Có một “kho tàng kiến thức” mang tên Kanda Jinbocho

“Văn hóa đọc” là một trong những nét truyền thống đặc trưng ở Nhật có từ thời xa xưa. Theo thời gian, những giá trị nhân văn ấy đã thấm nhuần trong tư tưởng của người dân đất nước Mặt trời mọc.

Đầu những năm của thế kỉ 17, tỉ lệ biết chữ của người dân Nhật cao hơn hẳn so với những quốc gia khác trên thế giới.

Những năm 1688 – 1704, là thời kì nở rộ của văn chương, nghệ thuật ở xứ sở hoa anh đào, nhiều tác giả đã cho ra đời những tác phẩm nổi tiếng trong thời gian này.

Kể từ đó, sách trở thành phương tiện cầu nối tinh thần giữa văn hóa và con người, nó cũng làm cho mọi người xích lại gần nhau hơn.

Nếu bạn là người có niềm đam mê bất tận với những cuốn sách, thì Kanda Jinbocho, con đường sách lớn nhất thế giới trải dài hơn 1km này sẽ là nơi mà bạn không thể bỏ qua nếu có cơ hội đến với đất nước Nhật Bản.

Jinbocho được đặt theo tên của một vị Samurai, ông sống vào những năm cuối thế kỉ 17, tên là Nagaharu Jinbo. Khu này tọa lạc gần quận Chiyoda, Tokyo.

Bao quanh khu vực này là một loạt các trường đại học lớn như Meiji, Nihon, Senshu, Hosei và Juntendo. Jinbocho được nhiều người biết đến như là trung tâm sách cũ của đất nước Nhật.

Nơi đây tập trung hơn 50% nhà xuất bản trên cả cả nước, cùng với hàng trăm cửa hàng trưng bày một số lượng sách khủng lồ với nhiều thể loại, vì vậy nó được mọi người gọi bằng những cái tên khác nhau như “Thủ đô sách”,” con đường sách “, “ thế giới sách”, “Thiên đường sách”.

Hầu hết những cửa hàng sách đều “hội ngộ” ở đại lộ Yasukuni, cách đó chừng 500m về phía Bắc là Cung điện Hoàng gia Tokyo. Nơi này có khoảng chừng 200 cửa hàng với số lượng sách lên đến hàng triệu cuốn sách.

Những cửa hàng sách được đặt san sát nhau, làm cho bạn có cảm tưởng như đang bước đi trong một “mê cung sách” mà không thể nào thoát ra được.

Thậm chí để cho mọi người có thể dễ dàng tìm thấy những quyển sách mình yêu thích, những người quản lý “ thiên đường sách” này đã thành lập một website riêng, để hướng dẫn cho bạn đọc có thể tìm thấy những “sản phẩm” một cách dễ dàng và tiện lợi nhất.

Do tập trung trong cùng một khu vực nên mỗi một hiệu sách đều có những nét thương hiệu riêng để cạnh tranh với đối thủ.

Có những cửa hàng chỉ chuyên bán sách địa lý, có nơi bán sách kinh tế, trong khi đó bạn bước vào một căn tiệm khác và chỉ thấy toàn sách khoa học …

Nơi đây hầu như có đủ tất cả loại sách thuộc mọi lĩnh vực, ngay cả những cuốn sách hiếm khó có thể tìm thấy, thì chúng chỉ “lạc” đâu đó trong Kanda Jinbocho mà thôi.

Mỗi khi người Nhật muốn tìm sách gì, thì Kanda Jinbocho luôn luôn là nơi họ nghĩ đến đầu tiên.

Kanda Jinbocho lúc nào cũng đông đúc người, ở mọi độ tuổi và đầy đủ các tầng lớp khác nhau. Bất cứ khoảng thời gian nào trong ngày, nếu bạn có dịp đi dạo qua khu này, bạn sẽ thấy những dòng người đứng xếp thành hàng dài để chờ mua sách.

Không chỉ có sách, Kanda Jinbocho cũng có nhiều nhà hàng và quán cà phê để phục vụ các khách hàng tìm đến nơi đây.

Nếu đi dạo 1 vòng quanh những con hẻm nhỏ, bạn sẽ thấy nơi đây có một không gian yên tĩnh và đặc sắc đến lạ thường, hoàn toàn không giống so với những khu mua sắm sầm uất náo nhiệt ở nhiều nơi khác.

Nhật Bản là một trong những quốc gia có nền công nghệ phát triển hằng đầu thế giới, đó là chưa kể tới sự phổ biến rộng rãi của loại hình sách điện tử (e-book) đang được hầu hết mọi người sử dụng, thế nhưng sách, báo giấy vẫn có một chỗ đứng cố định trong xã hội Nhật Bản.

Điều đó cho chúng ta thấy rằng, người dân nơi đây rất coi trọng và luôn bảo vệ, giữ gìn những nét văn hoá, truyền thống tốt đẹp của đất nước.

Bây giờ thì có lẽ bạn đã hiểu vì sao mà ở các quán cà phê, công viên, trên tàu điện, xe buýt… Hay bất cứ ngõ ngách nào trên nước Nhật, bạn cũng đều dễ dàng tìm thấy những con người đang miệt mài cặm cụi, chăm chú vào những quyển sách trên tay rồi đúng không ?

Người Nhật quan niệm rằng ” Một người sẽ chết dần vì thiếu kiến thức, nếu họ không chịu đọc sách mỗi ngày”.

Vậy thì còn chần chữ gì nữa. Hãy rèn luyện thói quen mỗi ngày đọc sách và tận hưởng những thành công bắt đầu đến với bạn từ bây giờ đi nhé.

Hải Âu

Tại sao người Nhật lại thường xuyên đọc sách?

Độc nhất vô nhị: Tới Nhật Bản ghé thăm hiệu sách bí ẩn chỉ bán duy nhất…1 cuốn sách

Cuốn sách về liệu pháp Fucoidan của TS. BS người Nhật Daisuke Tachikawa mở ra một cánh cửa mới, đầy hy vọng cho bệnh nhân ung thư

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: