Tại sao các nghệ sĩ thế giới phải phát hành phiên bản Nhật riêng cho Album của mình?
Trong quá trình phát hành Album, các nghệ sĩ nước ngoài (ví dụ như các nghệ sĩ Hàn Quốc hoặc một số nghệ sĩ từ phương Tây như Coldplay, Daft Punk) luôn phải làm thêm một phiên bản riêng cho thị trường Nhật Bản. Tại sao lại phải như vậy? Thị trường này có gì đặc biệt mà lại được ưu ái như thế?
Ảnh YouTube
Để hiểu được lý do, hãy tìm hiểu vào thị trường âm nhạc đặc thù của Nhật Bản trước nhé !
Chính phủ Nhật Bản kiểm soát giá đối với doanh thu của CD nội địa và quy định giá cần phải bán dựa trên độ dài của nội dung trong trong đĩa (hoặc là số lượng bài). Giá của các đĩa này cao hơn hẳn so với CD ở bất kì nơi nào trên thế giới do đó giá đĩa nhập về bao giờ cũng rẻ hơn.
Tất nhiên ở Nhật Bản, nếu bạn bán phá giá so với giá quy định, bạn sẽ bị xử phạt.
Ảnh Eil.com
Đến đây, có lẽ nhiều bạn sẽ thắc mắc, nếu đĩa nhập đã rẻ hơn rất nhiều, tại sao không mua đĩa nhập mà phải mua Album phát hành riêng cho thị trường Nhật Bản với giá đã bị độn lên rất nhiều lần?
Đầu tiên, vì giá của Album nhập khẩu rẻ hơn, để thúc đẩy sản lượng bán đĩa nội địa tại Nhật, các nghệ sĩ sẽ cho thêm nhiều bài hát vào.
Tiếp theo, vì CD ở Nhật có giá rất cao, các hãng thu âm Nhật Bản và các nhà phát hành sẽ luôn cố gắng khuyến mại thêm các món quà tặng kèm vào đĩa phiên bản Nhật để ngăn chặn người mua chọn mua đĩa nhập khẩu.
Ảnh YouTube
Ngoài ra, khách hàng Nhật Bản có truyền thống thích các cuốn booklet và các sản phẩm đi kèm theo đó được ghi bằng tiếng Nhật. Điều này đòi hỏi phải có một đợt phát hành Album đặc biệt, và số tiền thu về thường dùng để trả cho các nhà phân phối Nhật Bản. Các nhà phân phối thường được ủy thác cho việc dịch và làm bìa đĩa (hoặc điều chỉnh bìa) nếu cần thiết. Và họ luôn cho thêm vào đĩa một cái “Obi”, một miếng giấy kẹp ở phía tay trái của vỏ đĩa để phân biệt đây là bản phát hành riêng cho thị trường Nhật.
Về phía nghệ sĩ nước ngoài, họ được gì?
Đầu tiên, họ được thị trường. Với chính sách khôn ngoan của mình, Chính phủ Nhật Bản đã khuyến khích thành công người dân sử dụng sản phẩm nội địa thay vì hàng ngoại nhập. Vì dù giá có đắt gấp nhiều lần, những khách hàng Nhật Bản vẫn cảm thấy đáng đồng tiền bát gạo hơn khi được mua đĩa phiên bản đặc biệt với rất nhiều quà tặng. Chính vì thế, phát hành phiên bản CD riêng cho quốc gia này là một bước đi đúng đắn.
Ảnh YouTube
Bên cạnh đó, các nhà phân phối thường thỏa hiệp về chuyện cho thêm các “B-side” tracks (là các bài nhạc không phải lead single/title track) giúp cho Album đáng mua hơn. Nhiều nghệ sỹ ngày nay hoàn toàn hài lòng với điều này, vì trong quá trình thu âm họ sẽ luôn sản xuất được nhiều nhạc hơn những gì có thể bỏ vào album, từ đó các bài bị loại ra thường sẽ thành B-sides trong đĩa Nhật.
Với sự ra đời và càn quét của thị trường nhạc số, liệu mô hình trên có còn hiệu quả?
Đơn giản hơn, tại sao không mua nhạc trên iTtunes hay Amazon với giá rẻ hơn rất nhiều so với các CD truyền thống có giá trên trời?
Thật ra, với tư duy định giá này, mua nhạc số ở Nhật cũng đắt đỏ chẳng kém gì CD.
Giá trung bình của một bài hát trên iTunes Nhật cao hơn những nơi khác trên thế giới. Một bài nhạc trên iTunes Nhật có giá 250 Yên (tầm 52,000 đồng tiền Việt trong khi iTunes Việt một bài chỉ khoảng 5,500 đồng mà thôi)
Ảnh Tofugu
Thêm nữa là rất nhiều nhạc Nhật không phải cứ đơn giản là sẽ được đẩy lên để mua trên mạng. Sony Music Japan đã không cấp phép iTunes bán bất kỳ bài nhạc nào của họ. Cho đến cách đây khoảng hai năm việc này mới được nới lỏng, nhưng không có nghĩa là cho phép hẳn.
Và lý do khác cũng đáng kể đến ở đây, chính là phần quà tặng hấp dẫn bạn sẽ nhận được khi mua CD mà lúc mua nhạc Online không thể có được.
CD sẽ được đóng gói kèm với các thứ như booklet/ảnh, những DVD mô tả “quá trình sản xuất ” hoặc “phía sau hậu trường”, những đoạn thu âm tin nhắn đặc biệt từ nghệ sĩ đến Fan,…
Sau tất cả, chính nhờ các công ty truyền thông Nhật Bản và chính sách khôn ngoan của họ đã bảo vệ được thị trường đĩa CD bên cạnh sự tấn công ồ ạt của nhạc Online. Không những sử dụng quyền lực mềm (tăng sự hấp dẫn của CD) còn có cả quyền lực cứng. Bạn cứ thử tưởng tượng bị bắt vì tải nhạc lậu ở Nhật đi, có khả năng đi tù đấy.
Ảnh Quartz
Bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ từ những người nghe nhạc Nhật Bản, họ địch thị là Fan cuồng – và đó là những Fan cuồng chân chính. Những Fan cuồng này cho rằng họ phải mua tất cả các bản phát hành của đĩa, đó là cách chứng minh sự trung thành với nghệ sĩ mà họ hâm mộ.
Chính vì thế, thị trường âm nhạc Nhật Bản là thị trường không có cạnh tranh nhưng lại có mức cầu vô cùng lớn.
Vì cả một hệ thống nêu trên, và vì đặc thù thị trường Nhật rất khác biệt, lượng bán đĩa cứng ở Nhật không bị chèn ép bởi sức ảnh hưởng của Internet nhiều như những nơi khác trên thế giới.
Thâm nhập vào thị trường Nhật Bản, đó là thử thách nhưng đồng thời cũng là cơ hội cho rất nhiều nghệ sĩ. Chính vì vậy, trong thị trường âm nhạc đầy tính cạnh tranh này, người ta vẫn hay nói, để cho cả châu Á biết đến bạn, hãy giới thiệu bản thân với người Nhật.
Tham khảo Reddit
M.E.O