Tại sao không chỉ đàn ông mà phụ nữ Nhật cũng đồng tình việc phụ nữ nên bỏ việc, ở nhà sau khi lấy chồng
Khác với ở Việt Nam, sau khi lấy chồng, phụ nữ bên cạnh chăm con, quán xuyến việc nhà vẫn tiếp tục làm việc tại các văn phòng. Đa số phụ nữ Nhật Bản sau khi lấy chồng sẽ từ bỏ công việc đã từng làm, chỉ tập trung vào việc gia đình và chăm sóc con cái.
Nhiều người nhìn vào tình trạng này cho rằng đây là sự áp đặt, gia trưởng, tước đi quyền tự quyết định của phụ nữ trong xã hội. Nhiều quan niệm dựa vào điều này đánh giá rằng xã hội Nhật Bản trọng nam khinh nữ, phân biệt giới tính nặng nề.
Ảnh 東洋経済オンライン
Điều này cũng không phải không có phần đúng, nhưng không hoàn toàn chính xác. Muốn hiểu về một nền văn hoá, nên đặt bản thân vào góc nhìn của người trong cuộc để nhận xét.
Bởi vì việc bỏ việc sau khi kết hôn không hoàn toàn do người chồng quyết định mà rất nhiều phụ nữ Nhật Bản cũng tán thành.
Môi trường làm việc ở Nhật khá căng thẳng, tăng ca, làm ngoài giờ là chuyện bình thường, không phân biệt nam nhân viên hay nữ nhân viên. Một khi làm việc, bạn nên chú tâm vào công việc, đó là tiêu chuẩn xét tăng lương của người Nhật. Khi có gia đình và đặc biệt là khi có con, nếu phụ nữ vừa phải quán xuyến việc nhà, vừa phải đi làm, con đường thăng tiến trong công việc sẽ bị hạn chế mà chuyện gia đình cũng không thể đảm đương hết được. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao cả hai vợ chồng không chia sẻ việc nhà để cả hai cùng làm việc văn phòng? Trường hợp này không phải là không có, thế nhưng dù có chia sẻ việc nhà, nếu cả hai vợ chồng đều đi làm, họ sẽ không có đủ thời gian cho con cái và bắt buộc phải thuê người giữ trẻ. Một vài cặp vợ chồng cho rằng nếu làm thế sẽ không thể tiết kiệm được tiền và không thể bảo vệ nền tảng gia đình đúng cách.
Chưa kể, về mặt luật pháp, khi một người phụ nữ kết hôn, người đó sẽ trở thành người phụ thuộc và nhận được bảo hiểm chính phủ. Vì thế sau khi kết hôn, nhiều phụ nữ dù không có con cũng không tiếp tục đi làm nữa.
Do đó phụ nữ Nhật cũng hay bảo với nhau rằng hãy nắm lấy một người đàn ông nhiều tiền, nghỉ việc và cứ thế thư thái tận hưởng cuộc đời.
Rất nhiều phụ nữ sau khi nghỉ việc vẫn có thể nhận thêm việc làm ở nhà, nếu họ có thời gian và đam mê. Vì vậy không thể nói việc phụ nữ nghỉ việc ở nhà là phân biệt đối xử hay coi thường phụ nữ được.
Tuy vậy, sự phân biệt nam nữ không phải không xảy ra trong xã hội Nhật Bản, chỉ là không thể được đánh giá chỉ bằng việc phụ nữ thường bỏ việc và tập trung việc nhà sau khi kết hôn. Thậm chí người phụ nữ tuy không làm việc nhưng vẫn là người nắm giữ tài chính ở trong nhà và có tiếng nói trong gia đình.
Phân biệt đối xử nằm ở chỗ một số đàn ông coi thường và bạo hành vợ, một số người Nhật phản ứng tiêu cực với sự hoạt động của phụ nữ trong các ngành nghề mà họ nghĩ chỉ dành cho đàn ông (ví dụ: hoạt động chính trị), một số quyền lợi chỉ dành cho đàn ông, không dành cho phụ nữ.
Sacchan