Giải mã Tsundere – Cơn ám ảnh của người Nhật, sự ấm áp bên trong lớp băng lạnh giá

Nếu bạn là một Otaku hoặc có tìm hiểu về văn hóa Anime của Nhật, chắc bạn chẳng lạ gì với khái niệm Tsundere.

Nếu bạn không biết, chỉ 1 phút Google sẽ cho bạn đầy đủ thông tin về cụm từ này. Thế nhưng đây là nơi giúp bạn có thể tìm hiểu sâu hơn về sự hấp dẫn của các Tsundere. Tại sao Tsundere lại có sức hút lớn, trở thành nỗi ám ảnh của rất nhiều bạn trẻ Nhật Bản?

Dù sao cũng nên nói sơ qua một chút khái niệm chứ nhỉ !

“Gì cơ? Bạn không biết Tsundere là gì á? Bạn bị ngốc à, tự phán xét chính mình đi. Được rồi, để đó tôi chỉ cho”

Ảnh NAVER まとめ

Đừng vội chửi người viết thô lỗ, mình vừa minh họa cho bạn một hành vi điển hình của Tsundere. Bây giờ mới là khái niệm nè !

Tsundere つんでれ/ツンデレ là sự kết hợp giữa hai từ:

  • tsun tsun つんつん/ツンツン
  • dere dere でれでれ/デレデレ

Hai từ này ám chỉ 2 thái độ khác nhau. Tsun tsun chỉ những người thích tỏ ra lạnh lùng, cool ngầu, bất cần còn Dere dere lại mô tả vào những người đáng yêu, ân cần dịu dàng với người khác. Hai loại này tưởng chừng đối nghịch nhau nhưng khi được kết hợp sẽ tạo ra một dạng tính cách rất thú vị.

Ảnh Inside Retail Asia

Tóm lại, Tsundere là những người lúc mới quen tưởng như rất vô cảm, khó gần, nhưng thực tế họ âm thầm quan tâm và có một trái tim ấm áp. Đừng nhầm lẫn với bệnh đa nhân cách trong tâm lý học bạn nhé. Đó có thể vì người ta bị tác động thay đổi bởi môi trường, hoặc sự gặp gỡ với một người đặc biệt nào đó. Cũng có thể do bản chất tốt bụng nhưng không biết cách quan tâm dẫn đến biểu hiện vụng về,… nói chung có rất nhiều hoàn cảnh có thể dẫn đến sự ra đời của một Tsundere.

Ảnh Crunchyroll

Để cụ thể hơn chúng ta sẽ đi vào một số dấu hiệu nhận biết nhân vật Tsundere trong Anime

  1. Nhân vật muốn quan tâm bảo vệ tình yêu bí mật của mình, nhưng không muốn thể hiện cảm xúc lộ liễu. Vì thế trước mặt người yêu cố tình tỏ ra không quan tâm
  2. Nhân vật lạnh lùng vô cảm, thậm chí nhẫn tâm với hầu hết các nhân vật khác, trừ một nhân vật đặc biệt nào đó.
  3. Nhân vật lúc đầu thu mình trong vỏ bọc, không muốn tiếp xúc với xã hội, nhưng càng ngày càng hòa đồng hơn nhờ tác động của môi trường
  4. Nhân vật “hên xui” – à không, ý mình là lúc thì lạnh lùng, lúc thì ấm áp, tùy tâm trạng. (loại này gần với đa nhân cách lắm đấy).

Mổ xẻ sức hút của Tsundere?

Bạn có thể dễ dàng nhận thấy Tsundere rất thu hút. Khi xem Anime, chưa kịp hoàn hồn, bạn đã ngỡ ngàng nhận ra mình lọt hố Tsun từ đời thuở nào. Cái này không chỉ được cảm nhận mà có nghiên cứu hẳn hoi nhé.

Ảnh Pinterest

Nghiên cứu đầu tiên được thực hiện bởi Đại học Minnesota vào năm 1964 (bất ngờ chưa!). Họ chọn ra một số đối tượng và cho các đối tượng này gặp gỡ với một người hỗ trợ (nhân vật bí mật). Sau thời gian trò chuyện khá dài, đối tượng được cho nghe một đoạn hội thoại giữa người nghiên cứu và người hỗ trợ. Cái mà đối tượng được nghe chính là ấn tượng của người hỗ trợ về mình. Tuy nhiên nội dung đoạn hội thoại đã được sắp đặt trước theo 4 chiều hướng như sau:

  1. Hoàn toàn khen ngợi đối tượng
  2. Hoàn toàn chê bai đối tượng
  3. Đánh giá ban đầu có vẻ tiêu cực nhưng cuối cùng chốt lại những mặt tốt của đối tượng
  4. Đánh giá ban đầu có vẻ tích cực nhưng cuối cùng chốt lại những mặt không tốt của đối tượng

Phần quan trọng nhất của nghiên cứu chính là nhận xét của đối tượng về người hỗ trợ, sau khi nghe họ nhận xét chính mình. Ngạc nhiên rằng, lựa chọn số 3 được đa số đối tượng thích nhất, họ giải thích rằng họ có cảm tình với những người không ngại nói ra điểm xấu của người khác nhưng tóm lại vẫn đánh giá cao mặt tốt của họ.

Ảnh DaveDwantaraC – DeviantArt

Thí nghiệm thứ 2 thực hiện sau 10 năm vào năm 1975 bởi Đại học Illinois. Nhà nghiên cứu cho 180 nữ sinh và 158 nam sinh cùng xem một đoạn Video. Trong Video có một người phụ nữ (A) và một người đàn ông (B) đang trò chuyện, nhưng không có âm thanh. Đoạn hội thoại được tua đi tua lại 4 lần, mỗi lần người phụ nữ A lại thể hiện những hành vi phi ngôn ngữ khác nhau.

Lần 1: A tỏ ra tử tế với B

Lần 2: A tử tế với B lúc đó, nhưng sau đó lại lạnh lùng với B

Lần 3: A lạnh lùng lãng tránh B nhưng sau đó dần thân thiện với B

Lần 3: A lạnh lùng với B, nhất quán từ đầu đến cuối.

Câu hỏi được đặt ra là: đâu là người phụ nữ sẽ có sức hút lớn nhất đối với người đàn ông B? Một lần nữa, 3 là đáp án được chọn nhiều nhất.

Ảnh Imguram

Cả hai thí nghiệm trên đều cho ta thấy rằng Tsun rất hấp dẫn, nhưng tại sao? Thí nghiệm của Aronson và Linder vào năm 1964 sẽ giải thích một cách thấu đáo hơn. Thí nghiệm này chỉ ra rằng con người cảm thấy mình có cảm tình nhiều hay ít hơn với ai đó phụ thuộc vào kỳ vọng cơ bản của họ. Nếu kỳ vọng ban đầu của bạn là “Người này ghét tôi”, thế nhưng sau đó khi họ đối xử với bạn thân thiện hơn, dù chỉ một chút thôi, bạn cũng sẽ dành cho họ nhiều cảm tình hơn, bởi vì hành vi của họ đã vượt quá kỳ vọng của bạn. Đây là ảnh hưởng tâm lý mà ai cũng bị tác động. Không chỉ vì cảm thấy được quan tâm hơn mà còn cảm thấy bản thân đã thay đổi được ai đó theo hướng tích cực.

Những sản phẩm ăn theo trào lưu Tsun

Trong thời đại hiện nay, nổi tiếng đi kèm với lợi nhuận. Một số các sản phẩm ăn theo đã trở nên HOT dựa trên định nghĩa Tsundere này. Đó là những sản phẩm Tsundere ban ngoài có vẻ lạnh… nhưng bên trong lại ấm áp (ví dụ: kem nóng, những cửa hàng có phong cách phục vụ tệ hại nhưng món ăn lại rất chất lượng,..).

Bên dưới là một số sản phẩm đậm chất Tsun cho những ai thích bị “ngược”.

Có ai muốn trở thành một Tsun hay làm đối tượng của Tsun sau bài viết này không nhỉ?

M.E.O

 

Xem thêm các bài liên quan thú vị khác!
Xem thêm: