Những bộ phim Nhật Bản khai thác đề tài kẻ sát nhân hàng loạt

Nhật Bản là một trong những quốc gia sở hữu kho tàng phim trinh thám – kinh dị ‘khổng lồ’ với nội dung xoay quanh những kẻ sát nhân hàng loạt, khiến ai xem qua cũng ‘sởn gai ốc’.

1. Dâu đêm đoạt mệnh

 

Được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Honda tesuya, Dâu đêm đoạt mệnh xứng đáng là bộ phim trinh thám chuyển thể hay nhất của Nhật Bản. Lời đề từ ‘Dòng máu đỏ tươi túa ra từ vết cắt trên cổ họng, cô gái nằm yên bất động với hai hốc mắt trống rỗng. Bạn có muốn được tận mắt chứng kiến hình ảnh này không?’, có thể dọa bất cứ khán giả yếu tim nào khóc thét.
Bắt nguồn từ một cái xác tìm thấy ven góc đường với chi chít vết thương, cùng hai vết cắt dài ở cổ và cạnh sườn, nữ cảnh sát trẻ tuổi Reiko Himekawa cùng với các cộng sự của mình dần bị kéo vào một vụ giết người hàng loạt hết sức tàn nhẫn, mà chính cô cũng có nguy cơ trở thành nạn nhân dưới tay ‘đao phủ’.
Phải bị đày đọa, hành hạ giày vò tới nhường nào kẻ sát nhân mới có thể xuống tay tàn nhẫn như thế, chỉ vì ‘tao chỉ muốn sống và cảm nhận được dòng máu giống như mọi người đang chảy trong mình. Tao muốn biết mình cũng là một con người’.
Bộ phim không những mô tả một cách chân thực tới rợn người cảnh hành quyết, mà còn lên án thực trạng xã hội với những con người dửng dưng, lạnh lùng tới tàn nhẫn đã đẩy một cô gái yếu đuối hiền lành trở thành kẻ giết người không ghê tay.
2. Lời thú tội của kẻ sát nhân

Được chuyển thể từ bộ phim điện ảnh cùng tên nổi tiếng của Hàn Quốc, kể về vụ giết người hàng loạt xảy ra năm 1995 khiến dư luận bàng hoàng khiếp sợ. Người ta càng khiếp đảm hơn khi chính vị thanh tra phụ trách vụ án – Wataru Makimura cũng bị rơi vào bẫy của kẻ sát nhân và bị giết hại dã man.
Tuy rằng sau đó chuỗi thảm sát đã chấm dứt nhưng vụ án cũng đi vào ngõ cụt và vẫn là một bí ẩn cho tới ngày nay. 22 năm sau, cuốn hồi ký giết người mang tên ‘Ta là kẻ sát nhân’ được xuất bản với độc giả cả nước.
Trong tác phẩm, tác giả Masato Sonezaki đã đặt mình vào vị trí của kẻ sát nhân và mô phỏng lại toàn bộ 5 vụ án giết người ngày đó. Ngày họp báo ra mắt tác phẩm, vị tác giả xuất hiện với một diện mạo rạng ngời. Thế nhưng, những chi tiết chân thực bên trong nó khiến người ta nghi ngờ, phải chăng ông cũng liên quan tới vụ án năm xưa?
Hội tụ trong mình tất cả mọi yếu tố: giết người hàng loạt, bật mí bí mật vào những lúc không ngờ tới, những cảnh hành động kịch tính, lôi cuốn, thậm chí cả một câu chuyện tình bi thảm… Lời thú tội của kẻ sát nhân xứng đáng là bộ phim kinh dị tâm lý tội phạm kinh điển đối với nền điện ảnh của Hàn Quốc lẫn Nhật Bản.
3. Sát nhân máu lạnh

Có phần giống với tác phẩm 50 sắc thái, Sát nhân máu lạnh được đánh giá là bộ phim ‘hay hoặc dở, nhân văn hay biến thái đều tùy thuộc ở cách nhìn của người xem’. Bất chấp những nhận xét tiêu cực từ phía đông đảo người xem như ‘quá kinh dị, bạo lực, quá đậm nét tình dục và biến thái đến mức gọi là tởm’, bộ phim vẫn được đánh giá là tác phẩm thành công bậc nhất của Nhật Bản.
Bỏ qua hết những cảm nhận tiêu cực, những cái nhìn của phần ‘con’ thì đây thực sự là tác phẩm nghệ thuật, lột trần thực tế quá đau đớn. Phản ánh đúng bản ngã con người khi mà mọi vấn đề đều có căn nguyên, những sự lựa chọn.
Sống giả tạo hay là bán linh hồn cho quỹ dữ. Con người khi trở về đúng bản năng là sinh tồn. Mỗi nhân vật đều gặp vấn đề tâm lý trong cuộc sống, ngôn ngữ, tâm trạng buồn, vui, khóc, cười biến chuyển quay quắt như điên dại.
4. Cứu chữa

Được đánh giá là kiệt tác phim kinh dị, ‘Cứu chữa’ mang đến một nổi sợ vô hình về một xã hội chỉ toàn những cái chết không lời giải đáp. ‘Hầu hết mọi người đều cho rằng tội ác đều có lý do của nó nhưng có một số vụ, người ta vẫn giết nhau mà chẳng cần lý do’ – lời trích từ bộ phim.
Đây có thể là bộ phim về kẻ sát nhân khác biệt trong số những kẻ giết người hàng loạt. Mỗi vụ án được thực hiện bởi một người khác nhau, nhưng tất cả những thủ phạm đó đều không nhớ gì cả, chỉ ra tay thực hiện tội ác đẫm máu mà không hề có cảm giác. Thì ra họ chỉ là những con rối. Kẻ thủ ác không trực tiếp xuống tay với nạn nhân, mà thôi miên những người khác làm tay sai cho gã.
5. Bài học của ác quỷ

Không phải giáo viên nào cũng tận tâm và yêu thương học sinh hết mực. Seiji Hasumi – một giáo viên trung học 32 tuổi rất được học sinh yêu mến, đồng nghiệp tôn trọng thực chất lại là một kẻ rối loạn tâm thần và quan niệm phản xã hội.
Gương mặt hiền lành, cử chỉ nho nhã, chẳng ai ngờ được người thầy đáng kinh đó từ năm 14 tuổi đã giết cả gia đình, tham gia vào những trò tắm máu kinh tởm và dùng mánh khóe để trở thành giáo viên cấp 3.
Theo hắn, cách duy nhất để giái quyết hai vấn đề lớn trong trường học: bạo lực học đường và phụ huynh áp đặt con cái là giết chết tất cả các học sinh. Thông qua hình ảnh một giáo viên tâm thần, bộ phim muốn chỉ ra sự trái ngược trong quan điểm giữa hai thế hệ, và liệu người lớn có thực sự biết cách hiểu và hòa nhập với trẻ con. Để rồi, sau đó, chính giới trẻ lại giúp người lớn hiểu ra bài học về sự thấu hiểu, vị tha, đem lại sự đồng cảm cho cả hai thế hệ.
6. Ngôi nhà đen

Bộ phim bắt đầu với cái chết bí ẩn của cậu con trai trong gia đình nọ và họ tới công ty bảo hiểm đòi tiền bồi thường. Tuy nhiên, cảm nhận được vài điểm kỳ lạ với gia đình này, nhân viên bảo hiểm Masaaki Uchino đã tiến hành điều tra trong vô định, đồng thời cũng dấn bước vào cơn ác mộng khốc liệt nhất cuộc đời anh.
Kẻ sát nhân ra tay ngày một tàn độc đến man rợ, hắn luôn sống lẩn trốn và chỉ lộ dạng ở gần cuối phim. Là một bộ phim đẫm máu và vô nhân tính, Ngôi nhà đen từng được Hàn Quốc làm lại với rating R.
7. Cuốn sổ tử thần

Được chuyển thể từ bộ truyện tranh cùng tên của tác giả Takeshi Obata – một trong những huyền thoại manga rất nổi tiếng tại xứ sở hoa anh đào, Death Note vừa ra mắt đã gây tiếng vang lớn và vẫn không ngừng được yêu thích ở khắp nơi trên thế giới.
Bộ phim xoay quanh Yagami, một chàng trai trẻ vô tình nhặt được quyển sổ kì bí có khả năng giết những người bị ghi tên trong đó. Light Yagami sau này đã lấy biệt danh là Kira và dùng quyển sổ để thanh lọc lại thế giới, bằng cách ghi tên những kẻ xấu vào quyển sổ.
Tuy nhiên, càng lúc càng đắm chìm vào tội ác, Light bỏ quên lý tưởng ban đầu của mình. Từ một thần đồng có tương lai rộng mở, Light Yagami bị tha hóa thành một kẻ hèn hạ, không từ thủ đoạn, không có lòng trắc ẩn.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao Nhật Bản lại cho ra đời quá nhiều những tác phẩm kinh dị tới rùng rợn như thế? Bởi không chỉ có trong truyện tranh hay phim ảnh, những tên sát nhân tâm thần man rợ xuất hiện khá nhiều ở lịch sử nước Nhật hiện đại.
Nhật Bản vốn nổi danh là một quốc gia yên bình, hiền hòa và có tỷ lệ số vụ giết người thuộc hàng thấp nhất thế giới, nhưng mỗi khi có án mạng xảy ra thì tất cả đều là những tên sát nhân tâm thần giết người không ghê tay. Sở dĩ như vậy, là do quốc gia tưởng chừng như hoàn hảo này tồn tại những khuyết điểm vô cùng trầm trọng, đó là áp lực trong mọi khía cạnh của cuộc sống: học tập, làm việc, gia đình. Con người ta buộc phải giẫm đạp lên nhau mà sống.
Người ta vẫn thường nói ‘văn học là tấm gương phản chiếu rõ nhất xã hội đời thực’, có lẽ bởi vậy mà trong bất kỳ tác phẩm văn học, điện ảnh nào của Nhật Bản, người ta đều cảm nhận được khi phảng phất, lúc nồng nặc sự ám ảnh, hằn học, biến thái, lệch lạc, bi quan…

Theo Tức Mặc/ Baodatviet.vn

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: