Chuyến xe kỷ niệm mang tên “Nhật Bản” (Phần 2)

Trong bài viết lần này mình sẽ tiếp tục kể về những kinh nghiệm thực tế mà mình đã từng trải qua để giúp các bạn hiểu rõ hơn về Nhật Bản.

1.Vứt rác 

Tại Nhật – một quốc gia có những quy định rất nghiêm ngặt về việc xử lý và phân loại rác, việc vứt rác bừa bãi có thể khiến bạn bị khiển trách hoặc phạt tiền. Có rất ít thùng rác tại những nơi công cộng, chủ yếu chỉ có tại Trung tâm thương mại và cửa hàng tiện lợi,…. Mặc dù vậy hiếm khi xuất hiện rác trên đường. Điều này minh chứng cho ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường nghiêm túc của mỗi người dân Nhật Bản.

Người Nhật phân loại rác thành 4 loại chính là : Rác cháy được, Rác không cháy được, Rác có thể tái chế và Rác có kích thước lớn.

  • Rác cháy được : Bao gồm rác nhà bếp ( các đồ ăn vụn, cơm thừa, vỏ trái cây, vỏ trứng,…) giấy vụn, tăm tre xiên thịt nướng, giày dép, cây cỏ, lá khô,…. Đối với loại rác này khi vứt bạn cần bỏ vào bao nylon hoặc bao nhựa dẻo buộc miệng lại để tránh mùi hôi bốc lên. Rác nhà bếp phải để cho ráo nước dùng giấy báo gói lại. Ngoài ra còn có gỗ vụn và cành cây phải được cắt ngắn lại khoảng 50 cm sau đó bó chặt lại rồi cũng bỏ vào bao.

Ảnh : http://morningjapan.com

  • Rác không cháy được : Gồm sản phẩm làm bằng nhựa cứng (chai chứa dầu gội đầu, hộp đựng thức ăn,…) sản phẩm bằng nhựa dẻo, đồ gốm các loại, lưỡi dao cạo, thuỷ tinh, pha lê, ô dù, hộp quẹt, lọ bình xịt, lon nước sơn,…. Đối với những loại này cũng phải bỏ vào bao, tránh để rơi rớt, lọ bình xịt có thể gây ra cháy nổ vì vậy cần xì hết khí bên trong trước khi đem bỏ, vật sắc bén như lưỡi dao cạo thì phải quấn giấy báo cẩn thận rồi mới cho vào túi nylon.

Ảnh : http://morningjapan.com

  • Rác tái chế : Giấy các loại ( giấy báo, tờ rơi quảng cáo,…) thùng carton, lon ( bia, nước giải khác, thức ăn đóng hộp,…) Đối với lon và chai phải rửa một lần trước khi bỏ vào bao, giấy phải được buộc dây theo hình chữ thập và giữ không cho bị ướt khi bỏ ra ngoài.

Ảnh : http://locobee.com

  • Rác có kích thước lớn : Bàn, ghế, tủ quần áo, giường, cửa và những vật có kích cỡ khoảng trên 1 mét 2. Khi bỏ rác cần đem ra trước cửa nhà hoặc bỏ ra nơi mà xe tải thu rác có thể vào được, đồ gỗ có thể cắt ra thành cạnh 50 cm và bỏ vào rác cháy được. Cần phải gọi điện thoại thông báo cho công ty thu hồi rác và phải trả thêm 1 khoản phí thu gom nữa.

 

Ảnh : http://morningjapan.com

Không chỉ phân loại rác mà các túi đựng rác cũng được chia thành từng màu riêng biệt để ứng với loại rác bỏ vào. Nếu bạn cố tình bỏ rác không đúng với túi đựng rác thì chắc chắn túi rác của bạn sẽ bị trả về kèm theo “ tờ giấy xấu hổ” để nhắc nhở. Nghe thấy thôi đã thấy xấu hổ rồi đúng không?

Hơn nữa ở mỗi khu vực quy định khác nhau về thiết kế túi đựng rác nên bao rác ở khu vực này sẽ không được sử dụng tại khu vực khác.

Rác không phân loại sẽ bị gắn tờ giấy xấu hổ để nhắc nhở

Ảnh: kenh14cdn.com

Bạn thấy sao về quy định phân loại rác này của người Nhật. Thật đáng khâm phục và có rất nhiều điều cần phải học hỏi từ họ đúng không?

Đó cũng là lý do tại sao nước máy của Nhật sạch đến nỗi có thể vặn uống một cách trực tiếp. Thế nhưng đa phần thì người Nhật lại không uống như vậy. Có lần tôi uống nước máy trước mặt anh đồng nghiệp người Nhật và được anh đó hỏi rằng là người Việt Nam uống cả nước này à. Tôi cười và đáp lại rằng : “ Người Việt Nam tôi còn uống cả nước sông cơ”. Câu nói của tôi làm cho anh ta phải giật mình, trong khi tôi cười khoái chí vì đó chỉ là một lời nói đùa mà thôi.

2. Xe đạp

Điều tiếp theo làm tôi bất ngờ mà cũng hú vía, là có lần trên đường đi siêu thị về tôi bị cảnh sát kiểm tra giấy tờ tuỳ thân và xe đạp. Tôi hỏi thì mới biết được là vừa có một vụ trộm xe đạp trong khu vực nên tất cả những người đi xe đạp ngang đều bị kiểm tra.

Trường hợp mất cắp xe đạp tại Nhật rất phổ biến vì đa phần người Nhật Bản sử dụng xe đạp để đi lại và với số lượng đông như vậy rất khó để kiểm soát. Vì lý do đó mà Chính phủ Nhật đã ban hành lệnh cấp mã số xe đạp cho từng chiếc xe để cảnh sát có thể quản lý dễ dàng hơn. Sau khi cảnh sát kiểm tra mã số trên xe đạp, vì là xe chính chủ nên tôi đã được phép đi.

Mã số đăng ký của xe đạp

Ảnh: y.saromalang.com

Và kinh nghiệm tôi muốn chia sẻ với các bạn tại đây là ở Nhật khi đi xe đạp ra ngoài đường, hãy đi đúng xe của mình, chạy lề bên trái và khoá xe cẩn thận khi xuống xe để tránh những trường hợp không mong muốn xảy ra.

Tại Nhật những máy bán nước và cửa hàng tiện lợi ( Combini) luôn mở cửa 24/24 có mặt ở khắp mọi nơi. Bạn sẽ không sợ bị đói bụng hay khát nước khi đi dọc đường đâu. Những cửa hàng tiện lợi này chẳng khác nào một cái siêu thị nhỏ vì hàng hoá cũng rất đa dạng thế nhưng giá cả thường rất đắt.

Do cuộc sống hối hả mà đa phần người Nhật thường mua đồ ăn sáng tại đây, bãi đậu xe của cửa hàng tiện lợi thường rất rộng (ở nông thôn) chính vì thế mà người Nhật sau khi mua đồ xong họ thường ăn ngay trên xe của mình. Họ xem chiếc xe như là ngôi nhà thứ 2 của họ vậy ( ăn uống, nghỉ ngơi đều ở trên xe).

Ảnh minh hoạ : www.chotot.com

3. Những chú Quạ

Điều ngạc nhiên tiếp theo mà tôi “bật mí”, có lẽ bạn sẽ không tin nếu không tận mắt chứng kiến. Đó chính là Quạ.

Tôi tự nghĩ một đất nước sạch đẹp như Nhật mà bọn Quạ vẫn có mặt ở khắp nơi. Quạ được xem như là một loài động vật mang đến những điều xui xẻo, điều không may. Và tại Nhật, chúng còn mổ đầu hoặc ăn rác của người dân. Chúng cực kỳ phá phách, bao rác của bạn sẽ bị xé toang nếu bạn không để vào trong những chiếc lồng sắt có tên gọi là lồng chống Quạ ( karasu taisaku).

Lưới chống Quạ 

Ảnh: karasu-taisaku.com

Phân loại rác đã phiền, đổ rác theo lịch đã mệt, nay còn phải canh bọn Quạ. Thiệt là phiền đúng không các bạn? Thế nhưng những việc làm này sẽ giúp bạn trở nên có ý thức và sống tích cực hơn. Vì vậy hãy cố gắng tuân thủ và chấp hành quy định mà Nhật đã đưa ra từ những việc làm nhỏ này bạn nhé.

Mời các bạn đoán xem phần kế cùng Japo để tiếp tục khám phá những điều thú vị về con người và văn hoá Nhật Bản.

Minh Trường

Người nước ngoài sống tại Nhật-Tại sao tôi có hơn 100 người bạn nhưng vẫn cảm thấy cô đơn ?

Người Nhật-Có hơn 25 quốc gia từng xâm lược Trung Quốc, tại sao người Trung Quốc lại chỉ căm ghét người Nhật?

Thí nghiệm cho thấy cây cũng có cảm xúc-lời cảnh tỉnh về vấn nạn bắt nạt tại Nhật Bản

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: