8 điều thú vị về thế giới âm nhạc tại Nhật Bản
Nhật Bản luôn tràn ngập những điều kỳ thú. Ngoài ẩm thực tuyệt vời, lịch sử thú vị và địa lý đặc sắc, văn hóa đại chúng – mà cụ thể ở đây chính là âm nhạc – cũng là một thỏi nam châm kéo du khách đến với đất nước Mặt Trời mọc. Từ luật cấm nhảy múa cho tới ông chú idol râu rậm người Úc, sau đây là một vài điều thú vị về thế giới âm nhạc tại Nhật Bản mà có thể bạn ít biết tới.
1. Mọi người vẫn mua rất nhiều đĩa CD
Tất nhiên là có rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống hằng ngày tại Nhật Bản mà người nước ngoài có thể không khỏi ngạc nhiên, và có lẽ tình yêu của người dân đất nước này đối với CD đến tận ngày nay cũng nằm trong số đó.
Khi mà những chiếc đĩa dần chỉ là quá khứ trong thời buổi mà download và stream trực tuyến tràn ngập khắp thế giới, thì tại Nhật Bản CD vẫn chiếm tới 85% doanh số thị trường âm nhạc. Xét tới việc Tokyo được xem là trung tâm công nghệ và thủ đô hiện đại, lý do vì sao CD vẫn là định dạng tiêu thụ chính trong thị trường âm nhạc quả là một điều bí ẩn.
2. Bán CD dưới dưới giá $25 (~ 568.000 VNĐ) là bấp hợp pháp
Tại phần lớn các quốc gia Châu Âu, nơi duy nhất bạn có thể tìm một chiếc đĩa CD hẳn chỉ có dưới đáy một cái thùng giảm giá nào đó – nhưng tại Nhật Bản thì không như vậy, bởi vì trên thực tế điều đó là vi phạm luật. Có tên gọi là Hệ Thống Saihan, luật lệ này áp dụng cho vô vàn đối tượng bản quyền khác nhau, bao gồm cả CD.
Được đưa ra vào năm 1953, hệ thống cho phép người chủ đặt mức giá bán lẻ tối thiểu của các sản phẩm mới phát hành hoặc được tái phát hành. Với những người nghĩ rằng $25 là hơi quá cao, thực tế còn có những dịch vụ cho thuê CD mà vì một vài lý do nào đó nên dường như là hợp pháp theo luật bản quyền.
3. Cho tới gần đây, nhảy múa về cơ bản vẫn là bất hợp pháp
Trên thực tế Nhật Bản mới chỉ nới lỏng luật cấm nhảy múa, thường được biết đến dưới tên gọi Luật Fueiho, chỉ hơn hai năm trở lại đây. Điều luật này có hiệu lực vào những năm 70 của thế kỷ trước, khi chính quyền bắt đầu nhắm vào vũ trường trong nỗ lực triệt phá hoạt động mại dâm. Khi Luật Fueiho được đưa vào thực hiện, các đơn vị tổ chức sự kiện nghệ thuật phải xin một giấy phép đặc biệt cho phép hoạt động nhảy múa, mặc dù vào giai đoạn cuối thế kỷ 20, người ta đã có phần ngó lơ điều luật bất khả thi này.
4. Tokyo có hệ thống âm thanh thuộc hàng tốt nhất thế giới
Tại một quốc gia nơi sự thưởng thức nhanh chóng biến thành niềm đam mê cuồng nhiệt, chẳng có gì lạ khi những audiophile (tạm dịch: những người mê âm thanh nổi) lại khởi nguồn từ Nhật Bản.
Với một số lượng không kể xiết những quán café, bar, và cả những câu lạc bộ lớn bé thường xếp san sát nhau trong cùng một khu vực, Tokyo thực sự là ngôi nhà đối với những fan âm nhạc nghiêm túc với fandom của mình. Minh chứng rõ nhất cho điều này có thể được tìm thấy tại câu lạc bộ đêm VENT tọa lạc tại Shibuya, nơi hệ thống âm thanh được thiết kế đặc biệt nhằm triệt tiêu âm vang.
5. Idol Metal – “đứa con lai” giữa metal pop và girly pop
Sự thực là, sự pha trộn khác thường giữa thể loại thrash metal và pop này hiện đang là một thể loại chính thống tại Nhật Bản, thậm chí còn khá thịnh hành nữa. Babymetal là nhóm nổi tiếng nhất trên phương diện quốc tế.
Gồm ba giọng ca nữ tuổi teen, Babymetal đã tổ chức nhiều tour diễn trên khắp thế giới và đưa thể loại này tới gần hơn khán giả cũng như thị hiếu chung. Ngoài ra cũng không thể không nhắc tới một cái tên khác cũng nổi bật không kém trong thể loại Idol Metal là Ladybaby, với thành viên (từng) gồm có hai người mẫu ảnh Kaneko Rie và Kuromiya Rei, cùng một đô vật người Úc cross-dressing với nghệ danh là Ladybeard.
6. Đất nước với nhóm nhạc có số lượng thành viên “khủng bố” nhất thế giới…
Nổi lên từ “Thánh địa Mecca của thế giới 2D” Akihabara là AKB48, nhóm nhạc pop có quy mô lớn nhất thế giới, theo đúng nghĩa đen của từ đó. AKB là tên viết tắt của Akihabara và hiện nay, số lượng thành viên của ban nhạc này đã có khoảng 130 thành viên.
Ban đầu được thành lập với ý tưởng một nhóm ban nhạc nữ dễ gần với khán giả bởi nhà sản xuất Akimoto Yasushi, tới nay nhóm đã có một nhà hát riêng cho mình tại Akihabara, nơi họ trình diễn trong tuần, cho các fan cơ hội để được trực tiếp gặp mặt thần tượng của mình. Tuy nhiên trong trường hợp bỏ lỡ, bạn luôn có thể ghé thăm quán café mang chủ đề AKB48 ở gần ga Akihabara.
Ảnh: justdance.wikia.com
7. … và ca khúc hit ngắn nhất thế giới
Diễn viên hài Nhật Bản Pikotaro hiện đang là người giữ danh hiệu ca sĩ trình bày ca khúc ngắn nhất trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100. Khuấy đảo internet và các bảng xếp hạng nhạc pop vào cuối năm 2016 với giai điệu đơn giản mà gây nghiện, cú hit “PPAP”, viết tắt của “Pen-Pineapple-Apple-Pen”, đã đưa tên tuổi của danh hài 53 tuổi vượt ra khỏi biên giới Nhật Bản và xuất hiện trên các bảng xếp hạng của thế giới.
Thành công này cũng là lần đầu tiên sau 26 năm, một ca sĩ người Nhật lọt vào bảng xếp hạng Billboard Hot 100 của Mỹ.
8. Quốc gia duy nhất mà Tower Records vẫn còn tiếp tục hoạt động lớn mạnh
Dù từng một thời là một thế lực lớn trong ngành công nghiệp âm nhạc, cả về tiềm lực lẫn thành công, chuỗi cửa hàng Tower Records đã dừng hoạt động vào năm 2006. Với sự xuất hiện của những thiết bị giải trí khác phổ biến khắp thế giới, những cửa hàng với hai màu sắc chủ đạo đỏ-vàng này cũng nhanh chóng chịu chung số phận của những chiếc CD vào cuối những năm 2000 – ngoại trừ tại Nhật Bản.
Trên thực tế, vào năm 2012, Tower Records Shibuya đã làm được điều tưởng như không thể và gia tăng về quy mô, với sự bổ sung thêm một cửa hàng sách, một không gian biểu diễn trực tiếp, và một quán café. Tọa lạc tại trái tim của Shibuya trên một khoảng đất có diện tích 5000 mét vuông, đây vẫn là một điểm đến không thể bỏ qua với các du khách cũng như người dân bản địa.
Theo KhanhVu/Otaku Thời Báo
Những biến thể của Shamisen- Nhạc cụ cổ truyền đem lại âm thanh ma mị của âm nhạc xứ Phù Tang
Nhật Bản -Nền giáo dục âm nhạc hướng mỗi học sinh trở thành nghệ sĩ thực thụ
Sức ảnh hưởng bất ngờ từ một ý tưởng thi thố karaoke “ao làng”đến các cuộc thi âm nhạc quốc tế