Những hướng dẫn viên “kỳ lạ” tại vùng đất “sóng thần” Miyagi

Điều gì hiện lên trong đầu bạn khi nghĩ đến nghề Hướng dẫn viên?

Có phải là những người có sức khỏe, thể chất tốt để không chỉ di chuyển chung với đoàn khách du lịch, mà còn phải thuyết minh cho họ và sẵn sàng trả lời các câu hỏi liên quan đến điểm tham quan của khách.

Không những khỏe, người đó còn phải có kiến thức sâu rộng và đương nhiên là tình yêu với việc di chuyển.

Chính vì vậy Hướng dẫn viên ở Việt Nam đa phần là nam và đang ở độ tuổi thanh niên.

Tất nhiên công việc vất vả khó khăn như thế, chả ai làm không lương bao giờ đúng không?

Ảnh Dulichvietnam

Thế nhưng ở Nhật có những Hướng dẫn viên “kỳ lạ” sẽ khiến mọi lập luận của bạn đều vô nghĩa.

Bởi họ đều là những người có tuổi, tầm 60 – độ tuổi về hưu và lẽ ra phải ở nhà để tận hưởng tuổi già. Họ có kinh nghiệm, kiến thức, là những người am hiểu lịch sử, văn hóa của địa điểm tham quan, nhưng lạ một nỗi, những người này làm…miễn phí.

Nghề của họ là Hướng dẫn viên tình nguyện (Volunteer Guide – ボランティアガイド).

Tuy nghề vất vả là thế nhưng các hướng dẫn viên đặc biệt này lúc nào cũng vui vẻ và rất chân thành. Họ là những người dân địa phương, đam mê giới thiệu thắng cảnh quê nhà đến với du khách khắp nơi.

Ảnh kodaira-tourism.com

Trong bối cảnh đô thị hóa, đa phần những người trẻ tuổi đều lên thành phố để tìm kiếm công việc, còn lại ở những vùng quê hẻo lánh là người già. Một số nơi tại tỉnh Miyagi – một trong những tỉnh lẻ ven biển của Nhật, nếu để ý, bạn sẽ thấy đường phố ở đây rất vắng vẻ, thỉnh thoảng có những người già đạp xe qua lại, nhân viên siêu thị, tiệm ăn, chủ lữ quán,… đa phần đều là người lớn tuổi.

Thế nhưng chính vì lớn tuổi và ít khi rời khỏi mảnh đất bé nhỏ của mình, họ có một tình yêu đặc biệt với mảnh đất quê hương. Dù tuổi đã già, họ vẫn không quên góp phần bé nhỏ vào công cuộc đưa khách du lịch tới đây, để chứng kiến sự thay đổi của một vùng quê đã phải hứng chịu rất nhiều thảm họa thiên nhiên khắc nghiệt.

Đó là hai hướng dẫn viên lớn tuổi mà đoàn chúng tôi đã gặp tại Hẻm núi Naruko và Lâu đài Sendai.

Ảnh JAPO

Khi ấy đã quá mùa Lá đỏ, dù rằng 1 tuần trước cây cầu tại Hẻm núi vẫn rực rỡ sắc màu. Dù là vậy, ông vẫn rất nhiệt tình dắt chúng tôi đi dạo vòng quanh hẻm núi, đi từ bên này cầu qua bên kia cầu để có thể tận hưởng hết vẻ đẹp thiên nhiên nơi này.

Ông còn rất nhiệt tình hỏi thăm chúng tôi có lạnh không, lo rằng bọn tôi ăn mặc phong phanh quá. Vì lịch trình khá dày, chúng tôi phải di chuyển nhanh, gấp, nhưng vẫn đảm bảo tham quan đầy đủ. Chạy theo chúng tôi ông có vẻ thấm mệt nhưng vẫn rất nhiệt tình và tốt bụng.

Thậm chí tôi còn được cụ hướng dẫn viên đáng yêu này tặng kẹo.

Ảnh JAPO

Một số cảnh đẹp khác tại Hẻm Naruko, dù có hơi quá mùa nhưng bạn vẫn có thể thấy những tán Momiji còn sót lại vẫn rất rực rỡ tươi tắn. Nếu đi vào đúng thời điểm có lẽ cảnh đẹp còn choáng ngợp hơn nữa.

Ảnh JAPO

Ảnh JAPO

Ảnh JAPO

Một người khác dẫn tại Lâu đài Sendai, là một ông cụ rất vui tính và thích được chụp ảnh.

Tại Lâu đài có một bức tượng nhà thơ Basho, cụ thật thà chia sẻ rằng chính cụ và dân địa phương cũng chẳng biết tại sao bức tượng lại đặt ở đó.

Khi hướng dẫn về những con bò kéo đá đặt mộ cho Masamune – “Độc nhãn Long” của Sendai, ông còn hài hước đùa rằng “Đó không phải thịt bò Sendai đâu nhé !”.

Bên cạnh những cụ ông vẫn còn “sung sức” dắt đoàn du lịch, có những người già âm thầm quảng cáo du lịch bằng cách khác. Trên đường đi, chúng tôi ghé qua một cửa hàng ăn được giới thiệu rất đáng yêu “Quán cơm mẹ nấu”.

Ảnh JAPO

Quả đúng như vậy, cửa hàng thoạt nhìn không khác gì căn nhà ấm cúng đang chào đón những đứa con trở về. Trang trí trong nhà bình dị ấm áp đúng kiểu Nhật. Chủ ở đó là một cụ bà, chuyên nấu thức ăn địa phương cho khách du lịch. Vì thức ăn ở đó bình dị, đa phần đều là những món ăn thường xuất hiện trong bữa cơm gia đình nên mới được gọi là “Cơm mẹ nấu”.

Ảnh JAPO

Thực đơn chủ yếu là rau củ thanh đạm

Ảnh JAPO

Ảnh JAPO

Tráng miệng còn có tách trà nóng còn bốc khói nghi ngút.

Ảnh JAPO

Chính nhờ những người già thầm lặng mà đọng lại trong lòng du khách đến đây không chỉ là một vùng đất từng đắm chìm trong đau thương thảm họa, hay khung cảnh xinh đẹp, rực rỡ của những chiếc lá đỏ mùa thu mà còn là tấm lòng nồng hậu, ấm áp, thân tình như thể người thân trong gia đình của những cụ già.

Những con người ấy, sống một cuộc đời không cần thiết phải vẻ vang, nhưng tự bản thân họ đã tỏa sáng.

Nếu có dịp, bạn nhất định phải ghé qua những vùng quê Nhật Bản để có thể trò chuyện với người dân địa phương ở đó nhé !

Sachiko

Tokyo – sự thật đằng sau thành phố hoa lệ, hoa cho người giàu và lệ cho kẻ nghèo

Những điều khủng khiếp về Tokyo: Thực tế đôi khi đau lòng hơn bạn nghĩ

Xếp hạng 4 vùng quê đáng sống nhất Nhật Bản

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: