Tiếng lòng của một nữ sinh ở lại lớp – Mặt trái của học đường Nhật Bản và xã hội thiếu đi sự khoan dung

Sinh năm 2002, mùa xuân năm 2018, cô bé vào bậc trung học như bao bạn bè khác. Cô bé có nhiều bạn bè và rất năng nổ trong công tác trường lớp.

Ảnh https://grapee.jp/706142

Thế nhưng không may, em bị chẩn đoán mắc bệnh và buộc phải nhập viện. Cô bé nhiều lần xuất viện và quyết tâm quay lại trường học, vì em rất yêu trường lớp và bạn bè của mình.

Trời không chiều lòng người, bệnh tình của cô bé chuyển nặng, đến khoảng tháng 9, em phải điều trị lâu dài trong bệnh viện và không được phép đi học nữa.

Bằng nghị lực mạnh mẽ của mình, cô bé vượt qua được bệnh tật và quay lại trường vào giữa tháng 11.

Bạn bè vẫn chờ đợi em và rất vui vì em trở lại. Tuy nhiên cô bé không được lên lớp vì không tham gia đủ số tiết quy định. Theo chỉ thị của nhà trường, em phải học năm 1 thêm một năm nữa.

Từ đó, những tin đồn kỳ lạ về em bắt đầu bị lan truyền.

“Hình như con bé bị bắt nạt nên nghỉ học”

“Có phải vì theo không kịp chương trình không?”

Những tin đồn càng ngày càng quá đáng. Cuối cùng, cô bé quyết định học lại ở một ngôi trường khác.

Mùa xuân năm 2019, cô bé thi đậu kỳ thi đầu vào và lên năm 2. Tất cả các bạn cùng lớp đều nhỏ tuổi hơn, điều đó thật sự rất khó khăn với cô bé. Thế nhưng em đã rất cố gắng kết bạn và cố gắng làm tốt các hoạt động của trường.

Vậy mà những tin đồn thất thiệt vẫn không dừng lại.

“Nó phạm tội nên bị đuổi đấy”

“Vì mang thai nên phải nghỉ ở nhà”

“Chắc là bị bắt nạt nên nghỉ”.

Phần lớn các bạn bè của cô bé bắt đầu bị lung lay theo các tin đồn từ trên trời rơi xuống.

Và từ đấy, sự bắt nạt chính thức bắt đầu.

Dép đi trên lớp của em bị ném vào thùng rác, trên bàn đầy những vết khắc thành các từ ngữ xúc phạm, hàng tá tin nhắn đe doạ gửi tới điện thoại của cô bé hằng ngày. Mỗi ngày đi học đối với em như cực hình, em chỉ muốn chết đi.

Không riêng gì trường hợp của cô bé, rất nhiều người khác ở Nhật đã từng thất bại, chậm trễ hơn người khác sẽ bị đối xử rất khắc nghiệt, đó là thực tế đồng thời là mặt trái của xã hội Nhật. Dù có khó khăn như thế nào, đó là con đường bản thân đã chọn, họ không còn cách nào khác là cố gắng, chịu trách nhiệm với quyết định của mình, quyết tâm không bỏ cuộc. Cô bé vẫn hằng ngày nỗ lực, vượt qua những định kiến tai bay vạ gió để lên năm 3, dù biết rằng con đường trước mặt không hề dễ dàng.

Hãy nhớ rằng cuộc sống rất khắc nghiệt cũng rất thiếu công bằng, Có người đủ may mắn và bản lĩnh để vượt qua, nhưng có những người bị bỏ lại. Thế nhưng ai cũng có quyền làm lại từ đầu, chúng ta không có quyền phán xét một ai cả khi không ở trong cùng hoàn cảnh với họ. Trong trường hợp của cô bé trong câu chuyện trên, là bệnh tật đã chọn em, nhưng em đã chọn quay lại trường để tiếp tục học đến khi tốt nghiệp. Vậy thì những người may mắn hơn em kia có quyền gì mà phán xét, đối xử với em như vậy?

Người Việt Nam có câu nói “Đánh người chạy đi không ai đánh kẻ chạy lại”, nhưng ở Nhật, một khi ai đó bị rớt lại một bậc, những người khác sẽ dìm họ đến tận cùng. Liệu rằng chúng ta đang dần mất đi sự khoan dung và thông cảm trong cái xã hội quá nhẫn tâm này.

Kengo Abe

Bất ngờ: Hơn 180,000 học sinh Nhật bỏ học năm 2016-  Bắt nạt không phải là nguyên nhân chính, vậy thì do đâu?

Thí nghiệm cho thấy cây cũng có cảm xúc, lời cảnh tỉnh về vấn nạn bắt nạt tại Nhật Bản

Cuộc thi sắc đẹp trường học – mảnh đất phát triển màu mỡ hay ngòi nổ cho nạn bắt nạt học đường?

 

 

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: