Giải thích lý do con gái trẻ Nhật mặc quần tất
Lúc mua giày, con gái Nhật thường chú ý nhiều đến size, bởi vì size giày sẽ thay đổi phù thuộc vào việc có mang cùng tất hoặc quần bó không. Một nữ nhân viên văn phòng Nhật Bản (24 tuổi) luôn chọn giày để mang cùng với quần tất.
Trước kia tại công ty cũ của cô, chỉ có nhân viên nữ mới có đồng phục và yêu cầu phải mặc quần tất. Đó là lý do cô đã quen mặc nó, và hiện giờ dù khi đi làm cô đã có mặc thường phục, nhưng chiếc quần tất vẫn là bất ly thân.
“Thì bởi vì chân trông đẹp hơn mà”.
Thích thì mặc thôi
Có khảo sát chỉ ra rằng những cô gái ở độ tuổi 20 ở Nhật rất thích mặc quần tất. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện bởi “Atsugi” vào năm 2015, tỷ lệ mặc quần tất ở độ tuổi 20 cao hơn 10 điểm so với mức trung bình của tất cả các nhóm tuổi (đầu 20, cuối 20, 30-60). Cụ thể, các ý kiến về lý do mặc quần tất trong khảo sát như sau:
“Tôi không muốn đi giày với chân trần” (51,5%)
“Tôi muốn cho người khác thấy chân mình đẹp” (47,0%).
Kaoru Yamasaki, thuộc nhóm xúc tiến bán hàng của bộ phận PR trả lời rằng “Tôi cảm thấy chiếc quần tất đã thay đổi từ phải mặc thành muốn mặc với tôi”.
Ngoài ra cô cũng cho biết quần tất là “món đồ mang lại sự an tâm” bởi vì bạn có thể mặc cùng váy ngắn mà không lo về lông chân.
Mặc khác, phụ nữ trên 30 tuổi lại có ý kiến tiêu cực về quần tất, như “bó sát” hay “có vẻ ngột ngạt”. Tất nhiên cũng còn tuỳ sở thích cá nhân, nhưng nhiều người trong độ tuổi này gắn liền hình ảnh quần tất với “những dịp quan trọng, các nghi lễ, trong kinh doanh” hơn là sử dụng hằng ngày.
Tại sao ấn tượng về quần tất lại thay đổi theo lứa tuổi, hãy cùng nhìn lại lịch sử của món phụ kiện này.
Lịch sử “chìm nổi” của những chiếc quần tất ở Nhật Bản
Theo tài liệu của Atsugi, quần tất trước chiến tranh là thứ tượng trưng cho địa vị của phụ nữ. Vào năm 1955, khi Atsugi lần đầu tiên sản xuất tất không có đường may mặt sau ở Nhật, chúng nhanh chóng bị loại khỏi thị trường với lý do “Thật xấu hổ vì dù có mang quần tất nhưng lại giống như không mang”.
Vào những năm 1960, phụ nữ Nhật Bản ít để ý hơn với đường may ở tất chân và có thể tự tin mặc quần tất đi trong thành thị đông người. Năm 1967, Twiggy, người mẫu Anh được mệnh danh là “Nữ hoàng váy ngắn”, đến Nhật Bản. Năm 1968, Atsugi bắt đầu bán quần tất đi kèm Garter belt và rất được ưa chuộng vì có thể làm đẹp phần đùi khi mặc váy ngắn.
Ông Yamasaki cho biết “Đó là thời điểm mà phụ nữ đã có can đảm khoe chân, mặc dù họ vẫn ngại để lộ quá nhiều da thịt”.
Kể từ khi phổ biến vật liệu đàn hồi, các công ty trong ngành quần tất đã phải cạnh tranh nhiều hơn để cải thiện chức năng. Họ phát triển các sợi bóng, hút và khử ẩm, khử mùi,…Thế nhưng đáng buồn, trong khi các nhà sản xuất theo đuổi việc tối ưu hoá chức năng của quần tất, trào lưu “chân trần” lại bùng nổ.
Trong thời kinh tế bong bóng, thời trang được “đời thường hoá”, quy tắc đồng phục với nữ nhân viên ở văn phòng cũng được miễn. Thời trang của phụ nữ Nhật chịu nhiều ảnh hưởng từ các tạp chí thời trang quốc tế.
“Mặc dù lúc này phụ nữ thích đi chân trần, quần tất vẫn được sử dụng trong các dịp nghi thức của công ty, do đó ấn tượng về sự bắt buộc và trang trọng của những chiếc quần tất trong suy nghĩ của phụ nữ sinh ra và lớn lên ở giai đoạn này là rất lớn”.
Theo thống kê của Hiệp hội giày dép Nhật Bản, nguồn cung quần tất trong nước vượt quá 1 tỷ đôi mỗi năm vào những năm 1980, nhưng giảm xuống còn khoảng một nửa vào đầu những năm 2000. Trong những năm 2010, con số này chỉ còn khoảng 300 triệu đôi.
Làm thế nào để quần tất lấy lại vị thế, hay làm thế nào để phụ nữ một lần nữa cảm thấy muốn mặc quần tất?
Atsugi phân tích rằng nếu nhu cầu của phụ nữ đối với quần tất được chia nhỏ, họ sẽ bao phủ toàn ngành bằng 11 dòng sản phẩm. Vào năm 2011, nhãn hiệu mới “ASTIGU” đã được đưa ra để thể hiện các nhu cầu theo cách dễ hiểu.
Các tính năng của từng loại trong số 11 dòng sản phẩm tùy theo nhu cầu, chẳng hạn như dòng “圧” có tác dụng thắt chặt, dòng “強” nhấn mạnh vào độ bền, và dòng “輝” có độ bóng. Mỗi dòng được đặt tên bằng một ký tự Kanji, mô tả trực tiếp vào đặc tính sản phẩm, dễ hiểu, dễ tiếp cận.
Với dòng “透” không chỉ khiến mặc như không mặc, mà còn xoá đi nhược điểm của đôi chân, giống như các dòng sản phẩm trang điểm tự nhiên vậy.
Đối với người tiêu dùng lúc này, quần tất đã trở thành chất xúc tác để chuyển sang “một kiểu thời trang chủ động, có thể lựa chọn theo sở thích và tâm trạng”. Kể từ khi ra mắt, ASTIGU tiếp tục tăng trưởng qua từng năm cả về sản lượng tiêu thụ và giá trị bán hàng.
Yamasaki của Atsugi phân tích:
“Những cô gái hiện tại đang ở độ tuổi 20 đã quen với thời kỳ thời trang ưa chuộng những đôi tất màu hoặc quần legging. Do đó họ không chống đối quần tất như thế hệ trước. Như phần mở rộng của phân tích này, quần tất trơn cũng có thể được mặc một cách thoải mái, không phải là quy tắc ăn mặc, mà thể hiện phong cách ăn mặc”.
Bạn có thích mặc quần tất không?
Sacchan