Tại sao những tác phẩm Manga, Anime ăn theo ở Nhật không vi phạm bản quyền?
Những Fan của Manga, Anime chắc cũng không còn xa lạ gì với cụm từ Doujinshi (同人誌). Đó là thể loại truyện tự xuất bản, thường là manga hoặc tiểu thuyết.
Doujinshi được ghép từ “doujin” (ám chỉ những người có cùng sở thích) và “shi” (từ rút gọn của zasshi, tức tạp chí). Nói cách khác, Doujinshi là sản phẩm hướng đến một nhóm đối tượng độc giả đặc biệt có cùng sở thích.
Ta có hai loại Doushinji
Loại một được gọi là Ichiji sousaku (phiên bản gốc), là Doujinshi không dựa trên bất kì một Manga, Anime hay Game có sẵn nào. Tất cả mọi thứ từ nhân vật, cốt truyện đều do một nhóm không chuyên sáng tạo và thực hiện. Nhóm tác giả này tự quảng cáo cho tác phẩm của họ, vì đam mê hoặc cũng có khi vì lợi nhuận.
Trái lại, Niji sousaku (tác phẩm phóng tác) là Doujinshi mượn ý tưởng sáng tác từ một tác phẩm nổi tiếng đã có từ trước. Với kiểu phóng tác này, bạn sẽ bắt gặp trong đó những nhân vật mà bạn đã biết trước trong một Manga Anime khác. Với Niji sousaku, bạn có thể sáng tạo thêm từ tác phẩm có sẵn, hoặc ghép nhiều tác phẩm lại với nhau để tạo thành sản phẩm mới.
(Ví dụ, bạn không hài lòng với cái kết của Death Note vì cái chết của L – đối thủ số một của Raito. Bạn muốn viết một câu chuyện khác mà trận chiến của hai kì phùng địch thủ này sẽ tiếp diễn, hoặc bạn muốn cho hai anh yêu nhau vào giờ chót thay vì cố giết nhau như trong bản gốc.
Một ví dụ khác, bạn muốn vẽ một Doujinshi mà Koro Sensei sẽ không chết, mà thay vào đó được đưa đến bảo quản tại bảo tàng tương lai ở thế kỉ 22 trong thời đại của Doraemon)
Bằng những Doujinshi, bạn không cần phải là một họa sĩ chuyên nghiệp cũng có thể tha hồ để trí tưởng tượng bay cao bay xa.
Rõ ràng không có vấn đề nghiêm trọng gì đối với loại 1, nhưng ở loại 2, câu hỏi đặt ra là, liệu những sản phẩm như thế có bị xem là vi phạm bản quyền.
Nếu ở một quốc gia khác, ví dụ Hoa Kỳ, Niji Sousaku sẽ bị cấm. Thế nhưng đó lại là một câu chuyện trái ngược ở Nhật. Xét về luật sở hữu trí tuệ, Nhật Bản là một quốc gia rất nghiêm khắc trong vấn đề bản quyền. Bạn có thể tự trải nghiệm điều này sau nhiều lần bị gắn cờ vi phạm trên Video bạn sử dụng chỉ một đoạn nhỏ âm nhạc có xuất xứ từ Nhật Bản.
Vậy mà đối với Niji Sousaku, loại hình rõ ràng đã ăn cắp hình ảnh nhân vật và nội dung từ tác phẩm nổi tiếng, không một ai tỏ ra quan tâm, từ nhà xuất bản đến tác giả, thậm chí đến cả thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng ủng hộ và bảo vệ loại hình trên. Tại sao lại như vậy?
Lòng tôn trọng
Ở Nhật, những nhóm sáng tác tự phát như trên rất được xem trọng, không chỉ từ các Fan mà còn từ chính những Mangakan ( họa sĩ truyện tranh) nổi tiếng. Doujinshi chính là bước đệm của dân nghiệp dư trên con đường trở thành chuyên nghiệp.
Nói đâu xa, bạn có biết nhóm họa sĩ nổi tiếng Clamp từng khởi nghiệp bằng cách vẽ Yaoi (thể loại truyện tranh ái nam) và bán tại các triển lãm truyện Comiket (hội chợ bày bán các tác phẩm Doujinshi).
Tất nhiên các tác giả nổi tiếng sẽ không bắt bí nhóm nghiệp dư này khi chính bản thân họ cũng từng mượn ý tưởng sáng tác từ những bộ truyện khác.
Giữ gìn danh tiếng
Không thua kém họa sĩ truyện tranh chuyên nghiệp và những nhà xuất bản tên tuổi, các nhóm vẽ Doujinshi cũng có một cộng đồng Fan đông đảo. Do đó kiện tụng đòi bản quyền không phải là một ý kiến hay. Ngoài ra Fan của Doujinshi thông thường cũng sẽ là Fan của bản gốc, việc giết hại một cộng đồng Fan như vậy chẳng những chả đem lại ích lợi gì mà còn khiến cho tác giả mang tiếng xấu.
Ngoài ra, những người có tên tuổi và chỗ đứng biết rằng nếu họ kiện xem như nắm chắc phần thắng, tuy nhiên kết quả này chẳng có tác dụng gì đến danh tiếng của họ, mà lại khiến họ mất một số tiền không nhỏ cho những phát sinh trong quá trình khởi kiện. Ngoài ra, họ phải xét đến những tiềm năng của Doujinshi, nếu kiện tụng, rất có thể họ đang hủy hoại cơ hội kết hợp với một ngôi sao sáng trong tương lai.
Doushinji là tác phẩm “phái sinh” chứ không phải hàng ăn cắp
Một tác phẩm tái sinh theo luật bản quyền, là một sự sáng tạo những thành tố lớn, đủ để được bảo hộ bản quyền từ một tác phẩm nguyên thủy đã có.
Theo Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Doujinshi không cạnh tranh thị trường với các tác phẩm gốc do vậy lẽ dĩ nhiên sẽ không gây thiệt hại đến các đơn vị, công ty đang nắm giữ bản quyền thương mại của các tác phẩm gốc.
Ngoài ra, Doujinshi chỉ là những sáng tác “ăn theo” chứ không phải dạng vi phạm bản quyền như việc xem, đăng tải Anime và Manga bất hợp pháp, theo ông thì Doujinshi không thể tạo ra được nhiều lợi nhuận như các hình thức khác, do vậy nó không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Quảng cáo miễn phí cho bản gốc
Một số nhà xuất bản tên tuổi tại Nhật như Kodansha hay Shogakukan sử dụng Doujinshi để quảng bá cho các Manga mà họ chịu trách nhiệm xuất bản. Tiềm năng từ những sản phẩm phóng tác này sẽ thu hút thêm nhiều Fan mới cho bản gốc. Ngoài ra đa phần các nhóm vẽ Doujinshi làm việc vì đam mê chứ không phải vì tiền, đây là một cách quảng cáo rất thông minh nhằm tiết kiệm túi tiền cho nhà sản xuất.
Đối với cộng đồng sáng tác Doujinshi, 4% nói rằng họ làm để kiếm sống, 10% muốn tạo bước đệm để trở thành chuyên nghiệp và còn lại làm để giải tỏa stress. Thậm chí trong nhóm những người làm để kiếm sống, thu nhập của họ từ những sản phẩm ăn theo này cũng không cao. Đó chính là lý do những tác phẩm kiểu này chính là sản phẩm “thuần khiết” nhất, không chịu bất kì một áp lực doanh số nào, tất cả đều là đam mê và thú vui của những tài năng đang chớm nở.
Bằng cách làm ngơ trước sự vi phạm bản quyền của Doujinshi, Nhật Bản đã tạo nên một môi trường lý tưởng để nuôi dưỡng nhân tài, đồng thời kích thích Cộng đồng Fan hoạt động mạnh mẽ hơn.
Nói đi cũng phải nói lại, đúng là các Doujinshi này đang vi phạm bản quyền, nhưng không ăn cắp, ít nhất là linh hồn của tác phẩm. Không những thế Doujinshi phản ánh chính xác nhất các phản hồi của Fan giành cho phiên bản gốc (họ muốn câu chuyện phát triển như thế nào, số phận các nhân vật ra sao,…) để làm nguồn tư liệu cho chính tác giả. Doujinshi là bữa tiệc sáng tạo của các Otaku dựa trên nền tảng yêu mến và chia sẻ, là một phần trong văn hóa Manga và Anime của Nhật, rất đáng được duy trì và nhân rộng.
Nếu có dịp hãy ghé thăm các Comiket để tìm ra tác phẩm mà bạn yêu mến nhé.
Sachiko