Câu chuyện về vị giáo sư “nô lệ” và phát minh ‘thắp sáng thế kỷ 21’ nhen nhóm từ bóng đen tuyệt vọng
Ngày nay, ứng dụng của đèn LED vô cùng đa dạng, từ TV màn hình phẳng, smartphone đến đồng hồ đeo tay.
Một số các vật dụng gia đình cũng chuyển từ đèn huỳnh quang sang đèn LED, vì loại đèn này áp đảo về độ bền.
Thế nhưng con đường tìm ra đèn LED lại nhuốm một màu buồn bã, có liên quan đến các vấn đề xoay quanh doanh nghiệp và công trình nghiên cứu ở Nhật Bản.
Sở dĩ có được đèn LED sử dụng ngày nay là nhờ phát minh đèn LED màu xanh được tìm ra bởi giáo sư Shuji Nakamura vào năm 1994.
Ảnh https://curazy.com/archives/40714
Các nhà khoa học sớm nhận ra những công dụng ưu việt của đèn LED. Tuy nhiên “các diode xanh lá và đỏ đã xuất hiện từ khá lâu nhưng vì không có ánh sáng xanh nên không thể tạo ra các bóng đèn trắng. Bất kể các nỗ lực trong cả cộng đồng khoa học và ngành công nghiệp, bóng LED xanh vẫn là một thách thức trong ba thập kỷ” – theo Viện hàn lâm Khoa học của Thụy Điển giải thích. Các nghiên cứu tạo ra diode xanh dương đã được các nhà khoa học trên thế giới thực hiện từ năm 1960.
“Nếu có thể tạo ra màu xanh, chúng ta có thể tạo ra tất cả các màu. Thế giới này sẽ thay đổi”
Các nhà khoa học ôm theo giấc mộng lớn này, cố công nghiên cứu. Một trong số đó là giáo sư Akasaki của đại học Meijo, ông bắt đầu nghiên cứu từ khoảng năm 1970.
Thế nhưng công việc này vô cùng khó khăn và đầy thách thức, trên toàn thế giới, có rất nhiều người đã phải chán nản bỏ cuộc. Thế nhưng giáo sư Akasaki và nhóm nghiên cứu của giáo sư Amano thuộc đại học Nagoya đã không nản chí, cuối cùng tạo ra diode phát ánh sáng xanh dương đầu tiên.
Tuy nhiên phát minh này bị xem là tối hơn đèn màu đỏ và xanh dương do đó không thể được ứng dụng trong thực tiễn. Sau đó, vào năm 1994, giáo sư Nakamura tiếp nối công trình của hai vị tiền nhiệm, tạo ra ánh sáng xanh dương sáng hơn gấp 100 lần, chính thức đặt bước đi đầu tiên cho giấc mộng thay đổi thế giới.
Thế nhưng ngay lúc này lại xảy ra vấn đề phát sinh giữa Nakamura và Tập đoàn Nichia, nơi ông làm việc. Thông thường, nếu các nhà nghiên cứu được cung cấp chi phí và trả lương cho thực hiện nghiên cứu thì phát minh sẽ thuộc sở hữu của công ty, đồng thời mọi lợi nhuận phát sinh từ nghiên cứu đều do công ty hưởng lợi. Thế nhưng nếu không có nhà nghiên cứu làm gì có phát minh nào được ra đời?
Tuy vậy, các công ty Nhật Bản trong quá khứ lại đưa ra rất ít lợi ích dành cho nhà nghiên cứu, kể cả khi phát minh của bạn có thay đổi thế giới. Những tưởng sở hữu công trình nghiên cứu vĩ đại có thể khiến nhà nghiên cứu kiếm được rất nhiều tiền, nhưng tất cả lợi nhuận đều rơi vào túi công ty quản lý.
Giáo sư Nakamura chỉ nhận lại được từ công ty 20,000 Yên.
Một đồng nghiệp người Mỹ của giáo sư vì cảm thấy quá bất công cho người bạn của mình cũng phải lên tiếng “Anh là nô lệ của công ty này à?”, ngay cả khi những nghiên cứu của giáo sư không hề dễ dàng và tốn rất nhiều thời gian, đãi ngộ của công ty dành cho một nhân tài như vậy là vô cùng đáng thất vọng.
Trước vấn đề này, giáo sư Nakamura quyết định đệ đơn kiện và yêu cầu khoản tiền 20,000,000,000 Yên từ phía tập đoàn Nichia.
Theo phiên toà xét xử đầu tiên, giáo sư Nakamura nhận được khoản tiền yêu cầu của mình thêm vào đó là 843,910,000 Yên tiền hoà giải từ tập đoàn Nichia. Thế nhưng ước tính lợi nhuận công ty thu được từ phát minh của giáo sư là 60,000,000,000 Yên, do đó khoản tiền bồi thường này vẫn còn quá ít.
Hiện tại giáo sư Nakamura đang là giảng viên của một trường đại học ở Mỹ.
2 năm liền, giáo sư Nakamura nghiên cứu không mệt mỏi, thậm chí quên cả việc ngủ, liên tục lặp lại các thí nghiệm trong những điều kiện khác nhau. Ước tính ông đã thực hiện thí nghiệm khoảng 1500 lần trước khi phát minh “thắp sáng thế kỷ 21” được ra đời.
Cuối cùng vào năm 2014, tất cả những nỗ lực đã được thế giới công nhận khi Nakamura cùng với 2 vị giáo sư khác của Nhật Bản nhận được giải thưởng Nobel cho phát minh của mình.
Đây không phải là lần đầu tiên vấn đề đãi ngộ nhân tài của Nhật Bản bị lên án. Cha đẻ của thẻ SSD, Fujio Masuoka cũng từng bị xem là “người phát minh ra bộ nhớ nhưng lại bị lãng quên” vì chế độ tệ bạc của Toshiba.
Nhật Bản là quốc gia có rất nhiều trí tuệ vượt bậc, có công rất lớn trong việc nghiên cứu và cho ra đời rất nhiều phát minh làm thay đổi thế giới, từ mì ăn liền, Karaoke đến thẻ nhớ SSD, đèn LED màu xanh,… Thế nhưng để hạn chế tình trạng chảy máu chất xám như trên, các công ty Nhật Bản nên xem xét lại chế độ đãi ngộ của mình. Trước khi theo đuổi lợi nhuận, xây dựng chữ tín và niềm tin, đặc biệt với chính những nhân viên trong công ty mới là yếu tố then chốt của thành công.
Kengo Abe