Truyền thuyết kinh dị đằng sau nguồn gốc của “Búp bê cầu nắng” Teru Teru Bozu

Búp bê cầu nắng Teru Teru Bozu là hình nộm trùm vải trắng, đầu tròn thắt nút ở giữa và được vẽ thêm mắt mũi, thường treo trên cửa sổ, hướng ra ngoài. Teru Teru Bozu (てるてる坊主) mang theo nguyện ước của người làm ra nó, mong rằng trời thôi mưa và ánh nắng chan hoà sẽ đến khắp mọi nhà.

Thế nhưng bạn có biết sự thật đằng sau “cuộc đời” của Teru Teru Bozu là nhiều câu chuyện kinh dị khác.

Ảnh:kowabananoyakata.main.jp

1.Bản đồng dao 

Teru Teru Bozu cũng đồng thời là tên bài đồng dao gắn bó với tuổi thơ của hầu hết người Nhật. Trẻ con Nhật thường ngân nga bài hát khi làm búp bê cầu nắng. Bài hát được sáng tác từ thời Taisho và chia làm 3 lời, mỗi lời 4 câu hát.

Đại ý đó là:

Hỡi Teru Teru Bozu 

Xin hãy làm cho trời ngày mai thật đẹp 

Đến khi nào trời hửng nắng

Tớ sẽ cho cậu một cái chuông bạc

Hỡi Teru Teru Bozu 

Xin hãy làm cho trời ngày mai thật đẹp 

Nếu cậu nghe được lời cầu xin của tớ

Tớ sẽ cho cậu uống rượu sake ngọt

Hỡi Teru Teru Bozu 

Xin hãy làm cho trời ngày mai thật đẹp 

Nếu trời mây âm u 

Thì tớ sẽ CẮT LÌA đầu cậu đấy

Bài đồng dao mang giai điệu truyền thống Nhật Bản, tưởng chừng như hết sức bình thường cho đến khi lời thứ 3 vang lên:

Nếu trời mưa âm u 

Thì tớ sẽ CẮT LÌA đầu cậu đấy”.

Nội dung rất giống một lời nguyền rủa, đe doạ hơn là khẩn thiết cầu xin. Thế nhưng, người ta nói rằng Teru Teru Bozu không chỉ có 3 lời, mà còn tồn tại một phiên bản thứ 4 bị thất lạc. Tuy nhiên, đến khi nội dung thất lạc được tìm thấy, người ta vẫn quyết định không đưa vào bài đồng dao mà vẫn giữ nguyên nửa chừng như vậy. Tuy rằng nguyên nhân thất lạc đến nay vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng điều mọi người quan tâm hơn, đó là tại sao, một bản nhạc dành cho thiếu nhi lại chứa đựng những hình ảnh ghê rợn đến vậy?

Nguyên nhân xuất phát từ nguồn gốc của chính Búp bê cầu nắng Teru Teru Bozu.

Ảnh: texspa.exblog.jp

2. Bản gốc lưu truyền 

Vào thời Heian, ở Nhật Bản lưu truyền một câu chuyện kể từ Trung Quốc. Ở một thị trấn nọ, bỗng nhiên trời đổ mưa liên miên hết ngày này đến ngày khác. Lòng dân bất an, lo mùa màng thất bát. Bỗng nhiên một ngày, nghe trên trời có lời sấm truyền nếu hiến tế một cô gái trẻ đẹp thì trời sẽ ngừng mưa. Thế là quyết định cứu cả dân làng mà nàng ニンチャンđã ra đi. Ngay lập tức sau đó trời hửng nắng. Cả làng lại trở về cuộc sống yên bình xưa kia.

Tuy nhiên để tưởng nhớ nàng, dân làng đã cắt những hình nộm giấy, cũng là sở thích của nàng lúc đương thời treo trước nắng.

3. Biến thể

Tuy nhiên câu chuyện buồn nhưng thấm đượm nhân văn này, khi sang đến Nhật Bản lại biến thành một dị bản khác. Cũng là một thị trấn đang lâm vào cảnh mưa thối đất thối cát. Thế nhưng người hy sinh lại là một thầy tu ra sức bảo vệ làng của mình.

Trong lúc làm phép, ông đã để quỷ dữ nhập vào và trở nên điên loạn. Tuy nhiên, cuối cùng ông vẫn không thể làm mưa tạnh. Không lập công, không còn là “con người”, người thầy tu tội nghiệp phải chịu cái kết thê thảm là chặt đầu rồi gói trong tấm vải trắng treo trước thị dân. Vì vậy mới có tên là Bozu nghĩa là thầy tu (坊主).

Phải chăng chính nhờ hình ảnh “chiếc đầu treo lủng lẳng” đó mà người ta mới nghĩ ra cách làm búp bê cầu nắng như hiện nay?

Và nếu không làm cho trời nắng thì chiếc đầu đó chắc chắn sẽ bị cắt lìa.

Ảnh: acartlifestyle.blog

Thật là một biến thể kinh dị!

Qua câu chuyện này, có lẽ những Fan của chú búp bê cầu nắng đáng yêu đó đang hết sức “quan ngại” về sự thật này. Tuy nhiên bạn cũng nên cẩn thận đấy, vì nhiều người nói rằng, linh hồn của thầy tu đó vẫn còn lưu giữ bên trong Teru Teru Bozu mang nụ cười thánh thiện đấy!

 

Chee (tổng hợp)
Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: