Câu chuyện xúc động đằng sau lời tỏ tình Nhật Bản “Mình Muốn Ăn Tụy Của Cậu”

Những ngày mùa hè năm 2017 tại Nhật Bản, câu chuyện về cô bé Sakura Yamauchi trong cuốn tiểu thuyết “Mình Muốn Ăn Tụy Của Cậu” đã được tái hiện bằng những thước phim điện ảnh thấm đẫm chất nghệ thuật và giá trị nhân văn sâu sắc.

Được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên ăn khách của nhà văn Yoru Sumino, Kimi no Suizo wo Tabetai (Mình Muốn Ăn Tụy Của Cậu) đã chinh phục khán giả bằng một câu chuyện cảm động, lãng mạn và trong sáng với những triết lí giản dị về ý nghĩa được sống, được tồn tại.


Mạch phim bắt đầu bằng sự hồi tưởng của nhân vật Haruki Shiga, một nam sinh trung học luôn tự “ẩn mình” trong thế giới của những quyển sách, đôi mắt buồn của cậu chỉ nhìn vào những dòng chữ. Cuộc sống nhàm chán, buồn tẻ đó bỗng một ngày bị khuấy động bởi Sakura Yamauchi, một nữ sinh xinh đẹp, hòa đồng, là tâm điểm của mọi sự chú ý.


Sakura mắc bệnh ung thư tuyến tụy, vậy mà cô gái vẫn mỉm cười và hạnh phúc sống từng ngày. Những mệt mỏi, đau đớn phải chịu đựng được cô ghi lại trong “sổ ghi chép bệnh tình” của mình và Haruki đã tình cờ nhặt được nó. Từ đó, Sakura luôn “làm phiền” Haruki để viết nên những điều thú vị trong những ngày tháng cuối cùng của một thanh xuân ngắn ngủi.

Thư viện với những hàng sách xếp đều đặn, ánh sáng tỏa ra và cánh hoa anh đào khẽ bay vào, vương trên gương mặt của Sakura là hình ảnh đẹp đẽ nhưng cũng đau buồn nhất mà Haruki nhớ đến. Haruki khi trưởng thành vẫn đơn độc như ngày xưa. Nhờ những dòng hồi ức trong câu chuyện kể lại với người học trò mà anh đã sống lại, bắt đầu thực hiện những điều mới mẻ, tốt đẹp hơn.


Nụ cười của Sakura rất đẹp, đó là thứ giàu sức sống nhất trong những ký ức man mác nỗi buồn của Haruki. Nụ cười đó rất gần gũi, đẹp đẽ nhưng cũng quá đỗi bi thương. Đằng sau sự vui vẻ, hồn nhiên, tràn ngập tiếng cười ấy là nghị lực, sự đấu tranh kiên cường với bệnh tật và khát khao được sống, tận hưởng từng giây phút ít ỏi của cuộc đời. Giống như một thiên thần, cô là người gắn kết Haruki đến với cuộc sống thực sự, tháo đi vỏ bọc tự ti để hòa nhập với cộng đồng.

Bộ phim đã truyền tải được nội dung, cái hồn của cuốn tiểu thuyết bằng sự kết hợp hài hòa giữa khung cảnh, âm nhạc và diễn xuất. Đó là những con đường đầy sắc hồng của hoa anh đào, thư viện đầy nắng trong trẻo tiếng cười và sự yên lặng bình thản hòa vào những thanh âm du dương, đầy cảm xúc cùng cách diễn rất tự nhiên của mỗi nhân vật.

Một Sakura yêu đời đã được khắc họa rõ nét qua vẻ đẹp tinh khôi của Minami Hamabe. Cô gái ấy luôn tỏa sáng, bừng lên khát vọng sống trong từng khung hình đối lập với một Haruki sống nội tâm, ngốc nghếch, đáng yêu qua sự hóa thân tròn vai của Takumi Kitamura. Và Haruki khi trưởng thành, một con người cô độc sống trong quá khứ đã được nam tài tử Shun Oguri thể hiện rất xuất sắc với lối diễn xuất từng trải, giàu cảm xúc.

Cốt truyện phim nhẹ nhàng, sâu lắng khi nói về tình bạn, sự sống và cái chết, rất chân thực và dung dị, không quá bi kịch hay đau đớn mà là nỗi nhớ, sự tri ân về một người bạn thân thiết đã ra đi rất lâu rồi. Những giọt nước mắt rơi xuống như một lời tiễn biệt chân thành, yêu thương nhất gửi đến Sakura, một kết thúc buồn nhưng lại đầy niềm tin và hy vọng, như một sự bắt đầu mới mẻ vì được sống là một điều quý giá vô cùng.

“Mình muốn ăn tụy của cậu” là lời mở đầu và kết thúc của câu chuyện. Đó là một yêu cầu nghe có vẻ kinh dị nhưng khi bạn biết ý nghĩa thực sự của nó, bạn sẽ khóc, sẽ phải suy nghĩ và mỉm cười với cảm xúc chân thật nhất của một con người.

“Mình muốn ăn tụy của cậu” chính là điều cuối cùng mà Haruki gửi đến Sakura. Không có hồi đáp nhưng đó là mong muốn, là một lời “tỏ tình” rất đặc biệt mà chỉ Haruki và Sakura biết, đó là bí mật thanh xuân ngọt ngào của tuổi mười bảy.

Theo Kênh 14

Có thể bạn chưa biết: Bộ phim hoạt hình dài nhất thế giới là của Nhật

Những gia vị không thể thiếu làm nên các bộ phim truyền hình Nhật Bản

Mê mẩn với các điệu nhảy phim truyền hình Nhật

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: