Sức hút từ các tác phẩm văn chương của Haruki Murakami trong giới điện ảnh

Haruki Murakami là nhà văn nổi tiếng toàn cầu. Tác phẩm của ông không chỉ ăn khách ở Nhật Bản hay châu Á mà còn lan toả sang châu Âu và châu Mỹ.

Sức hút với văn chương của Murakami đến từ cách ông xây dựng một thế giới vừa hiện thực lại vừa siêu thực, cách khắc hoạ nhân vật độc đáo và bầu không khí hiện đại. Và đó cũng là nguồn nguyên liệu tuyệt vời đối với giới làm phim.

Những bộ phim hay nhất được chuyển thể từ tác phẩm văn chương của Murakami

Tác phẩm văn chương của Murakami được chuyển thể thành điện ảnh khá sớm, từ bộ phim ngắn A girl, she is 100% (phim chuyển thể trung thành từ truyện ngắn Cô gái hoàn hảo 100% vào buổi sáng tháng 4 đẹp trời, rút trong tập Con voi biến mất) cho đến bộ phim dài Lắng nghe gió hát, được phát hành năm 1981, được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết đầu tay của Murakami.

Năm 2004, đạo diễn người Nhật Jun Ichikawa chuyển thể truyện ngắn Tony Takitani của Murakami thành bộ phim dài được đánh giá cao, tái hiện gần như chính xác bầu không khí cô đơn ngập tràn nhưng vẫn khép kín trong cuộc đời của mỗi nhân vật.

Bộ phim này cũng kể về câu chuyện tình yêu say đắm và nỗi ám ảnh của nhân vật nam chính về sự biến mất của người vợ, đẩy anh ta chìm đắm vào sự cô đơn một lần nữa. Đó cũng là thứ mà độc giả hay bắt gặp trong những tác phẩm của Murakami.

Năm 2010, đạo diễn gốc Việt, Trần Anh Hùng đã chuyển thể cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất “Rừng Na Uy” của Murakami thành tác phẩm điện ảnh kể về nỗi cô đơn, lạc lõng, sự mất mát và cả những khám phá, giải phóng tình dục của những nhân vật trẻ tuổi.

Bối cảnh của bộ phim diễn ra ở Tokyo vào những năm 1960, thời điểm nước Nhật xuất hiện một thế hệ trẻ nổi loạn chống lại những tiêu chuẩn truyền thống khắt khe mà thế hệ cũ áp đặt lên họ.

Tuy nhiên 2 bản chuyển thể điện ảnh thành công nhất, và thậm chí còn đưa 2 bộ phim này vào những tác phẩm điện ảnh được đánh giá cao nhất trong đầu thế kỷ 21 là Burning (2018) của đạo diễn người Hàn Quốc, Lee Chang Dong và Drive my car (2021) của đạo diễn Nhật Bản Ryusuke Hamaguchi.

Cả 2 đều là sự chuyển thể đầy táo bạo và sáng tạo của 2 đạo diễn có phong cách cá nhân nổi bật.

Burning (chuyển thể từ truyện ngắn Barn burning) gợi lên những cảm giác và màu sắc lạ lẫm mà khán giả có thể tưởng tượng khi đọc tác phẩm của Murakami, nhưng đồng thời sức sáng tạo vượt bậc của Lee Chang Dong vẫn mang lại cho họ những hình ảnh đậm chất điện ảnh của riêng ông.

Chẳng hạn như chi tiết cô gái trẻ Hae-mi (Jeon Jong-seo) nhảy múa trước 2 chàng trai trong ánh chiều tà hay cảnh những nhà kho bốc cháy theo đúng nghĩa đen ở một vùng nông thôn Hàn Quốc, chất chứa những ẩn dụ mà đạo diễn muốn truyền tải.

Bên cạnh đó, Drive my car là một bộ phim đậm chất thiền định, nơi đạo diễn Ryusuke Hamaguchi đã kết nối hai nhân vật cô đơn và đầy tổn thương lại với nhau trong hai không gian khép kín, một sân khấu kịch và một chiếc xe hơi đang chuyển động.

Được đánh giá là tác phẩm chuyển thể xuất sắc nhất của Murakami đến nay, Drive my car cũng mang lại những thành tích mà chưa bộ phim nào đạt được trước đó. Bộ phim nhận được 4 đề cử Oscar, trong đó có đề cử Oscar cho Phim hay nhất và thắng giải Phim quốc tế hay nhất.

Thế giới siêu thực được tái hiện bằng phim hoạt hình

Văn chương của Haruki Murakami đang ngày càng trở nên quyến rũ hơn với giới làm phim, không chỉ các đạo diễn Nhật Bản mà còn những đạo diễn nước ngoài. Sau Trần Anh Hùng và Lee Chang Dong, một đạo diễn người Pháp cũng tìm cách để tiếp cận tác phẩm của Murakami và được ông nhận lời.

Pierre Földes vốn là một nhà soạn nhạc sống ở Budapest (Hungary) trước khi quyết định trở thành đạo diễn. Say mê văn chương của Murakami, ông đã tiếp cận và thuyết phục nhà văn Nhật Bản để ông chuyển thể một trong những cuốn tiểu thuyết của ông thành phim, nhưng không được chấp nhận. Thay vào đó, Murakami chỉ chấp nhận ông chuyển thể truyện ngắn của mình.

Pierre Földes sau đó đề xuất một số truyện ngắn trong tập The Blind Willow and the Sleeping Girl (cây liễu mù và người đàn bà say ngủ) và được Murakami tán thành vì sự tiếp cận mới mẻ, nhất là nó được thể hiện dưới một phương thức chưa từng có so với các phiên bản chuyển thể trước: phim hoạt hình.

Dự án này sau đó đã nhận được giải thưởng Eurimages tại Berlinale năm 2016 và một giải thưởng khác về kịch bản tại Pháp năm 2020. Cuối cùng nó đã trở thành một bộ phim quốc tế do Pháp và Canada sản xuất với kinh phí khoảng 7,1 triệu USD.

Mang trong mình chủ nghĩa siêu thực và những thiền định về hiện sinh, câu chuyện kể về một con mèo đi lạc, một con ếch khổng lồ biết nói và một cơn sóng thần đã kết nối 3 nhân vật: Một nhân viên ngân hàng thiếu tham vọng, người vợ đột ngột biến mất của anh ta và một nhân viên kế toán tâm thần phân liệt.

Ba kẻ cô độc này đã cùng nhau cứu Tokyo khỏi một trận động đất, và tìm thấy ý nghĩa cuộc sống của họ. Thông qua ký ức, giấc mơ và tưởng tượng, đạo diễn Pierre Földes đã xây dựng nên một bộ phim hoạt hình dành cho người lớn, nơi khán giả ngay lập tức có thể nhận ra nguồn chất liệu đến từ Murakami, nhưng đồng thời cũng lạ lẫm vì hình ảnh khác biệt của nó.

Đạo diễn bắt đầu thực hiện bộ phim này bằng cách thuê người thật đóng tại một trường quay ở Montreal (Canada), sau đó kết hợp các kỹ thuật làm phim 3D để chuyển nó sang hình thức phim hoạt hình.

Thuý Vân
Xem thêm: