Hướng dẫn xin visa du lịch “bụi” Nhật Bản
Trước đây để xin được visa đi Nhật, bạn cần phải có người quen hoặc đối tác ở Nhật làm thủ tục bảo lãnh. Giờ thì để thu hút ngày càng nhiều du khách các nước, đặc biệt là các nước trong khối ASEAN (để bù cho lượng khách Trung Quốc đang giảm đi đáng kể), chính phủ Nhật đã nới lỏng quy định xin visa một cách đáng kể.
Chẳng hạn như người Thái hoặc Malaysia được miễn thị thực vào Nhật trong vòng 15 ngày. Việt Nam tuy chưa được xếp vào nhóm miễn thị thực này nhưng việc xét duyện visa đã dễ dàng hơn và bạn có thể tự mình xin visa du lịch “bụi” Nhật mà không cần phải có người ở Nhật bảo lãnh.
Thực ra tất cả các giấy tờ được hướng dẫn rất chi tiết trên website của Đại Sứ Quán hoặc Lãnh Sự Quán Nhật tại Việt Nam rồi, bạn có thể tham khảo ở trang này.
Bạn có thể thấy là hướng dẫn ở trang này là dành cho cả các bạn đi du lịch và các bạn đi thăm thân nhân.
Tuy nhiên, trong trường hợp đi du lịch, sẽ có vài loại giấy tờ bạn sẽ không cần phải nộp hoặc vài loại giấy tờ cần nộp lại không có ghi rõ ở đây. Bài viết này mình sẽ ghi rõ những loại giấy tờ cần thiết để xin visa du lịch Nhật.
Cụ thể bạn cần chuẩn bị những giấy tờ sau: (mình theo thứ tự của bảng hướng dẫn trên website của Lãnh Sự Quán Nhật)
1) Hộ chiếu: còn hiệu lực
2) Đơn xin visa: tải về từ website của Lãnh Sự Quán Nhật.
Bạn có thể điền tay hoặc gõ trực tiếp vào file, sau đó in ra rồi ký tên vào. Nếu điền tay, bạn nên dùng chữ in hoa, ghi rõ ràng, dễ đọc. (Mình toàn điền trực tiếp vào file.)
– Bạn lưu ý: chữ ký trên đơn này phải giống với chứ ký của bạn trên hộ chiếu.
3) Hình thẻ:
– Kích thước: 4.5cm×4.5cm
– Chụp trong vòng 6 tháng trở lại
– Cần có 2 tấm: 1 tấm dán vào Đơn xin visa, 1 tấm kẹp chung vào hồ sơ để làm visa.
4) Hồ sơ chứng minh công việc và khả năng tài chính của bạn
4.1) Giấy xác nhận việc làm:
Giấy này không có mẫu nhất định nào cả, bạn có thể tự làm, điều chỉnh cho phù hợp với công ty bạn.
Mình làm như vầy:
Giấy xác nhận
Công ty XYZ xác nhận:
Ông/Bà: (tên của bạn)
Sinh ngày: … tại: …
CMND số: … được cấp ngày … tại …
hiện đang công tác tại: (tên phòng ban)
Chức vụ: …
Mức lương: …
Địa chỉ nơi làm việc: …
Số điện thoại:
Số Fax:
Tp.HCM, ngày … tháng … năm …
Đại diện công ty (ký tên, ghi rõ chức vụ, đóng dấu tròn chính thức của công ty)
4.2) Đơn xin nghỉ phép:
Cái này bạn có thể sử dụng mẫu của công ty. Trong đơn nên ghi rõ thời gian nghỉ phép XX ngày, từ ngày nào đến ngày nào, lý do nghỉ phép là “du lịch Nhật” và quan trọng hơn cả là phải có chữ ký của sếp bạn và có con dấu tròn của công ty.
4.3) Chứng minh khả năng tài chính:
– Sao kê số dư tài khoản tại ngân hàng, hoặc sổ tiết kiệm: số tiền tùy thuộc vào thời gian bạn dự định ở lại Nhật, tất nhiên phải dư dả một chút để xin cho dễ dàng 😉
– Bản sao công chứng sổ đỏ nhà/đất: cái này không có cũng không sao, nhưng nếu có thì bạn nên nộp để khẳng định khả năng tài chính của bạn. (Lần trước bạn mình cũng nộp giấy này.)
– Sao kê bảng lương 6 tháng liên tiếp gần nhất: có thể lấy bản sao kê tài khoản ngân hàng nơi bạn đăng ký nhận lương.
5) Chương trình lưu trú: Bạn cần có 3 loại giấy tờ sau:
5.1) Giấy đặt vé máy bay:
Bạn đặt vé ở một đại lý nào đó rồi yêu cầu gửi booking info cho bạn. Bạn đính kèm booking info này vào Chương trình lưu trú.
Lưu ý là bạn chỉ cần đặt vé, chưa phải trả tiền mua ngay, chỉ đặt để có được booking info thôi. Nên đặt với Vietnam Airlines cho đơn giản, dễ hiểu. Sau khi nhận được visa rồi thì bạn có thể mua vé của bất cứ hãng nào khác rẻ hơn nếu bạn muốn.
5.2) Giấy đặt khách sạn:
Bạn vào một website nào đó, chẳng hạn như Expedia hoặc Agoda (hoặc một khách sạn cụ thể nào đó), kiếm một khách sạn nào cho phép hủy phòng miễn phí, đặt phòng cho khoảng thời gian bạn dự định ở Nhật.
Giả sử bạn có dự định đi Tokyo và Kyoto và phải đặt phòng ở cả 2 nơi này nhưng không thể vì đang mùa cao điểm thì, để đơn giản, bạn chỉ cần đặt phòng ở Tokyo cho toàn bộ thời gian ở Nhật cũng được. (Tất nhiên sau khi nhận được visa rồi thì bạn có thể đi bất cứ nơi nào ở Nhật trong thời hạn visa cho phép)
5.3) Chương trình lưu trú: Bạn download mẫu trên website của LSQ Nhật và điền vào chương trình cụ thể.
– Điểm quan trọng của giấy này là thông tin phải trùng khớp với Giấy đặt vé máy bay và Giấy đặt phòng ở trên.
Bạn phải ghi rõ từng mục, chẳng hạn:
Ngày … HCMC-Tokyo (Chuyến bay lúc mấy giờ, số hiệu chuyến bay)
Ngày … đến ngày … : Tokyo, ở khách sạn X
Ngày … đến ngày … : Kyoto, ở khách sạn Y
Ngày … Tokyo-HCMC (Chuyến bay lúc mấy giờ, số hiệu chuyến bay)
(Những lần trước mình làm đều ghi như vậy, không cần phải ghi là ở Tokyo thì sẽ đi đâu cả, chỉ cần ghi “Sightseeing” là được.)
Về hồ sơ, chỉ cần có vậy! Người ta chỉ nhận nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ. Nếu hồ sơ của bạn không đầy đủ hoặc vì lý do nào đó cần phải bổ sung thêm một loại giấy gì đó thì họ sẽ hướng dẫn cụ thể cho bạn. Một khi hồ sơ của bạn được nhận thì gần như chắc chắn bạn sẽ nhận được visa!
Bạn cần đọc kỹ những lưu ý được ghi rõ trên website của Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản. Mình xin trích dẫn dưới đây cho bạn tiện theo dõi:
**Các điều cần chú ý khi xin visa:
– Trường hợp thiếu hồ sơ sẽ không được nhận hồ sơ xin visa
– Thời gian xin visa từ 8:30 giờ đến 11:30 giờ mỗi ngày từ thứ hai đến thứ sáu
– Hồ sơ khi được nhận sẽ được cấp biên nhận hồ sơ.
– Việc xét hồ sơ thông thường mất 5 ngày làm việc.
– Tùy theo mục đích nhập cảnh và từng trường hợp có thể được yêu cầu bổ sung hồ sơ.
Trường hợp cần thiết Bộ Ngoại Giao Nhật Bản phải điều tra hoặc Tổng lãnh sự quán Nhật Bản phỏng vấn đương sự xin visa thì thời gian xét visa sẽ lâu hơn 5 ngày làm việc. Đề nghị xin visa sớm để kịp thời gian.
– Ngoài trường hợp nhân đạo, các trường hợp xin cấp nhanh visa sẽ không được xét. Trường hợp khẩn cấp đề nghị liên lạc sớm
– Đối với các hồ sơ cần trả lại bản gốc, vui lòng nộp kèm một bản copy.
Địa chỉ liên lạc: Phòng Lãnh sự, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM
Tel: (84-8) 3933-3510
Lưu ý quan trọng: nhớ đem CMND khi đi xin visa! Để được vào cổng, bạn phải trình và để lại CMND ở trạm gác. Lúc ra về nhớ lấy lại!
Vậy thôi! Thật đơn giản! 😉
Chúc bạn may mắn!
Theo Ân Việt/Gakumoto