Đục khoét tuổi thơ: Khi tên người hùng của bạn trong Naruto Shippuden không hề “ngầu” như bạn vẫn nghĩ ?

Nếu là một fan của bộ Manga/Anime huyền thoại Naruto, bạn sẽ không thể không một lần “rung động” trước nhân vật Uchiha Itachi. Không chỉ thu hút người xem bởi vẻ ngoài điềm tĩnh, trí óc nhạy bén của một thiên tài, cả cuộc đời Itachi là chuỗi ngày sống dưới lớp vỏ của tên gián điệp hai mang. Vì lợi ích của đất nước mà hy sinh gia tộc. Bảo vệ em trai một cách thầm lặng nhưng cuối cùng lại ra đi ngay dưới tay người em ấy.

Tự hỏi đã bao giờ Itachi sống cuộc đời dành cho chính mình chưa?

Ảnh: aminoapps.com

Thế nhưng, chủ đề bài viết không chỉ dừng ở việc “kể khổ” về cuộc đời của Uchiha Itachi. Mà chỉ để mượn anh, nói về một nhân vật khác.

Bạn có biết Itachi trong tiếng Nhật, có nghĩa là gì?

Nó là tên một loài động vật nhỏ sống trong rừng, tinh ranh và nhanh thoăn thoắt. Vâng, đó là loài chồn, có Kanji là 鼬 (Itachi – Dứu).

Ảnh: irasutoya.com

Cũng giống như Uchiha Itachi, tác giả Masashi Kishimoto (cha đẻ bộ Manga Naruto) có thói quen đặt tên cho các nhân vật của mình tương ứng với tên một loài động vật.

Ví dụ:

+ Shikamaru Nara: một nhà chiến lược tài ba giống với cha của mình. Trong đó, Shika là hươu, và đó cũng là linh vật của dòng họ Nara.

+ Orochimaru : Orochi là con rắn lớn

+ Choji: trong Chouchou – nghĩa là bươm bướm

Cùng được người Nhật tôn thờ như cáo (thần Inari), lửng chó ( Tanuki – con vật biến hình bằng chiếc lá trên đầu), chồn Itachi cũng là một trong những loài xuất hiện trong truyền thuyết Nhật Bản từ xa xưa. Itachi, thường được thấy dưới hình dáng bộ ba con chồn, một con mang lưỡi hái, con thứ hai dùng móng vuốt và con thứ ba sẽ chữa lành vết thương bằng chiếc bình mang trên lưng.

Bộ ba được gọi là Kamaitachi (鎌鼬) hay chồn liềm, vì 鎌(Kama) là lưỡi liềm nên ngay tên gọi, bạn đã biết ai là Leader của bộ ba này rồi phải không?

Ảnh: kanamemio.d.dooo.jp

Theo lời kể, chúng thường xuất hiện ở vùng núi tỉnh Yamanashi, Niigata và Nagano. Lướt đi như một cơn gió cùng tiếng hú rợn người, bộ lông sắc như lông nhím, móng vuốt bén như thép và lưỡi hái “ngọt”như chém bùn… Tất cả diễn ra nhanh đến nỗi làm nạn nhân không hề cảm thấy đau và vết thương chẳng kịp rỉ máu.

Kể về nguồn gốc của Kamaitachi thì có rất nhiều biến thể, có thông tin nói rằng Kamaitachi “sinh” ra nhờ cách ghép chữ Kamae tachi (構え太刀), một loại kiếm Nhật cực bén và nhẹ. Thời xưa, để lý giải cho hiện tượng người dân bị ngã và xuất hiện vết thương ở bắp chân, người ta tạo ra nhân vật chồn liềm – Kamaitachi.

Cũng có một số nơi khác cho rằng, nó chỉ là những cơn lốc trông như những chú chồn. Do áp suất thấp của lốc xoáy khiến cho con người bị thương ở tay và chân, những vết lằn đỏ sau đó giống như hiện tượng lúc một con chồn chém xong thì con còn lại xoa thuốc lên vết thương, vì thế không hề gây cảm giác đau đớn.

Một câu chuyện được cho là có thật xảy ra ở thị trấn Katakai, quận Mishima, tỉnh Niigata, người ta cho rằng nếu ngã trên triền dốc, thì bạn sẽ bị cắt vào chân bởi một lưỡi hái và dưới chân tứa ra máu đen. Thế nhưng nhiều người cho rằng đó chẳng phải là Itachi mà là do một loại cào cào khổng lồ ở vùng này gây ra.

Kamaitachi xuất hiện trong rất nhiều tuyển tập văn học, tiểu thuyết thời Edo, Meiji. Đến nay, cả trong Anime hay Manga, bạn sẽ dễ bắt gặp chú chồn liềm “nhỏ mà có võ này”.

Đầu tiên, không thể không kể đến “Thông linh chi thuật” của cô nàng Temari trong Naruto.

Bạn có nhớ chú chồn mang lưỡi hái với sức mạnh bão táp?

Ảnh: socimage.com

Nhân vật Itaku trong Nurarihyon no Mago cũng lấy cảm hứng từ Kamaitachi

Ảnh: aminoapps.com

Hay Manga Garei, Flame of Recca, và một số bức tranh dân gian khác…

Cũng như những yêu quái khác trong truyền thuyết Nhật Bản, Kamitachi gây nhiều tranh cãi về nguồn gốc và tính xác thực của chúng trong thời hiện đại. Nếu là bạn, tôi sẽ chẳng dại dột đạp lên tấm lịch nhà mình đâu, vì như thế cũng là một dấu hiệu của tai ương, rằng bạn sắp gặp Kamaitachi đấy.

Chee 

Những con ma”buồn cười”trong truyền thuyết Nhật Bản

Kyoto và ký ức đen tối về những cuộc thanh trừng của “Bách quỷ dạ hành”

Truyền thuyết về loài yêu quái Kappa ở Nhật

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: