắt và Fukuda sau đó bị đưa vào nhà tù Matsuyama.

Ảnh Twitter

Đó thực sự là địa ngục chốn trần gian. Bọn gangster trả tiền cho cai ngục để thống trị nơi này. Chúng hút thuốc, uống rượu, đánh bạc, ngang nhiên đi lại trên hành lang, và thậm chí hãm hiếp các nữ tù nhân. Fukuda Kazuko cũng không phải ngoại lệ.

Vào những năm 60, một cuộc điều tra nhỏ về nhà tù này đã được thực hiện, nhưng không có cáo buộc nào được đưa ra. Mãi cho đến khi cuốn hồi ký của Fukuda được xuất bản, vụ việc mới gây được sự chú ý của công chúng và dư luận. Nhưng dù vậy, vào thời điểm đó, thời hiệu của bất kỳ loại tội phạm nào cũng đều đã hết.

Công cuộc trốn chạy (逃亡)

Mang theo nỗi ám ảnh quá lớn trong quá khứ, Fukuda bất chấp tất cả để tránh bị truy tố. Cô ta cùng chồng thủ tiêu cái xác, chuyển tất cả mọi đồ đạc của nạn nhân vào một căn hộ khác nhằm tạo hiện trường giả của một vụ đào tẩu đêm khuya (夜逃げ là thuật ngữ chỉ những vụ đào tẩu đêm khuya với mục đích trốn nợ). Được biết căn hộ được sử dụng là của một nhân tình, người không biết việc Fukuda đã có chồng và con.

Ảnh 大众点评

Tất nhiên việc này không che giấu được lâu. Một đêm, cảnh sát gọi điện đến nhà Fukuda để yêu cầu cô diện kiến thẩm vấn. Fukuda cầm chân các sĩ quan bằng cách chấp thuận, nhưng sau đó thu dọn hành lý, mang theo 600,000 Yên và trốn khỏi Matsuyama.

Chẳng lẽ định trốn chạy suốt đời sao? Thực tế, thời hạn khởi tố một vụ án ở Nhật thời đó chỉ có 15 năm, do đó Fukuda chỉ cần không để mình bại lộ trong khoảng thời gian ấy, cô ta sẽ thoát tội (Luật pháp hiện nay không quy định thời hạn truy tố cho tội mưu sát).

Từ đó, hành trình trốn chạy kéo dài 5475 ngày của Fukuda bắt đầu.

Người phụ nữ có 7 khuôn mặt (七つの顔を持つ女)

Ảnh YouTube

Fukuda là một người đàn bà xảo quyệt. Tất cả những bước đi của cô ta là sự cân bằng giữa những tính toán có chủ đích và các rủi ro có thể được lường trước. Trên chuyến tàu tốc hành đến Osaka, cô ta gọi điện về nhà và cho người tình cũ. Tất nhiên Fukuda biết rằng những cuộc gọi này sẽ được nghe lén, đó chỉ là âm mưu đánh lạc hướng điều tra mà thôi.

Đồng thời, Fukuda trải qua rất nhiều lần phẫu thuật thẩm mỹ để thay đổi khuôn mặt. Báo chí về sau gọi y là  七つの顔を持つ女 (người phụ nữ có 7 khuôn mặt).

Hành vi của Fukuda đa phần sắc sảo, nhưng cũng có lúc vô cùng sơ hở. Sau khi kết hôn với một người dân địa phương ở tỉnh Kanezawa, Fukuda liên lạc lại với đứa con trai ruột của mình, thuyết phục cậu đến sống với mình dưới thân phận cháu trai. Hai người diễn trò này được một thời gian cho đến khi bị họ hàng nghi ngờ và báo với cảnh sát. Thế nhưng Fukuda đã lường được điều này và nhanh chóng bỏ trốn đến Fukui.

Bị bắt (逮捕)

Cuối cùng, Fukuda bị bắt ở Fukui, chỉ vài ngày trước khi thời hiệu vụ án của y kết thúc. Fukuda bị chủ cửa hàng Oden nơi cô thường lui tới nhận diện, người này liên kết với cảnh sát để lấy được dấu vân tay của y trên một chai bia. Kết quả giám định cho thấy cùng một người. Sự việc chấm dứt quãng thời gian trốn chạy suốt gần 15 năm của y.

Ảnh 動画マニア

Sau đó, khi ở trong tù, Fukuda viết một cuốn sách kể về cuộc đời mình. Quyển hồi ký của Fukuda có tên “Thung lũng nước mắt”. Vào năm 2005, Fukuda qua đời trong tù, hưởng dương 57 tuổi.

Liệu con người này có cảm thấy nhẹ nhõm khi quãng thời gian trốn chạy, mưu toan, chịu đựng nỗi đau thể xác, dày vò tinh thần của mình kết thúc? Biết rằng mưu mô tính toán của con người là khôn lường, nhưng “người tính không bằng trời tính”, dưới lưới trời lồng lộng, mọi tội ác đều phải bị trừng phạt đích đáng.

Tham khảo: tổng hợp

Sacchan

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: