Có một Nhật Bản đang dần thay đổi – khởi đầu bằng sự sụp đổ của khuôn mẫu lý tưởng về việc làm

Đã có thời Nhật Bản khốn đốn, nghèo khó sau chiến tranh. Thế nhưng bằng tốc độ phát triển kinh tế vượt bậc, Nhật vươn lên từ một quốc gia thua cuộc đến nền kinh tế thứ 3 thế giới. Để làm được điều này cần sự hỗ trợ rất lớn từ các doanh nghiệp kiểu Nhật. Cốt lõi thành công của các doanh nghiệp này nằm ở “Chế độ làm việc trọn đời”.

Chế độ này cũng phù hợp với cách suy nghĩ của người Nhật truyền thống. Sau khi tốt nghiệp đại học, họ sẽ lựa chọn làm việc tại một công ty cho đến lúc nghỉ hưu.

Bố của tôi làm việc trong một chợ cá, chưa từng đổi việc dù ông hoàn toàn có thể làm việc trong môi trường và đãi ngộ tốt hơn.

“Làm việc ở đâu là có ơn với nơi đấy. Vì thế con đường đúng đắn là gắn liền đến cuối cùng”

Vì thế cân nhắc việc sẽ làm việc ở đâu sau khi tốt nghiệp, đối với sinh viên Nhật Bản chính là quyết định cuộc đời. Một khi đã được nhận vào công ty nào đó phải công hiến hết mình, đem tất cả trí lực và thể lực trao cho công ty, trong quá trình làm việc từ từ thăng tiến, tích luỹ lương hưu để sau này an hưởng tuổi già. Đó chính là cuộc sống lý tưởng của người Nhật.

Thế nhưng đó chỉ là quan niệm xưa mà thôi. Thời đại ngày nay đã đổi khác rồi.

Ảnh http://news.livedoor.com/article/detail/16452977/

Chế độ làm việc trọn đời đã không còn phù hợp và dần trở nên lỗi thời.

Đây chính là nhận định của chủ tịch tập đoàn Toyota. Không riêng gì Toyota, rất nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng cùng chung phán đoán.

Nguyên nhân có nhận định này là do sự sụp đổ của tập đoàn chứng khoán Yamaichi.

Ảnh https://bizspa.jp/post-62239/

Yamaichi từng được liệt vào “tứ đại doanh nghiệp” hàng đầu Nhật Bản. Một khi đã được nhận vào đây là xem như đã lo chu toàn cho cuộc sống lúc về già. Thế nhưng vào năm 1997, doanh nghiệp tuyên bố phá sản trước sự sững sờ, thảng thốt của hàng ngàn nhân viên.

Ảnh https://www.huffingtonpost.jp/2017/12/27/yamaichi-bankrupt-20th_a_23317507/

Cứ tưởng tìm được công việc lương cao, ổn định, đúng với cuộc sống lý tưởng đáng mong đợi của nhiều người, vậy mà trong thời gian ngắn lại mất trắng, những nhân viên của Yamaichi phải chấp nhận làm việc ở các doanh nghiệp nhỏ với mức lương thấp hơn. Chưa kể, tại công ty mới, thâm niên làm việc của họ bị rút ngắn dẫn đến tiền lương hưu nhận được giảm đi đáng kể.

Ảnh https://www.huffingtonpost.jp/2017/12/27/yamaichi-bankrupt-20th_a_23317507/

Trước sự thất bại của doanh nghiệp, chủ tịch Yamaichi phát biểu trong nước mắt “Là lỗi của tôi, nhân viên không có lỗi gì cả”. Tuy vậy những lời này làm sao xoa dịu được nỗi đau của biết bao con người với những đam mê hoài bão giờ đây chẳng còn gì.

Kể từ sự việc này, niềm tin vào sự ổn định của người Nhật đã hoàn toàn sụp đổ. Vào được một doanh nghiệp lớn không có nghĩa là cuộc sống sẽ bình lặng trôi qua.

Ngày nay rất nhiều doanh nghiệp lớn cắt giảm nhân sự bằng cách cho về hưu sớm. Vào cuối năm nay, Toshiba đã cho 1060 nhân viên về hưu và sẽ tiếp tục nâng con số này lên 7800 người trong vòng 5 năm tiếp theo.

Về hưu trước 5 năm đồng nghĩa với việc phần tiền lương hưu tích luỹ trong 5 năm này sẽ biến mất.

Liệu có nên nhận tiền lương hưu rồi đi làm việc ở một nơi khác?

Đây chính là cách nghĩ mới của nhiều người Nhật hiện nay. Tuy vậy có rất ít trường hợp đi tìm việc sau 50 tuổi. Lý do vì với những nhân viên ưu tú, cho dù có nộp đơn xin về hưu sớm, công ty sẽ tìm mọi cách để giữ lại. Những người bị cho về hưu sớm thường là những người không có kỹ năng gì đặc biệt, do đó cũng khó để xin việc khác hơn.

Đây là thời đại mà tính cạnh tranh đang ngày càng gia tăng.

Chứng kiến tất cả những sự thay đổi đó, giới trẻ Nhật Bản ngày nay đã thay đổi suy nghĩ của mình. Họ nhận thấy rằng cho dù có trung thành cống hiến cho một công ty, khả năng cao họ vẫn sẽ bị phản bội.

Vì thế họ quyết định tìm kiếm một công việc phù hợp với mình, sẵn sàng nhảy việc khi cần thiết và đến già vẫn sẽ cố gắng làm việc, thay vì tận hưởng cuộc sống nhờ vào lương hưu. Những người trẻ nhận ra rằng “chế độ làm việc trọn đời” chỉ phản ánh sự trung thành với công ty chứ không phải là sự bảo đảm cho tương lai của họ.

Nhưng cũng không thể phủ nhận nhờ vào cách vận hành này mà Nhật Bản vượt qua suy thoái và có những bước tiến vượt bậc trong kinh tế.

Tuy vậy một niên hiệu mới cũng đã được quyết định, đã có rất nhiều sự thay đổi và Nhật Bản đang chứng kiến những bước chuyển mình trong hệ tư tưởng của người trẻ tuổi, những con người sẽ gánh tương lai của đất nước hoa Anh Đào.

Kengo Abe

[Tin tức] Doanh nghiệp Trung Quốc gạ gẫm, dụ dỗ nhằm tước đoạt trợ cấp sinh hoạt của người nghèo trong khu ổ chuột Nhật Bản

Nhật Bản kêu gọi các doanh nghiệp bật max điều hòa và mở cửa để đi xem Olympic 2020 cho nó mát

Tại sao doanh nghiệp Việt chưa lên đã chết, trong khi đó doanh nghiệp Nhật Bản lại có thể tồn tại trên 100 năm?

 

 

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: