Khái niệm “ngược ngạo” về phương hướng làm hoang mang người học tiếng Nhật

Khái niệm phương hướng tuy có những quy định quốc tế nhất định, nhưng cũng có những ngoại lệ lưu truyền từ xa xưa xuất phát từ cảm giác. Giống như tiếng Nhật, khi học từ vỡ lòng, giáo viên sẽ dạy rằng これ(kore) là chỉ vật  gần mình, せれ (sore) là chỉ vật xa mình, gần người kia, あれ (are) chỉ vật xa cả hai người.

Tuy nhiên, học lâu dần mới biết ý nghĩa và cách dùng của nó không đơn giản như vậy. Và trong – ngoài hay trên – dưới cũng vậy. Cùng tìm hiểu những sự khác biệt lạ lùng của người Nhật về khái niệm phương hướng nhé!

Trong – ngoài (内と外)

Ở Nhật, khi bạn nói đến khái niệm trong ngoài, hơn cả nghĩa đen về phương hướng, người ta sẽ hiểu theo ý nghĩa người trong nhà và người ngoài hay rộng hơn là người Nhật và người nước ngoài (外国人).

Khái niệm người ngoài trong tâm trí người Nhật rất nặng nề, nhất là những thế hệ trước. Một khi đã là người nước ngoài, dù có lấy được Visa vĩnh trú hoặc kết hôn với người Nhật thì mãi mãi bạn vẫn không trở thành người Nhật được. Chắc chắn là có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự không công nhận này.

Một trong số đó là do lối sống văn hoá khác nhưng qua thời gian có thể thay đổi cho phù hợp nhưng cái đã ăn sâu vào gốc rễ đó chính là cách suy nghĩ hay 価値観(Kachikan – giá trị quan) thì mãi mãi không thể 100% là người Nhật được.

Cho đến nay, dù đã bước sang thời đại hội nhập toàn cầu hoá, nhưng nỗi “ám ảnh” phân biệt người nước ngoài vẫn còn tồn tại đâu đó trong lòng nước Nhật.

Trên – dưới (上と下)

Xét về nghĩa đen, người Nhật có một suy nghĩ rất khác thế giới về khái niệm này.

Đó là 上り(Nobori) và 下り (Kudari) dịch nôm na là đi lên và đi xuống. Nếu trong tiếng Việt, “lên” là động từ chỉ việc từ nơi thấp đến nơi cao và “xuống” là ngược lại như lên rừng xuống biển thì ở Nhật, bạn thường xuyên nghe cụm từ tàu lên và tàu xuống khi tham gia các phương tiện đường sắt.

「○番線、ご注意ください、上り京浜東北線到着します。○番線ご注意ください、下り京浜東北線出発で~す。」

“Đường ray … xin chú ý! Tàu lên từ tuyến Keihin Tohoku đã vào ga. Đường ray … xin chú ý! Tàu xuống từ tuyến Keihin Tohoku đã vào ga.”

Tàu lên chỉ những ga hướng về phía trung tâm mà ga Tokyo là ga trọng yếu nhất. Tàu xuống là những tàu đi hướng ngược lại. Trong suy nghĩ của người Nhật kể từ thời đại Meiji, sau khi thủ đô được dời từ Kyoto thành Tokyo thì ga Tokyo luôn là ga nằm ở vị trí cao nhất.

Thậm chí còn có âm thanh riêng để phân biệt hướng tàu lên và xuống như ở ga tàu thành phố緑園都市(Ryokuen toshi).

 

Nghe thử âm thanh ở Link sau nhé.

http://www.sotetsu.co.jp/train/info/338.html

Vậy câu hỏi cho bạn: Trong tuyến Yama no Te – tuyến vòng tròn xanh lá cây đi các quận trung tâm Tokyo thì hướng nào là đi lên, hướng nào là đi xuống?

 

 

Câu trả lời là không có khái niệm đó trong vòng tròn Yama no te mặc dù nó vẫn chạy qua ga Tokyo. Bởi vì tuyến này có hình tròn nên lúc nào cũng sẽ đi vòng quanh như vậy chứ không nhất thiết là một đường thẳng, nên để xác định tàu lên tàu xuống chắc chỉ có làm rối câu chuyện hơn thôi. Nên ở đây, người ta dùng khái niệm 内回り(Uchi mawari) và外回り (Soto mawari) cho trường hợp đặc biệt này.

Thỉnh thoảng, thay vì Nobori hay Kudari, bạn có thể bắt gặp từ 方面 (Houmen – hướng) thay thế. Nhất là ở vùng Kansai. Một phần cũng là vì tàu lên và tàu xuống quá thiên về cảm giác hơn là “houmen”.

Nếu hiểu theo nghĩa bóng, trên – dưới còn chỉ mối quan hệ ông, bà, cha, mẹ – con, cháu hay anh-em trong gia đình giống như Việt Nam. Ngoài ra, còn một mối quan hệ vô cùng phức tạp và khắc khe trong xã hội Nhật đó là Kouhai – Sempai hay gọi là Đàn anh – Đàn em. Người Nhật vô cùng coi trọng mối quan hệ này, từ lúc ngồi trên ghế nhà trường cho đến lúc đi làm. Hễ ai giữ vững và cư xử thành thục trong mối quan hệ đó đều có cơ hội tiến xa.

 

Đông – Tây – Nam – Bắc

Hướng nhà là điều kiện rất quan trọng tác động đến việc chọn phòng hoặc mua nhà của người Nhật.

Hướng Nam (南向き) là hướng nhà lý tưởng mà tất cả người Nhật đều mong muốn. Nguyên nhân đây là hướng hứng nhiều ánh sáng mặt trời trung hoà và tốt nhất. Mùa đông, hướng Nam sẽ thu được ánh sáng dài nhất trong một ngày, nên có thể làm ấm căn phòng.

Sau đó là hướng Đông, Bắc và Tây. Đặc biệt, 西向き(hướng Tây) là hướng người Nhật luôn muốn tránh, vì buổi chiều, ánh nắng mặt trời chiếu trực diện vào, rất gay gắt và khó chịu. Còn hướng Đông thì lượng ánh sáng quá nhiều. Hướng Bắc thì ngược với Nam nên ngôi nhà sẽ thiếu ánh sáng.

Các bạn đã có thêm nhiều kiến thức hay ho chưa. Phân biệt phương hướng đã là chuyện không dễ rồi, gặp phải người Nhật “ngược ngạo ”  như vậy nữa chứ. Rắc rối thật nhưng cũng thú vị phải không các bạn?

 

 

Chee
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: