Muốn biết người Nhật Bản ăn Tết thế nào, cứ xem phim của họ!

Chào mừng bạn đến với danh sách những phim Nhật nói về phong tục ăn tết của người dân Nhật Bản.

Mỗi quốc gia đều có những truyền thống và phong tục riêng để tiễn năm cũ, chào năm mới. Trong khi người dân nhiều nước có xu hướng hòa theo đám đông tham gia các hoạt động trên phố, thì người dân Nhật Bản lại nổi tiếng về các hoạt động tận hưởng ngày nghỉ tại gia, cùng với người thân thiết. Khi nhắc đến Tết Nhật, chúng ta thường nghe đến thông dụng nhất chính là các món osechi trên mâm cơm đầu năm, hay hatsumode – tập tục viếng chùa cầu may, cũng có thể là thói quen theo dõi các chương trình giải trí hài kịch ca nhạc trên TV trong đêm giao thừa.

Nếu bạn cảm thấy tò mò về cách người Nhật tận hưởng ngày Tết, cách đơn giản nhất là hãy xem qua 4 phim điện ảnh sau đây nhé.

1. Rice Cake Rhapsody – Bài Ca Bánh Gạo

Rice Cake Rhapsody (Bài Ca Bánh Gạo) là câu chuyện xúc động về một gia đình trẻ vừa rạn nứt, cùng cảm giác hoài cổ dành cho những người họ hàng xa và những tập tục xưa cũ. Trong phim, nữ chính Mifuyu (Mari Hoshino đóng) sau cuộc ly hôn nhiều nước mắt đã lên đường trở về quê đón Tết cùng gia đình. Mifuyu dắt theo đứa con gái nhỏ của mình. Ở quê nhà, Mifuyu có cơ hội dạy cho con gái cách làm bánh mochi (bánh gạo Nhật). Trong những ngày tháng đó, quyết định quay về với nơi chôn rau cắt rốn đã giúp Mifuyu vượt qua mặc cảm về cuộc hôn nhân tan vỡ, giúp cô gượng dậy sau những cơn đau và bắt đầu cuộc sống mới.


Theo truyền thống của người Nhật, trong các buổi mochitsuki – hoạt động quây quần giã bánh, khối bột gạo sẽ liên tiếp được nhồi cho dai mịn bằng chày gỗ. Khi chày đập xuống liên tiếp sẽ tạo ra âm thanh đặc trưng và giòn giã theo sự phối hợp nhịp nhàng của hai người thợ giã bánh. Thứ âm thanh này thật sự đã vang lên xuyên suốt trong phim, tạo nên tên phim Bài Ca Bánh Gạo.

Trong thực tế, người Nhật cũng xem bánh gạo và hoạt động giã bánh là một phần không thể thiếu trong những ngày cận Tết, để dịp năm mới họ có thể bày ra những mẻ bánh kagami mocha (bánh gạo mảnh) hay zoni (súp bánh gạo) để ăn lấy hên.

2. Double Troblue/ Ode To Joy – Khúc Ca Hoan Hỉ


Các dịp họp mặt đầu năm thường tạo cơ hội cho mọi người gặp nhau, nhưng trong nhiều trường hợp họ lại không biết gặp nhau rồi nói chuyện gì cho hợp. Double Trouble (Khúc Ca Hoan Hỉ) đã mang đến một tình huống oái ăm như vậy: Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn tập hợp quá nhiều người ở cùng một chỗ?


Lấy bối cảnh một vùng quê nhỏ ở Nhật, trong hai ngày cuối cùng của năm cũ, Iizuka (Kaoru Kobayashi đóng) vốn là quản lý của một trung tâm văn hóa cộng đồng, anh ta vì lười nhác đã vô tình đặt trùng hai nhóm nhạc cùng biểu diễn một tiết mục cho buổi văn nghệ đón giao thừa.

Nhờ vào sự lanh trí, Iizuka đã tìm ra giải pháp kết hợp cả hai nhóm nhạc để tạo nên một màn biểu diễn ngoài sức mong đợi, vừa để giữ thể diện cho chính mình, vừa là để phục vụ cho người dân trong thị trấn.

Thông điệp của Double Trouble cũng phù hợp với bản chất kỳ nghỉ Tết của người dân xứ hoa anh đào: Để tận hưởng kỳ nghỉ, bạn cần dẹp bỏ những phiền muộn, biết trân trọng những gì mình đang có và chia sẻ những thứ tốt đẹp nhất cho cộng đồng.

3. Suite Dreams – Khách Sạn Thiên Đường


Với một cốt truyện kinh điển và dàn diễn viên không thể nào kinh điển hơn, Suite Dreams (Khách Sạn Thiên Đường) là một phim hài giải trí từ đầu chí cuối. Bối cảnh của phim chỉ lòng vòng trong một địa điểm duy nhất: khách sạn giả tưởng mang tên Tokyo Avanti. Đây là bối cảnh diễn ra đủ chuyện dở khóc dở cười của bảy con người. Theo đó, dù chỉ còn hai tiếng nữa là đến phút giao thời, các nhân vật này vẫn đắm chìm trong những hoạt động “lớn lao” của riêng họ: tổ chức đánh ghen vì chồng ngoại tình, vạch trần tham nhũng chính trị, một hội nghị khoa học mà các khách mời phải đội mũ con hươu…


Suite Dreams có kết cấu tương tự như kiệt tác Grand Hotel của Edmund Goulding nhưng có thêm thắt nhiều biến tấu để lột tả được trào lưu sính ngoại trong dịp Tết của người dân Nhật ở các thành phố lớn. Thế nhưng ẩn sau những pha hài hước chính là thông điệp về sự hiếu khách nổi tiếng của người dân nước họ được thể hiện trong cụm từ omotenashi, cùng với niềm tin khách hàng luôn đúng, dù họ sai thì họ vẫn đúng ở một phương diện nào đó. Cuối phim, đâu lại về đấy, đêm giao thừa vẫn diễn ra thuận lợi sau hàng loạt biến động.

4. Sukiyashi – Kiếp Lưu Manh


Kết hợp thể loại hài hước cùng đề tài ẩm thực và bối cảnh phòng giam, Sukiyaki (Kiếp Lưu Manh) là một siêu phẩm hài chính kịch khá thú vị. Chuyện kể rằng ở một phòng giam nọ, có năm anh bạn tù đang dùng bữa cơm giao thừa. Trước mắt họ là một mâm osechi – các phần cơm được đựng trong hộp bento với nhiều món ăn kèm. Để bữa ăn thêm thi vị, họ bày ra một trò chơi: Mỗi người phải kể lại một ký ức về món ăn họ cho là ngon nhất trên đời. Sau đó họ sẽ cùng nhau bỏ phiếu chọn ra câu chuyện hay nhất và người kể sẽ được hưởng một đặc ân: Anh ta sẽ được bốn người còn lại nhường một món trong mâm osechi của mình.

Ngày nay, các món osechi vẫn được xem là quốc hồn quốc túy trong ẩm thực ngày Tết của người Nhật. Với nhiều món ăn kèm được đựng trong những đĩa nhỏ, mỗi món đều mang một ý nghĩa đặc biệt thể hiện hy vọng của người ăn trong năm mới: con tôm tượng trưng cho sự trường thọ, món tảo bẹ thể hiện niềm vui, trứng cá trích thay cho lời chúc con đàn cháu đống, đậu đen lại là để mưu cầu sức khỏe…

Trong phim, khi từng nhân vật kể câu chuyện của chính họ, người xem có thể cảm nhận được người Nhật luôn đặt gia đình là ưu tiên hàng đầu trong kỳ nghỉ lễ. Như người ta vẫn thường nói, món ngon phải có bạn hiền, ngày Tết cũng vậy, còn gì tuyệt vời hơn là những giây phút quây quần bên người thân sau một năm bôn ba vất vả ngoài xã hội.

Theo Kênh 14

Những địa điểm đầy hứa hẹn cho bạn khám phá khi du lịch Ikebukuro trong dịp tết này

Chia sẻ của người Tokyo: Bạn có biết cách ăn Tết của thành phố đông dân nhất Nhật Bản trông ra sao?

[Nữ giới nên xem] 5 phút mỗi ngày mũi tẹt thành cao không cần đến dao kéo

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: