Tiểu thuyết của cựu Yakuza ra tù được chuyển thể thành phim truyền hình

Câu chuyện trong cuốn tiểu thuyết “Mushoboke” được xuất bản bởi Shogakukan Inc., đã thu hút sự chú ý với độc giả vì câu chuyện mô tả cuộc sống của một cựu Yakuza sau khi ra tù. Bộ truyện đã được chuyển thể thành phim và phát sóng trên truyền hình. Điều đặc biệt ở đây đó là tác giả đằng sau cuốn tiểu thuyết cũng là một… cựu Yakuza. Tác giả Garyo Okita năm nay 45 tuổi, là một cựu thành viên băng đảng Yakuza, anh vào tù 14 năm và bắt đầu sự nghiệp viết lách ở tuổi 40.

Câu chuyện ”Mushoboke” bắt đầu khi nhân vật chính Sosuke Jinnai tốt nghiệp trung học cơ sở, vì không muốn học tiếp mà quyết định bỏ học, rồi gia nhập băng nhóm đua xe đạp, sau đó chuyển sang nhóm tội phạm có tổ chức.

Sau một thời gian Sosuke Jinnai đã trở thành một người đàn ông có gia đình, ngày nọ, Sosuke Jinnai nói với vợ rằng anh có ”một việc lớn cần phải thực hiện” và theo lệnh của ông trùm, anh đã đi ám sát người đứng đầu băng đảng đối thủ.

Nếu thực hiện xong nhiệm vụ này, anh sẽ nhận được tiền thưởng 50 triệu yen (gần 10 tỷ đồng) và một vị trí cao trong tổ chức. Thế nhưng cuối cùng, anh lại bị buộc tội giết người và chịu án tù 14 năm, kết cục ê chề hơn anh bị trục xuất khỏi băng đảng và người vợ yêu thương cũng yêu cầu ly hôn. Sau 14 năm trôi qua, Sosuke Jinnai được mãn hạn tù. Đó là lần đầu tiên trong đời anh được cầm một chiếc điện thoại thông minh và  gặp lại 2 đứa con của anh hiện tại đã 18 và 21 tuổi.

 

Anh bắt đầu kiếm việc, anh đến công ty nội thất do cựu lãnh đạo của tổ chức điều hành và yêu cầu một công việc để yêu cầu được bù đắp những gì mình đã hy sinh cho tổ chức. ”Ông đã làm cho cuộc sống của tôi trở nên tồi tệ, ông không chịu trách nhiệm về điều đó sao?”.

Ông chủ cũ sợ hãi và xin lỗi, Sosuke Jinnai hét lớn ”Ông có định thuê tôi hay không?”. Sau phản ứng khó chịu ban đầu, ông chủ cũ cũng chấp nhận Sosuke Jinnai làm việc tại công ty xây dựng nội thất.

Anh làm việc chăm chỉ với mức lương 8.500 yen/ngày, mỗi ngày trôi qua anh đều phải nhận lấy sự dè bỉu và cô lập của xã hội.

“Mặc dù bị kỳ thị, nhưng tôi đã vượt qua mọi thứ vì tôi là một ‘Yakuza’. Nhưng để sống tôi phải làm việc. Mất việc ở độ tuổi 40 thật đáng sợ. Ngay cả một cựu Mafia cũng có cuộc sống và gia đình nên chúng tôi phải cố gắng làm lại từ đầu. Không lãng mạn hoá câu chuyện, tôi muốn miêu tả những khó khăn khi sống và tồn tại với tư cách là một Yakuza sau khi ra khỏi tù”. Tác giả Garyo Okita chia sẻ.

 

 

Garyo Okita đến từ thành phố Amagasaki của tỉnh Hyogo, phía Tây Nhật Bản, giống như Sosuke Jinnai anh gia nhập một tổ chức Yakuza địa phương khi mới 16 tuổi. Trong thời gian anh bị giam giữ, băng của anh cũng đã giải thể.

Trong tiểu thuyết có đoạn Sosuke Jinnai rất thích kẹo KitKat, điều này cũng dựa trên một trải nghiệm có thật của Garyo Okita. Vào khoảng thời gian anh 30 tuổi và trải qua đêm giao thừa trong tù, một người quản giáo đã phát KitKat vị sô cô la cho tù nhân. Đó là một đãi ngộ đặc biệt vào dịp lễ lớn trong năm, khác với những gì anh nhận được hằng ngày trong tù. Một số tù nhân đã ngạc nhiên đến mức hoài nghi, Garyo Okita cười và nói ”Tôi cũng tự hỏi tại sao mình lại có thể hạnh phúc vì một thứ nhỏ bé giản dị như vậy?”.

Niềm đam mê viết tiểu thuyết bắt đầu khi Garyo Okita 25 tuổi, anh đã khóc khi đọc cuốn tiểu thuyết “Poppoya” của Jiro Asada trong tù. Điều đó khiến Garyo Okita chọn cách chép tiểu thuyết để rèn luyện khả năng viết của mình. Có những lúc anh cầm bút chì và viết suốt 13 tiếng mỗi ngày, để đảm bảo không lãng phí giấy, Garyo Okita giảm kích thước chữ viết của mình làm sao nhỏ nhất có thể, nhiều lúc lượng chữ nằm trong 3 hàng anh cũng có thể viết chỉ trong 1 dòng.

Sau khi ra tù, Garyo Okita xuất hiện với tư cách là một tiểu thuyết gia ở tuổi 40, và bắt đầu xuất bản các tác phẩm do mình tự viết. “Mushoboke”, là tác phẩm thứ 12 của anh, đã được chuyển thể thành phim truyền hình, lần đầu tiên phát sóng trên Asahi Television, Broadcasting Corp, cũng như các đài khác vào tháng 10 vừa qua.

Vào thời điểm ra tù, Okita kiếm sống bằng công việc tại một công ty vận tải với mức lương 9.000 yen một ngày (khoảng 80 USD). Nhưng bây giờ anh ấy có thể sống với tư cách là một tiểu thuyết gia.

Trong những năm trước, chính phủ Nhật Bản bắt đầu những cuộc đàn áp nhắm vào các băng nhóm tội phạm khiến số lượng thành viên của các nhóm Yakuza giảm mạnh. Vào cuối năm 2011 có khoảng 73,000 thành viên, tuy nhiên đến cuối năm 2020 số thành viên đã giảm xuống còn khoảng 25.900 người. Nhưng không phải tất cả những người rời khỏi tổ chức đều đã có thể tái hoà nhập xã hội, những vụ bắt giữ trong quá khứ đều có thể bị nhà tuyển dụng phát hiện bằng các hồ sơ trực tuyến. Điều này vô tình khiến họ mất đi manh áo, còn bị những người xung quanh xa lánh. Chưa kể, nhiều người họ cũng không có kinh nghiệm làm việc, có nhiều người ngay cả khi tìm được công việc cũng phải khó khăn để giữ được.

 Garyo Okita nói: “Rất khó để một cựu Yakuza kiếm sống sau khi ra tù.Rõ ràng xã hội sẽ bắt họ phải trả giá cho những gì họ đã gây ra. Nhưng, nếu mọi người làm việc chăm chỉ, thì bằng cách nào đó, thành công sẽ mỉm cười.”

Thuý Vân
Xem thêm: