Bạn có biết nguồn gốc thật sự của mì ăn liền ?
Mì ăn liền là một sản phẩm mà hầu như tất cả mọi người trong chúng ta đều biết và đã từng sử dụng, thế nhưng bạn có biết ai là người đã phát minh ra sản phẩm này không?
Chúng ta sẽ cùng đi theo dòng lịch sử, để tìm hiểu về nguồn gốc của sản phẩm “huyền thoại” này nhé.
Ando Momofuku chính là nhà sáng lập, kiêm chủ tịch của tập đoàn sản xuất mì ăn liền lớn nhất của Nhật Bản Nissin Shokuhin. Ông cũng chính là người đầu tiên đã chế tạo ra mì ăn liền và mì ly, được phân phối rộng rãi khắp thế giới như hiện nay.
Giai đoạn khó khăn
Momofukusa sinh năm 1910 trong một gia đình khá giả ở Đài Loan, lúc này Đài Loan đang nằm dưới quyền cai trị của chính phủ Nhật Bản.
Năm 22 tuổi, ông đã thành lập một công ty kinh doanh dệt may quần áo, từ di sản của cha mình để lại.
Một năm sau đó ông đã đến thành phố Osaka của Nhật thành lập công ty kinh doanh và mua những hàng hoá nơi đây xuất khẩu sang Đài Loan, thời gian này ông cũng theo học khoa kinh tế của trường đại học Ritsumeikan.
Tuy nhiên, thời gian này thành phố Osaka đã bị tàn phá bởi chiến tranh, và công ty của ông cũng tan thành mây khói.
Thời gian sau chiến tranh, Momofuku mở một cửa hàng bách hoá và chế tạo muối ăn cung cấp cho những người dân trong khu vực mình sinh sống, ngoài ra ông còn giúp đỡ không ít những người nghèo khổ.
Công việc đã đem lại thành công và nó mang đến cho ông một thu nhập ổn định, nhưng thời gian này Nhật chịu sự kiểm soát của Hoa Kỳ, sau đó số tài sản của Momofuku bị điều tra và ông đã bị buộc tội trốn thuế.
Ước mơ với mì ăn liền
Trải qua nhiều khó khăn và vật lộn với cuộc sống, cuối cùng Momofukusa quyết định chế tạo mì ăn liền.
Sau chiến tranh, Nhật Bản chịu tổn thất nặng nề nhưng nhận được viện trợ lương thực từ Mỹ, bánh mì là nguồn lương lực chủ yếu vào thời điểm này.
Momofuku nhận thấy mì sợi (Udon) được nhiều người dân nước mình ưu chuộng, nhưng tại sao bộ y tế lại khuyến khích mọi người dùng bánh mì ? Sau khi tìm hiểu thì ông biết rằng, do dây chuyền sản xuất lúc bấy giờ chỉ đáp ứng 1 số lượng nhỏ sản phẩm mì sợi.
Vì vậy, Momofuku đã có ý định cải tiến quá trình sản xuất mì theo ý riêng của mình. Để đưa ý tưởng của mình thành hiện thực, Ando Monofuku đã phải mất rất nhiều thời gian và công sức, trải qua nhiều lần thí nghiệm thất bại. Khó nhất là làm thế nào để sợi mỳ có thể nhanh chóng hút được nước sôi và chín ngay.
Một lần tình cờ nhìn vợ mình chiên món Tempura, ông đã nghĩ ra được cách làm giảm độ ẩm của dầu khi chiên sợi mì. Đây là một bước tiến quan trọng để có thể tạo ra sản phẩm mì ăn liền hoàn hảo.
Cuối cùng Momofuku cũng đã thành công, và tạo ra sản phẩm mì ăn liền đầu tiên trên thế giới.
Cho ra đời mì ly
Khi mà mì ăn liền được phổ biến thì nhiều người lại có cách ăn khác nhau, và trong một lần nhìn thấy những người Mỹ bẻ gói mì ra làm 2 bỏ vào ly rồi cho nước sôi vào ăn, Momofuku nghĩ rằng sao mình không chế biến mì trong ly, để mang đến sự cho tiện lợi cho người sử dụng?
Thời gian ban đầu ra mắt, mì ly vẫn là một hình ảnh xa lạ với tất cả mọi người, vì vậy quá trình phổ biến rộng rãi sản phẩm này cũng gặp phải một số khó khăn nhất định.
Vào năm 1972, một vụ bắt cóc xảy ra ở núi Asama, hung thủ đã giữ con tin trong một khách sạn với sự bao vây của nhiều cảnh sát.
Thời gian này vào đúng mùa đông (tháng 2) của Nhật nên thời tiết rất lạnh, tuyết đã rơi dày đặc, và những cảnh sát phải đứng ngoài trời để làm nhiệm vụ canh gác, những hộp cơm mang đến cho cảnh sát cũng bị đông lại vì cái lạnh giá của tiết trời.
Cơ hội đã đến
Những ly mì nóng hổi trong mùa đông được mang đến cho cảnh sát đang làm nhiệm vụ, họ vui mừng và ăn một cách rất ngon miệng.
Sự kiện sau đó được phát sóng truyền hình trên toàn nước Nhật, và mì ly đã phổ biến cũng như sử dụng ở 80 quốc gia trên toàn thế giới, với tên gọi Cup Noodle.
Theo thống kê đến năm 2016, thì tổng số Cup Noodle đã bán ra thị trường toàn cầu là 40.000.000.000 ly.
Mì ăn liền được xem là một phát minh đáng kể của cả thế giới nói chung, và nước Nhật nói riêng.
Hiện tại, công ty thực phẩm Nissin của Monofuku vẫn đang phát triển mạnh mẽ, và cung cấp sản phẩm mì ăn liền cho thị trường trên toàn cầu.
Kengo Abe