Nghệ sĩ Hajime Sorayama và thế giới nghệ thuật của những điều cấm kỵ
Hơn 50 năm sự nghiệp của mình, nghệ sĩ Hajime Sorayama, người từng gây tiếng vang với bức tượng nữ thần ấn tượng trong show Dior Men Pre-fall 2019 của Kim Jones, vẫn không ngừng thách thức giới hạn giữa vẻ đẹp thuần khiết của phụ nữ và chuẩn mực tình dục trong xã hội.
Ảnh http://artandsoulclasses.com
Nghệ sĩ Hajime Sorayama tự nhận mình là người vẽ tranh minh hoạ thay vì hoạ sĩ. Theo ông vẽ tranh minh hoạ là một quá trình được ”đúc kết từ lối suy nghĩ logic hơn là phản ánh những tình cảm yêu ghét thông thường”.
Hajime Sorayama nổi tiếng với trường phái nghệ thuật mà ông gọi là “siêu thực”. Nhắc đến ông, giới yêu hội hoạ và cả những người hâm hộ thể loại khoa học viễn tưởng thường nghĩ ngay đến những bức tranh minh hoạ fembot (những cá thể robot mang dáng dấp phụ nữ), có chút gì đó pha trộn giữa nét quyến rũ rất đặc sắc của đường cong cơ thể phụ nữ và cảm hứng sắc dục viễn tưởng.
Ở tuổi 70, sức sáng tạo bất tận của vị nghệ sĩ này vẫn được người hâm mộ đón nhận nồng nhiệt ở các buổi triển lãm tranh trên khắp thế giới và qua những lần hợp tác với các thương hiệu thời trang nổi tiếng mà Dior Men Pre-fall 2019 là một ví dụ điển hình.
Ở tuổi 73, nghệ sĩ Hajime Sorayama tiếp tục làm nức lòng giới mộ điệu hội họa và điêu khắc qua buổi triển lãm Sex Matter tại gallery Nanzuka, Tokyo. Ảnh: IG@hajimesorayamaofficial
Trong bài viết này, hãy cùng Japo nhìn lại quãng đường nghệ thuật của nghệ sĩ Hajime Sorayama nhé.
Chạm ngõ hội hoạ
Hoạ sĩ Hajime Sorayama sinh ngày 22/2/1947 tại thành phố Imabari, tỉnh Ehime, Nhật Bản, trước khi nhận ra đam mê với lĩnh vực vẽ tranh minh hoạ, ông đã trải qua tuổi dậy thì với nhiều định hướng nghề nghiệp khác nhau. Ông từng chia sẻ rằng cơ duyên đến với hội hoạ chỉ đến khi một trong những giáo viên trung học nhận ra năng khiếu vẽ của ông, qua những bức tranh được lấy cảm hứng từ tạp chí Playboy và gợi ý cho ông về nghề này trong tương lai.
Bản thiết kế đầu tiên của một con AIBO mang ký hiệu ERS-110 do nghệ sĩ Hajime Sorayama vẽ.
Trong thời gian theo học chuyên ngành văn học Hy Lạp và tiếng Anh tại Shikoku Gakuin, Sorayama đã xuất bản tạp chí minh hoạ đầu tiên mang tên Pink Journal. Tuy nhiên ý tưởng và nguồn cảm hứng của ông trong tác phẩm này vấp phải sự chỉ trích gay gắt từ phía các giảng viên và sinh viên vì quá ”sexy” so với quan điểm của đa số người Nhật Bản thời bấy giờ.
Một trong các tác phẩm của nghệ sĩ Hajime Sorayama trưng bày tại buổi triển lãm cá nhân tại gallery Aishonanzuka.
Phong cách minh họa với độ chi tiết cao và tài năng mô tả chất liệu, các tác phẩm của nghệ sĩ Hajime Sorayama được công chúng và giới hội họa đánh giá cao.
Sau sự kiện đó, ông chuyển hẳn sang Tokyo Chuo Art School để chuyên tâm theo đuổi hội hoạ. Ông tốt nghiệp năm 21 tuổi và làm việc cho một công ty quảng cáo trước khi trở thành hoạ sĩ vẽ tranh minh hoạ tự do vào năm 25 tuổi. Năm 31 tuổi, trong lúc hợp tác với một người bạn, ông cho ra đời tác phẩm minh hoạ robot đầu tiên lấy cảm hứng từ nhân vật C-3PO trong phim Star Wars (Chiến tranh giữa các vì sao).
Thách thức ranh giới giữa vẻ đẹp tinh tế và tính dung tục
Là người sáng tạo trong triết lý nghệ thuật của riêng mình, Hajime Sorayama dần định hình phong cách minh hoạ cá nhân qua hàng loạt các tác phẩm nữ quyền, phá vỡ ranh giới giữa hư cấu, nữ tính và sự thoả mãn nhục dục.
Trong bối cảnh một xã hội Nhật Bản vẫn còn cảnh giác với những hình ảnh và nội dung mang tính phô bày thân thể, Sorayama đã từng bước phá bỏ rào cản đó với quyết tâm theo đuổi ngôi trường mà ông đã miêu tả bằng 2 từ “siêu thực”.
Thuý Vân