Làm cách nào để ‘sống sót’ với hệ thống y tế lằng nhằng ở Nhật

Nhật Bản là một quốc gia tuyệt vời để sống, yên bình, trong lành và lịch sự. Đất nước này sẽ giúp làm tăng tuổi thọ của bạn bằng những dịch vụ với mức độ hài lòng cao và chế độ thực phẩm an toàn.

Tuy nhiên…. sẽ như thế nào nếu bạn bị ốm. Chưa kể đến việc không đủ vốn ngôn ngữ để giao tiếp với bác sĩ, hệ thống y tế của quốc gia này cũng vô cùng lằng nhằng và rắc rối với người nước ngoài, ngay cả khi có người hướng dẫn đi cùng.

Dưới đây là 1 số tia hy vọng sẽ có ích cho bạn.

Ảnh GaijinPot Blog

1. Đi khám ở đâu?

Có 2 nơi bạn có thể đến khi bị ốm đó là bệnh viện và phòng khám (thường không có bác sĩ gia đình ở Nhật). Với các trường hợp khẩn cấp hoặc bạn không biết chính xác bệnh tình của mình, bạn cần phải đến bệnh viện. Sau đó các bác sĩ sẽ giới thiệu cho bạn đến bệnh viện chuyên môn sau khi đã nắm tình hình hiện tại của bạn. Bạn cũng có thể tự tìm phòng khám khi đã rõ bệnh của mình.

Nói về phòng khám, đó là cơ sở y tế chuyên môn hoá, ví dụ phòng khám mắt, phòng khám tim mạch, thai sản,… Các phòng khám này thường được mở tư bởi các bác sĩ chuyên khoa có kinh nghiệm tại các bệnh viện.

2. Hệ thống bảo hiểm

Yên tâm là tất cả công dân Nhật Bản cũng như dân nhập cư có visa hơn 1 năm tại Nhật đều phải tham gia bảo hiểm y tế quốc gia hoặc bảo hiểm sức khoẻ nhân viên. Với loại bảo hiểm này, những người sống và làm việc ở Nhật được trả bảo hiểm 70% và giới hạn mức phải trả trong 30% còn lại.

Nếu bạn chuyển đến Nhật và được yêu cầu tham gia bảo hiểm, bạn cần hoàn tất mọi thủ tục trong vòng 2 tuần. Đầu tiên đăng ký bảo hiểm y tế quốc gia (Kokumin-Kenkō-Hoken 国民健康保険こくみんけんこうほけん) tại địa phương của bạn, sau đó bạn sẽ được nhận thẻ bảo hiểm. Hãy giữ thẻ này thật kỹ. Nếu bạn không đem theo thẻ bảo hiểm khi đi khám bệnh ở bệnh viện, bạn phải trả 100% hoá đơn khám bệnh. Tất nhiên bạn có thể yêu cầu trả lại sau nhưng rất tốn thời gian.

Ảnh 下野市

Bên cạnh đó, bảo hiểm sức khoẻ nhân viên (Kenkō-Hoken 健康保険けんこうほけん) dành cho những người đang làm việc tại Nhật được công ty trả một khoản tiền bảo hiểm khi đi khám bệnh (tuy nhiên không phải công ty nào cũng cung cấp bảo hiểm loại này, ví dụ những công ty quản lý nhân viên có số giờ làm việc dưới 30 giờ/tuần. Tuy nhiên đó là số giờ làm việc trên giấy tờ trong khi số giờ làm việc thực tế có thể hơn rất nhiều. Những nhân viên của các công ty như vậy phải tự tham gia bảo hiểm y tế quốc gia. Đây cũng là một cách để các công ty tư nhân cắt giảm chi phí).

Dù tham gia bảo hiểm loại nào, quyền lợi cũng khá tương tự nhau. Bạn được trả 70% hoá đơn khám bệnh, ngoài ra bạn cũng có thể tham gia một số bảo hiểm tư khác để chi trả cho 30% còn lại.

Ngoài ra, nếu bạn là khách du lịch đến Nhật, bạn chỉ cần có bảo hiểm du lịch. Loại bảo hiểm này ở mức phí mà ai cũng có thể lấy được nhằm củng cố sự an tâm cho bạn trong quá trình khám phá Nhật Bản.

3. Tuyệt đối nghe lời bác sĩ 

Ở Mỹ hoặc các quốc gia phương Tây, bệnh nhân được phép lựa chọn phương pháp điều trị thông qua tham khảo từ bác sĩ. Ở Nhật, đặc biệt tại bệnh viện, bác sĩ mới là người có quyền quyết định bạn được chữa trị theo cách nào, từ loại thuốc bạn cần uống đến những thực phẩm bạn được phép ăn.

Ảnh The Japan Times

Một người nước ngoài chia sẻ về trải nghiệm ở bệnh viện của cô khi bị gãy tay, cuối cùng người này phải yêu cầu xuất viện sớm vì cảm thấy khó chịu với cách điều trị ở đó. Bác sĩ không cho phép cô tắm, thức ăn của cô đều phải được cân trước khi dùng, và cô bị mắng vì không ăn hết thức ăn. Cô không được thông báo về tình trạng của mình. Khi bác sĩ yêu cầu cô phải ở lại bệnh viện khoảng 2 tuần, thời gian khá dài cho vết thương bình phục, cô đã từ chối và yêu cầu được về nhà.

Thực tế nhiều bệnh viện muốn bệnh nhân ở lại lâu hơn vì điều này có nghĩa là tiền bảo hiểm sẽ được trả nhiều hơn.

Tình hình ở các phòng khám cũng không khá hơn. Thẩm quyền của các bác sĩ ở đây bị thổi phồng quá mức. Ví dụ một bác sĩ chuyên sản sẽ khuyên bà bầu nên “giảm cân” trong suốt quá trình mang thai. Có bác sĩ thậm chí từ chối khám cho các bà mẹ tương lai nếu họ không đạt số cân nặng mà bác sĩ quy định.  Điều này đã khiến cho Nhật Bản trở thành quốc gia phát triển duy nhất có số cân nặng của các bà mẹ thấp. Tuy nhiên tin xấu là nếu trọng lượng người mẹ giảm, trọng lượng đứa trẻ sinh ra cũng giảm theo. Đây là nguyên nhân gây ra rất nhiều bệnh cho những đứa trẻ khi chúng lớn lên.

4. Ngôn ngữ không phải rào cản duy nhất

Ảnh GaijinPot Blog

Dù bạn là người nước ngoài hay người Nhật, khả năng cao bạn sẽ bị hạn chế về mặt giao tiếp khi làm việc với bác sĩ. Một số bác sĩ ở bệnh viện yêu cầu bạn sử dụng một số các thiết bị y tế mà không báo trước chức năng và mục đích của nó.

Ngoài ra còn rất nhiều vấn đề khác liên quan đến giấy tờ khi khám bệnh cho người ngoại quốc. Trước khi phẫu thuật chân, một người Canada cần thông báo cho bệnh viện về hộ tịch (koseki 戸籍こせき) trong trường hợp có chuyện xấu xảy ra. Vấn đề nằm ở chỗ khi ở Canada anh không đăng ký giấy tờ này. Những người điều hành bệnh viện không hiểu được sự khác biệt hệ thống và không ngừng lặp lại yêu cầu, trong khi anh chàng Canada đã giải thích rằng anh không thể cung cấp thông tin mà nó vốn không tồn tại. Cuối cùng cuộc phẫu thuật bị hoãn 1 ngày.

Ngoài ra thái độ với bệnh nhân cũng là một vấn đề.

Ở Nhật, việc bác sĩ không thông báo với bệnh nhân về việc họ chỉ còn một ít thời gian để sống là chuyện bình thường. Điều này dựa trên quan điểm là để bệnh nhân có thể tiếp tục sống mà không bị ám ảnh về cái chết. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ thông báo cho gia đình bệnh nhân nhưng không cho bệnh nhân biết.

Điều đó thật ra khá đáng sợ …

5. Lưu ý về giờ làm việc

Dịch vụ y tế ở Nhật không có sẵn 24 giờ/365 ngày. Nhiều bệnh viện không làm việc vào thứ 7 chủ nhật và ngày lễ.

4 lưu ý khi đi đến các phòng khám ở Nhật.

  1. Kiểm tra ngày giờ làm việc qua điện thoại. Cho dù nhiều phòng khám có địa chỉ e-mail, ít khi họ trả lời qua e-mail.
  2. Kiểm tra xem phòng khám có yêu cầu đặt lịch hẹn trước không.
  3. Đem theo thẻ bảo hiểm nếu có.
  4. Chuẩn bị tiền mặt. Nhiều phòng khám ở Nhật không chấp nhận thẻ credit. Nếu bạn không biết nên mang theo bao nhiêu, hãy gọi đến phòng khám để hỏi trước. Nếu phòng khám lớn hoặc bệnh viện sẽ luôn có ATM.

★Thẻ bảo hiểm  (保険証  ほけんしょう hokensyo): thẻ bảo hiểm được đăng ký theo bảo hiểm y tế quốc gia. Bạn có thể sử dụng thẻ này ở hầu hết các phòng khám và bệnh viện ở Nhật

★Phiếu đăng ký khám bệnh (診察券  しんさつけん shinsatsuken) : phiếu được phát bởi phòng khám tư, chỉ có giá trị ở phòng khám đó.

Tham khảo JapanhealthinfoBlog.gaijinpot

Sacchan

Bên trong khu phố đèn đỏ có một bệnh viện, nhiệm vụ của bệnh viện là...

Giật mình với siêu bệnh viện “Đẻ sẽ không đau” ở Nhật

Ngành điều dưỡng thiếu nhân lực, Robot y tế ra đời

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: