Có ai ngờ Kansai và Kanto từng “cạch mặt” nhau vì một lý do ngớ ngẩn?
Kanto và Kansai là hai khu vực lớn ở Nhật, nếu Kanto có trung tâm đầu não của quốc gia tại Tokyo thì Kansai có Osaka là điểm đến du lịch hàng đầu trên bản đồ du lịch thế giới.
Tuy nằm chung trên một nước Nhật nhưng từ giọng điệu, văn hoá giữa hai vùng này có nhiều sự khác biệt, đó là điều ai trong chúng ta cũng biết. Thế nhưng điều đáng chú ý là có vẻ như mối quan hệ giữa người dân hai vùng này lại không mấy tốt đẹp.
Đơn cử như một số tiêu điểm dễ nổ ra tranh luận như sau:
Ảnh: https://curazy.com/archives/136956
Ngôn ngữ
Như các bạn đã biết, tiếng Nhật chuẩn hay còn gọi là tiếng toàn dân là ngôn ngữ của vùng Kanto, cụ thể là Tokyo. Những vùng có cách nói khác đều quy lại bằng một cái tên: Tiếng địa phương.
Tuy nhiên nhiều người dân “địa phương” đó không đồng ý với quan điểm này và xem cách chia như thế là một sự phân biệt vùng miền.
Đặc biệt giữa người Osaka và người Tokyo luôn có sự bất đồng về giọng chuẩn. Đó là điểm khác nhau lớn nhất dẫn đến bất đồng giữa hai khu vực này. Một số ý kiến cho thấy:
[Người Osaka]
“Con dâu tôi là người Tokyo, đúng là vì vậy mà tiếng Nhật của nó nghe rất lạnh lùng”.
“Đàn ông nói giọng chuẩn nghe thật tởm”
“Khi có người Tokyo gặp một người nói giọng Kansai, bỗng nói “Ồ giọng Kansai kìa”. Tại sao vậy ?”
[Người Tokyo]
“Chúng tôi sinh ra đã nói giọng chuẩn thì biết làm sao? Chuẩn thì vẫn là chuẩn thôi”
“Tôi thấy giọng Kansai mới thật sự để lại ấn tượng xấu”
“Sao họ không sửa giọng địa phương đó đi nhỉ”
Tất nhiên, tiếng Nhật mà chúng ta đang học là tiếng Nhật chuẩn. Tuy nhiên, chuẩn có nghĩa là toàn dân đều hiểu được chứ không có nghĩa là toàn dân đều phải nói. Vì vậy bạn cũng đừng giật mình khi đến những địa phương khác ở Nhật và nghe một thế giới tiếng Nhật mới lạ mà mình chưa từng nghe trước đây nhé!
Hương vị thức ăn
Người Kansai thường nói vị thức ăn của Kansai nhạt hơn của Kanto.
Tuy nhiên, nếu so sánh lượng muối trong các món ăn sử dụng nước tương thì Kansai mới là vùng ăn nhiều muối hơn. Thế nhưng nhìn vào màu sắc thì rất dễ bị đánh lừa. Vì màu sắc của nước tương vùng Kansai nhạt hơn.
Các bà cô
Các bà cô ở vùng Osaka, Kobe nổi tiếng ăn mặc rất loè loẹt và thường kết hợp với các hoạ tiết da báo hầm hổ.
Còn trong khi quý bà vùng Kansai thì có vẻ nhã nhặn, đứng đắn hơn nhiều.
Thêm một lưu ý nữa là các bà lão ở Osaka rất nóng tính và rất dễ “mắng người”. Vì vậy các bạn du lịch Osaka nếu lạc đường cũng nên “chừa” các cụ già ở đấy ra nhé!
Đại học Tokyo và đại học Kyoto
Trên đây là hai đại học quốc lập hàng đầu Nhật Bản trong việc đào tạo nhân tài. Tuy nhiên hai ngôi trường này nổi tiếng luôn cạnh tranh khốc liệt với nhau, cùng với một trường dân lập nữa là Waseda, nhiều năm gần đây cũng liên tục đe doạ thứ hạng của các trường quốc lập này.
Linh vật
Seto-kun, cậu bé nửa người nửa hươu nổi tiếng của tỉnh Nara ngự trị trên đỉnh vinh quang, được mọi người chú ý và yêu mến. Chỉ đến khi Funasshi của thành phố Funabashi, tỉnh Chiba xuất hiện, dường như mọi sự ủng hộ đều chuyển sang linh vật điên loạn này.
Lúc này, Nara mới đẩy mạnh việc tạo ra thật nhiều linh vật mới. Và đến nay, đã có tận 45 mẫu linh vật “ra đời” để cạnh tranh với Funasshi.
Xếp hàng đi thang cuốn
Các bạn đều biết, người Nhật có thói quen nhường đường cho người đi vội khi sử dụng thang cuốn. Vùng Kanto sẽ đứng về phía tay trái và cho người đi nhanh đi bộ bên trái. Vùng Kansai thì ngược lại. Tuy nhiên, có lẽ một sự thật ít người biết đến, đó là người Kyoto (Kansai) lại đứng ở cả hai phía. Đôi lúc bạn sẽ gặp hàng người đứng phía tay phải, đôi lúc lại thấy bên trái. Thế nên những ai mới du lịch đến Kyoto rất dễ hoang mang khi bắt gặp sự thay đổi này trong cùng một thành phố.
Quan hệ gia đình
Nhiều người nói rằng quan hệ gia đình của người dân vùng Kansai thắm thiết, gần gũi hơn người Kanto. Thậm chí, mẹ chồng, con dâu có thể khoác tay nhau dạo phố trong một buổi tối cuối năm.
***Đặc biệt
Tuy cùng thuộc vùng Kansai, thậm chí nằm bên cạnh nhau nhưng hai thành phố Kyoto và Osaka lại hoàn toàn không ưa gì nhau cả.
Trong khi đề tài “mặt thâm hiểm” của người Kyoto còn chưa đi đến hồi kết thì người Kyoto lại nói rằng, người Osaka không biết nghĩ cho người khác, luôn nói thẳng như ruột ngựa. Thậm chí còn bông đùa, nói chuyện lúc nào cũng phải thêm “hài hước” vào.
Ngược lại, người Osaka lại phản bác rằng mình vô cùng dị ứng với sự giả tạo của người Kyoto. Nói một đằng nghĩ một nẻo, điệu cười quý tộc cùng dáng đi “thanh lịch”…
Thật thú vị khi tìm hiểu sâu về những mối quan hệ giữa các tỉnh thành cũng như khu vực trên lãnh thổ Nhật Bản phải không?
Thế nhưng trên hết, điều tôi thấy rõ nhất ở những “mối thâm thù” dai dẳng như trên, đó là tấm lòng yêu nơi chôn rau cắt rốn, luôn ra sức bảo vệ và phát triển quê hương mình của người Nhật.
Chee
[Hãy cẩn trọng!] Sự”thâm hiểm”đằng sau lời khen ngợi của người Kyoto
“Cuộc đối đầu” không hồi kết giữa trường công lập và dân lập Top đầu nước Nhật