Ai nằm dưới phần mộ hình ổ khoá lớn nhất thế giới? Con đường gian nan để trở thành Di sản văn hoá thế giới

Trong suốt quá trình phát triển, người đứng đầu cường quốc đã xây dựng những ngôi mộ thật hoành tráng để phô trương sức mạnh quốc gia. Các Kim tự tháp khổng lồ chính là nơi an nghỉ của Pha-ra-ông- vua Ai Cập. Nhiều người cho rằng Kim tự tháp là phần mộ lớn nhất thế giới nhưng hoá ra không phải vậy.

Xét về mặt diện tích, ngôi mộ lớn nhất thế giới nằm ở Nhật Bản gồm 460,000㎡, chiều cao 34m, chiều dài lớn nhất 840m.

Để ước lượng được độ khổng lồ của ngôi mộ này hãy so sánh với Kim tự tháp của Pha-ra-ông Khufu diện tích 53,000㎡, có nghĩa là gấp 9 lần kim tự tháp này. Ngoài ra ngôi mộ ở Nhật gấp 3 lần diện tích Mộ phần hoàng đế đầu tiên của thời nhà Tần (diện tích 122,500㎡).

Ảnh https://www.asagei.com/excerpt/127535

Hãy nhìn vào sự tương phản của ngôi mộ với những ngôi nhà vây xung quanh. Ngay cả những toà cao ốc trông cũng thật bé nhỏ trước sự vĩ đại này.

Mộ phần là nơi an nghỉ cuối cùng của 仁徳天皇 (Thiên hoàng Nintoku). Với kỹ thuật thời đó, công trình mất 15 năm để hoàn thành với nhân lực khoảng 3000 người. Đây là vị Thiên hoàng thứ 16, tổ tiên của Tân Thiên hoàng bệ hạ.

Xoay quanh ngôi mộ có rất nhiều bí ẩn mà đến ngày nay vẫn chưa thể xác minh tuy nhiên đã có những câu chuyện trở nên nổi tiếng.

Một lần Thiên hoàng nhìn về hướng nhà của người dân. Thời ấy mọi người nấu ăn bằng củi, thế nhưng vào giờ ăn trong nhà lại không có khói bay lên. Hỏi ra mới biết do năm ấy mất mùa, dân chịu đói khổ, chẳng còn gì ăn. Ngay lập tức, Thiên hoàng ra lệnh ngừng đóng thuế nông nghiệp, tập trung lúa gạo cứu đói cho dân.

Thông tin về vị Thiên Hoàng này chỉ được truyền lại qua văn tự được ghi chép bởi quan trong triều, do đó về tính xác thực vẫn chưa được đảm bảo. Nhưng nhìn chung Thiên hoàng Nintoku rất được lòng dân vì lối sống giản dị. Ngoài ra những tài liệu khác về vị vua này rất hiếm vì bị cấm công bố. Nguyên nhân vì không muốn làm mất đi giấc ngủ nghìn thu của vị vua.

Tháng 6 năm 2019, ngôi mộ Thiên hoàng Nintoku sẽ được đăng ký trở thành Di sản văn hoá thế giới Unesco, tuy nhiên vẫn còn vấp phải một vấn đề.

Liệu phần mộ này có thực sự là nơi an nghỉ cuối cùng của Thiên hoàng Nintoku như chúng ta từng biết?

Trước khi xác minh được người nằm trong quan tài là ai, toàn bộ khu di tích sẽ rất khó chọn được tên chính xác để đăng ký. Ngoài ra thời gian xây dựng phần mộ này có phải thuộc thời đại của Thiên hoàng Nintoku cũng cần được chứng thực. Cũng có khả năng đây là mộ phần thân sinh của Thiên hoàng, hoặc là của con cháu đời sau.

Phần mộ toạ lạc tại thành phố Sakai, Osaka. Người dân địa phương gọi nơi đó là “Oryou-san” (lăng mộ của người thuộc hoàng tộc).

Thay vì đào xới quá khứ để xác minh nguồn gốc khu di tích, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ nghìn thu của người nằm bên dưới (dù là ai cũng là người thuộc về hoàng tộc, có công với đất nước), sao không đơn giản đăng ký khu di tích này với cái tên”Oryou-san” như cách gọi của dân địa phương?

 

 

Kengo Abe
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: