Nhiếp ảnh gia người Nhật tổ chức triển lãm ảnh chân dung hạnh phúc của trẻ khuyết tật cùng bố mẹ

Khi còn học trung học, nữ nhiếp ảnh gia Maiko Kuzutani đã sốc khi biết sự thật rằng có rất nhiều trẻ em khuyết tật bị bố mẹ bỏ rơi. Quá xúc động trước vấn đề này, cô đã dành nhiều năm để chụp lại hình ảnh hạnh phúc của trẻ khuyết tật cùng bố mẹ.

Ảnh: tokyo-np

Trong triển lãm sắp tới của mình, cô muốn mang đến thông điệp rằng, có một đứa trẻ khuyết tật trong nhà không đồng nghĩa với rắc rối và đau khổ. Rất nhiều gia đình trẻ khuyết tật đều đang sống hạnh phúc.

Vào năm 1998, Kuzutani đọc được một bài báo về xét nghiệm gen trước khi sinh tại Nhật Bản. Bài báo nói rằng có rất nhiều phụ nữ đã bỏ thai sau khi biết rằng đứa con của họ có nguy cơ bị khuyết tật.

Kuzutani trăn trở, cô muốn giúp đỡ cho những đứa trẻ như vậy. Vì định kiến hoặc nỗi sợ, xã hội dường như không đánh giá chúng cao như những đứa trẻ khác. Trong triển lãm lần này, cô muốn thuyết phục mọi người về tầm quan trọng của trẻ khuyết tật thông qua những bức ảnh của mình.

Bài báo khiến Kuzutani xúc động vì người bạn thân nhất của cô ở trường mẫu giáo là một cậu bé mắc hội chứng Down, một chứng rối loạn di truyền thường đi kèm với chậm phát triển thể chất và thiểu năng trí tuệ.

“Hồi đó tôi không giỏi ăn nói và không thể chơi với những người khác cùng tuổi. Cậu ấy ở bên cạnh tôi mà không nói một lời nào.” Kuzutani nhắc đến người bạn thời thơ ấu của mình.

“Chính vì trải nghiệm như vậy mà tôi nghĩ rằng tôi không muốn những đứa trẻ mắc hội chứng Down biến mất khỏi thế giới này”.

Giờ đây, khi đã 44 tuổi, Kuzutani muốn cho những người khác thấy những đứa trẻ như vậy có thể lớn lên tuyệt vời như thế nào khi được bao bọc trong tình yêu của cha mẹ. Cô hy vọng những bức ảnh của mình có thể giúp thuyết phục các bà mẹ không quyết định phá thai khi biết trẻ sinh ra có nguy cơ khuyết tật.

Buổi chụp ảnh đầu tiên của cô là với một cô gái tên Mai Sekine, hiện 29 tuổi, mắc hội chứng Down, do cơ sở phục hồi chức năng cho trẻ em ở Tokyo giới thiệu.

Ảnh: tokyo-np

Kuzutani thỉnh thoảng ăn tối với Mai và gia đình. Cô thường ngủ lại nhà Mai và theo Mai đến trường để chụp ảnh.

Mẹ của Mai, bà Hitomi 65 tuổi, nói rằng Kuzutani đã nhanh chóng hòa thuận với con gái và coi cô bé như “em gái”.

Vào năm 2012, Kuzutani được tiếp cận để chụp ảnh Mai và những người khuyết tật khác khi cha mẹ họ tổ chức một bữa tiệc để kỷ niệm Ngày Trưởng Thành, một ngày lễ hàng năm ở Nhật Bản dành cho những người bước sang tuổi 20.

“Sau khi nhìn thấy cách cô ấy chụp ảnh các con của chúng tôi tươi cười trong bữa tiệc, chúng tôi đã khuyến khích cô ấy mở một studio ảnh để chúng tôi có thể đến thăm,” Hitomi nói.

Năm 2013, Kuzutani mở một studio ảnh ở Yokohama. Cô chỉ nhận hai nhóm mỗi ngày để có thời gian tìm hiểu đối tượng của mình – điều mà cô cho là đặc biệt quan trọng khi chụp chân dung cho các gia đình có thành viên khuyết tật.

Ảnh: tokyo-np

Một ngày nọ, cô gặp một cô gái bị thiểu năng trí tuệ. Lúc đầu, cô gái này phớt lờ nữ nhiếp ảnh gia, chỉ ngồi một mình trên cầu thang trong studio. Sau đó, cô dần dần buông lỏng, mở lòng, cho phép Kuzutani chụp ảnh cô và bố mẹ cô cùng cười với nhau. Khi ra về, cô gái ra hiệu cho Kuzutani bằng cách chạm vào tay cô.

“Những người khác có thể nghĩ rằng đối phó với những đứa trẻ như vậy rất rắc rối vì mất nhiều thời gian. Nhưng đối với tôi, đây là niềm vui vì nó là một phần của quá trình giao tiếp, ”Kuzutani nói.

Ảnh: tokyo-np

Ban đầu Kizutani muốn đợi đại dịch Covid-19 kết thúc trước khi tổ chức triển lãm hiện tại của mình, trong đó có 29 bức ảnh chụp gia đình có con khuyết tật. Nhưng sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú vào tháng 2, cô cảm thấy mình không còn thời gian để chờ đợi.

Ảnh: tokyo-np

“Sau khi trải qua cuộc phẫu thuật vào tháng 5, tôi nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ biết được khi nào cuộc sống của mình kết thúc, vì vậy tôi nên làm bất cứ điều gì muốn làm bây giờ. Những ‘người mẫu’ của tôi cũng đang đợi triển lãm được tổ chức, ”cô nói.

Ảnh: tokyo-np

Hitomi đã rất đau đớn khi một bác sĩ nói với cô rằng con gái cô sẽ không sống quá năm tháng vì nội tạng của cô bé quá yếu. Nhưng hiện tại, Mai đang làm việc tại một xưởng phúc lợi vào các ngày trong tuần và học karate.

“Mai lớn lên trở thành một người phụ nữ chu đáo và luôn muốn giúp đỡ khi thấy mọi người gặp khó khăn,” Hitomi nói. Mặc dù Mai vẫn còn những vấn đề về sức khỏe, “Tôi nghĩ rằng việc con bé còn sống là một may mắn.”

Đối với Kuzutani, nụ cười trên khuôn mặt của các gia đình nói lên tất cả – mặc dù đã có lúc nhiều bậc cha mẹ bật khóc và thậm chí không thể nói với họ hàng rằng con của họ bị khuyết tật.

“Tôi muốn cho mọi người thấy rằng sinh ra bị khuyết tật không phải chỉ toàn bất hạnh.” Cô chia sẻ.

Thông tin buổi triển lãm:

Diễn ra từ 17/9 ~ 23/9

Thời gian: 10:30 – 19:00 các ngày trong tuần, 11:00 – 17:00 cuối tuần (kết thúc lúc 14:00 vào ngày cuối cùng)

Địa điểm: Fuji Photo Gallery Ginza

RIN
Xem thêm: