Những “gia vị” không thể thiếu làm nên các bộ phim truyền hình Nhật Bản

Trước kia, khi nhắc đến phim Hàn Quốc bạn thường liên tưởng đến cảnh nhân vật chính chết trong bi đát bởi một căn bệnh nan y, chủ yếu là ung thư. Hoặc khi nhắc đến phim Mỹ, người ta nhớ đến những pha hành động nghẹt thở, xe hơi rượt đuổi nhau ngay trong trung tâm thành phố.

Nếu là phim lấy bối cảnh Thượng Hải hẳn phải là cảnh đấu đá mưu mô xảo quyệt của các thế lực ngầm.

Vậy điều gì làm nên mô – típ của các bộ phim truyền hình Nhật Bản? Nếu là Fan của điện ảnh Nhật Bản, chắc hẳn bạn sẽ nhận ra các tình tiết rất quen thuộc sau trong hầu hết các bộ phim.

1. Học sinh chuyển trường

Mô – típ học sinh chuyển trường xuất hiện trong phim Nhật rất nhiều. Không chỉ phim mà trong Anime, Manga,… cũng dễ dàng bắt gặp tình tiết này. Đến mức bạn bắt đầu nghi vấn “Học sinh ở Nhật hình như rất hay phải chuyển trường”.

Thật ra, cũng giống như một số chi tiết hư cấu khác, học sinh chuyển trường cũng chỉ là nút thắt tác giả thêm vào để xây dựng nội dung cho bộ phim. Ngoài đời thực, đương nhiên không có nhiều trường hợp như trong phim ảnh rồi.

Còn chi tiết nào để bắt đầu cho một cuộc tình lãng mạn lý tưởng bằng sự xuất hiện của một học sinh chuyển trường đẹp trai nhưng kì quái. Vô tình hay hữu ý, anh ta sẽ được xếp ngồi cạnh nữ chính, và tiếp theo sau đó sẽ là một loạt sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa hai nhân vật.

Các học sinh chuyển trường trong phim Nhật thưởng rất nổi bật trong lớp, trở thành đề tài bàn tán xôn xao của mọi thành viên. Nhưng thông thường anh ta/cô ta không chú ý đến điều đó.

2. Chuyến dã ngoại của lớp

Tình tiết này có thể là một cơ hội nếu đó là phim tình cảm, nhưng cũng có thể là một hiểm họa ngầm khi đặt trong bối cảnh phim kinh dị.

Trong một bức ảnh thôi mà đã có bao nhiêu chuyện xảy ra rồi…

Dã ngoại đồng nghĩa với việc các học sinh sẽ có một đêm rời xa vòng tay phụ huynh để tha hồ tung tăng ở bên ngoài. Thử tưởng tượng xem trong chuyến dã ngoại, chuyện gì có thể sẽ xảy ra.

Bạn sẽ có khả năng bị lạc, bị rơi xuống núi, bị giang hồ tấn công. Lúc đó, hoặc là người hùng trong mộng của bạn đến giải vây, hai bạn có cuộc hẹn “bất đắt dĩ” vô cùng lãng mạn, hoặc đó có thể là sự bắt đầu kì bí của một cuộc tàn sát hàng loạt.

3. Tình đơn phương

片思い (Kataomoi) trong tiếng Nhật có nghĩa là tình cảm đến từ một phía, không được đáp lại. Phim Nhật đề cao sự nỗ lực đến từ các nhân vật trước khi giành được hạnh phúc viên mãn. Không có cuộc tình nào khởi đầu và kết thúc thuận lợi.

Chính vì thế, các cuộc tình đơn phương là thứ gia vị bắt buộc khiến cho bộ phim thêm phần ly kì. Xuất phát là tình cảm đơn phương, thế nhưng về sau, sự chân thành sẽ có thể cảm hóa được mọi con tim sắt đá. Ngoài ra, đây cũng là mô-típ phù hợp với tính cách của người Nhật. Đó là những con người ngại bộc lộ trực tiếp mà sẽ âm thầm, lặng lẽ quan sát và bảo vệ từ xa.

4. Lột xác thành người khác

“Nhộng hóa bướm” là mô – típ quen thuộc không chỉ trong phim truyền hình Nhật Bản. Những chàng trai cô gái có ngoại hình không mấy nổi bật, sau khi gặp được người trong mộng, bỗng dưng được “dậy thì thành công” và trở nên xinh đẹp.

Ngay kể cả trong những bộ phim có tựa đề như “Người đẹp và quái vật” thì cuối cùng, quái vật cũng sẽ lột xác và trở thành hoàng tử. Có lẽ sau một loạt các bộ phim có mô – típ như thế, ta cũng nhận ra được sự thật rằng “phải đẹp mới có người yêu”.

Hoặc các bộ phim ấy đang cố truyền đi thông điệp “Tình yêu có thể làm cho con người trở nên xinh đẹp hơn”.

5. Muôn vàn các kiểu “thả thính” cổ điển xuất hiện với tần suất cao

Bế kiểu công chúa

Các bạn nữ hãy thành thật với bản thân mình nào, các bạn có muốn được anh chàng mình thích nâng niu như nàng công chúa bé nhỏ không?

Đó là mơ ước của rất nhiều cô gái Nhật Bản đấy, chính vì thế những nhà sản xuất phim đã lợi dụng hình ảnh này trong hầu hết các bộ phim tình cảm.

Kiểu bế này vừa thể hiện được sức mạnh nam tính của nhân vật nam, vừa đánh vào tâm lý muốn được nâng niu, che chở của các bạn nữ. Do đó, khi xem cảnh này, tim bạn sẽ tự nhiên lệch mất một nhịp.

Kabe-don

Kabe-don là kiểu “dồn đối phương vào chân tường”. Nếu như bế công chúa thể hiện được sự mạnh mẽ nam tính thì Kabe-don đem lại cảm giác gượng ép, bạo lực nhưng cũng rất lãng mạn, quyến rũ. Gần đây, vì sợ gây nhàm chán cho người xem, Kabe-don đã có nhiều biến thể hơn. Ví dụ như Yuka-don (ghìm đối phương xuống sàn), Yuki-don (Đẩy đối phương xuống tuyết).

Yuka-don

Yuki-don

Kabe-don nổi tiếng đến mức được các bạn trẻ Nhật Bản “chế” lại theo mẫu “XX-don” (Ví dụ: Neko-don, Inu-don, hay thậm chí là U-don).

Ago-kui

Còn gì căng thẳng bằng được một anh chàng đẹp trai “nâng cằm” rồi nhẹ nhàng trao cho nụ hôn nồng cháy. Đúng vậy, Ago-kui chính là hành động nâng cằm đối phương. Và đương nhiên, không phải lúc nào Ago-kui cũng đem lại cảm giác lãng mạn.

Sẽ chẳng thể lãng mạn nổi khi ai đó đang “bóp cằm” đe dọa bạn rồi. Thế nhưng kiểu này hay thấy trong phim bạo lực hơn nhỉ?

Sode-kuru

Nghĩa gốc của từ này là xắn tay áo. Thời điểm phù hợp nhất để “thả thính” theo kiểu Sode-kuru là khi bạn gái đang làm bếp, bạn nam sẽ từ từ xuất hiện từ phía sau và xắn tay áo lên cho bạn gái. Tán gái bằng cách vừa dữ dội vừa dịu êm thế này, chắc không cô gái nào có thể cưỡng lại.

6. “Đắng lòng” với các kiểu “cái chết phá Game”

Trải qua bao trái ngang cuộc đời, bao thử thách chông gai thì một trong hai nhân vật lăn đùng ra ốm “thập tử nhất sinh”. Quả là không còn gì trái ngang hơn.

Tùy vào “lòng tốt” của đạo diễn mà số phận của nhân vật sẽ được quyết định theo các chiều hướng khác nhau. Hoặc là mãi mãi ra đi hoặc trở lại nhưng mất trí nhớ. Mô – típ này đã có trong các bộ phim Hàn Quốc từ rất lâu và vẫn tiếp tục “làm mưa làm gió” trong điện ảnh Nhật Bản.

Tuy cách này khiến tình cảm hai bên được khắng khít sâu đậm, dễ lấy đi nước mắt của người xem, thế nhưng cũng có những ý kiến cho rằng kiểu này đã quá cổ và gây nhàm chán, chưa kể còn khiến nhiều người xem cảm thấy bức xúc, khó chịu.

Kết

Điện ảnh càng phát triển, đi kèm theo đó là các mô – típ mới ra đời. Thế nhưng có những mô – típ sống mãi với thời gian và được “xào đi xào lại” trong phần lớn các bộ phim truyền hình Nhật Bản.

Có lẽ đã đến lúc các nhà làm phim nên nghĩ ra những công thức mới cho các bộ phim của mình thay vì cứ lặp lại những kiểu đã quá quen thuộc với người xem.

Sachiko

Thông điệp giáo dục trong các bộ phim điện ảnh Nhật Bản

11 chuyện tình thầy trò đầy ngang trái từng được kể trên phim Nhật

Kiểu tỏ tình “bá đạo hột gạo” của người Nhật nay đã có phiên bản mới

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: